Tiễn ông Công, ông Táo về trời
Theo tâm linh của người Việt, có 3 vị thần cai quản việc bếp núc hay còn gọi là 3 ông đầu rau cai quản mọi chuyện trong nhà. Hàng năm, cứ đến ngày 23 tháng Chạp, người Việt ta có lễ tiễn ông Công, ông Táo về trời để báo cáo cho Ngọc Hoàng biết chuyện làm ăn của gia đình trong năm đó. Nhà nhà đều phải chuẩn bị lễ vật như hoa quả, mũ áo, vàng mã bằng giấy, cá chép còn sống với quan niệm rằng cá chép sẽ vượt vũ môn, hóa thành rồng để đưa ông Công, ông Táo lên chầu trời.
.jpg)
Phong tục đoàn viên, sum họp trong dịp Tết
“Tết là sự