Tại buổi làm việc với Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đoàn Văn Việt (chiều 4/1) về công tác chuẩn bị cho ATF 2022, Tổng cục Du lịch cho biết, năm 2019 khách du lịch quốc tế đến khu vực ASEAN đạt khoảng 143,5 triệu lượt, chiếm 9,6% tổng khách du lịch quốc tế trên toàn thế giới; tốc độ tăng trưởng đạt 6,1%, cao hơn mức tăng trưởng chung của thế giới (4%). Tổng thu từ du lịch quốc tế đạt 171,1 tỷ USD, tăng 8,5% so với năm 2017. Thị trường nguồn của khu vực ASEAN chủ yếu là khách du lịch nội khối và Đông Bắc Á, trong đó thị trường khách outbound Việt Nam đứng trong nhóm 15 thị trường hàng đầu với khoảng 4,1 triệu lượt khách đi du lịch ASEAN.
ASEAN là một trong những thị trường, đối tác quan trọng nhất của Du lịch Việt Nam. Trong năm 2019, khách từ ASEAN tới Việt Nam đạt gần 2,1 triệu lượt, chiếm khoảng 11,6% tổng lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam. Các thị trường nguồn lớn nhất của Việt Nam trong ASEAN năm 2019 bao gồm: Malaysia (đạt 606.206 lượt, chiếm 3,4% tổng lượng khách), Thái Lan (đạt 509.802 lượt, chiếm 2,8% tổng lượng khách), Singapore (đạt 308.969 lượt, chiếm 1,7% tổng lượng khách), Campuchia (đạt 227.910 lượt, chiếm 1,3% tổng lượng khách).
ASEAN là một trong những khuôn khổ hợp tác đa phương Du lịch Việt Nam tham gia sâu rộng và có hiệu quả nhất. Việt Nam đã ký hiệp định hợp tác du lịch song phương với tất cả các nước thành viên ASEAN. Nhiều chương trình hợp tác ngắn hạn, cụ thể đã được ký và thực hiện hiệu quả; một số chương trình hợp tác dài hạn như hợp tác trong công tác xúc tiến, quảng bá du lịch với Thái Lan, Campuchia, Lào, hợp tác xây dựng sản phẩm du lịch tàu biển với Singapore và Philippines, sản phẩm du lịch đường sông với Campuchia và Lào... đã hình thành.
Việt Nam đã đăng cai nhiều phiên họp, sự kiện du lịch lớn trong ASEAN, tiêu biểu là Diễn đàn Du lịch ASEAN (ATF) 2019 tại Hạ Long, Hội nghị Cơ quan du lịch quốc gia (tháng 7/2017 tại Vĩnh Phúc), các Phiên họp Ủy ban hợp tác du lịch (tháng 4/2016 tại Hạ Long và tháng 10/2021 bằng hình thức trực tuyến).
Thời gian qua, Việt Nam đã đảm nhận vai trò đầu mối, chủ trì một số nội dung quan trọng như Chủ tịch Ủy ban Xúc tiến Quảng bá Du lịch ASEAN, Chủ tịch Ủy ban Đánh giá, Giám sát và Nguồn lực du lịch ASEAN, Phó Chủ tịch Ủy ban phát triển du lịch bền vững và bao trùm ASEAN, Phó Chủ tịch Ủy ban giám sát nghề du lịch ASEAN (2020-2021); đầu mối xây dựng sản phẩm du lịch đường sông, có đóng góp quan trọng trong việc thực hiện Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau trong ASEAN về lao động du lịch (MRA-TP). Hiện nay Du lịch Việt Nam đang chủ trì dự án “Xây dựng và triển khai Chiến lược ASEAN về sự tham gia của cộng đồng địa phương và khối tư nhân trong phát triển du lịch” và dự án phát triển sản phẩm mới “Chương trình du lịch tham quan lễ hội truyền thống ASEAN”.
ATF 2022 gồm hàng loạt sự kiện quan trọng, như Hội nghị Bộ trưởng Du lịch ASEAN và Hội nghị Bộ trưởng Du lịch ASEAN và các nước đối tác (Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Nga), các tổ chức đối tác (UNWTO, WTTC, PATA, ASEANTA, ATRA, Các Trung tâm ASEAN-Trung Quốc, ASEAN-Nhật Bản và ASEAN-Hàn Quốc…); Hội nghị Cơ quan du lịch quốc gia ASEAN và Hội nghị Cơ quan du lịch quốc gia ASEAN và các nước đối tác Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Nga; Hội chợ Du lịch Quốc tế TRAVEX; Lễ trao Giải thưởng Du lịch ASEAN; Họp báo các Bộ trưởng Du lịch ASEAN cùng nhiều hoạt động bên lề do nước chủ nhà tổ chức…
Dự kiến, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đoàn Văn Việt sẽ có cuộc gặp trực tuyến với Đại sứ Michael W. Michalak, Phó Chủ tịch Cấp cao kiêm Giám đốc Điều hành khu vực, Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN (US-ABC) và gặp gỡ song phương với Bộ trưởng Bộ Du lịch Philippines Bernadette Romulo-Puyat…
ATF lần thứ nhất được tổ chức năm 1981 tại Kuala Lumpur, Malaysia và được tổ chức thường niên, luân phiên bảng chữ cái theo tên các nước thành viên ASEAN. Việt Nam đã hai lần đăng cai ATF vào năm 2009 tại Hà Nội và năm 2019 tại Hạ Long, mang lại nhiều kết quả tốt đẹp đối với việc thúc đẩy trao đổi khách trong khu vực…
Tại ATF 2022, Việt Nam vinh dự có 4 trong tổng số 5 hạng mục được trao Giải thưởng Du lịch ASEAN (bao gồm (1) Hạng mục giải thưởng Khách sạn Xanh ASEAN: Khu nghỉ dưỡng H’Mong Village (tỉnh Hà Giang); Khách sạn nghỉ dưỡng Vedana Lagoon Resort & Spa (tỉnh Thừa Thiên Huế); Khách sạn nghỉ dưỡng Minera Hot Spring Bình Châu (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu); Khách sạn nghỉ dưỡng Amiana (tỉnh Khánh Hoà); Cần Thơ Ecolodge (thành phố Cần Thơ).
(2) Hạng mục giải thưởng Thành phố Du lịch sạch ASEAN: Thành phố Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh); Thành phố Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng); Thành phố Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu).
(3) Hạng mục giải thưởng địa điểm tổ chức MICE ASEAN
a. Hạng mục Phòng họp, hội nghị, hội thảo
- Khách sạn Aristo Lào Cai (tỉnh Lào Cai).
- Khách sạn nghỉ dưỡng Flamingo Cát Bà (thành phố Hải Phòng).
- Khách sạn Silk Path Huế (tỉnh Thừa Thiên Huế).
- Khách sạn Anya Quy Nhơn (tỉnh Bình Định).
- Khách sạn Pullman Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu).
b. Hạng mục địa điểm triển lãm, sự kiện
- Khách sạn nghỉ dưỡng Flamingo Đại Lải (tỉnh Vĩnh Phúc).
- Khách sạn nghỉ dưỡng FLC Thanh Hóa (tỉnh Thanh Hóa).
- Khách sạn nghỉ dưỡng Vinpearl Nam Hội An (tỉnh Quảng Nam).
- Khách sạn Dalat Palace (tỉnh Lâm Đồng)
- Trung tâm Hội nghị Pytopia (tỉnh Phú Yên).
4. Hạng mục Giải thưởng sản phẩm du lịch bền vững
a. Hạng mục Sản phẩm du lịch bền vững nông thôn: Khu bảo tồn làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải (tỉnh Thái Nguyên).
b. Hạng mục Sản phẩm du lịch bền vững thành thị: Sản phẩm tham quan thành phố Huế - 1 điểm đến 5 di sản của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế (tỉnh Thừa Thiên Huế).
|
Hùng Nguyễn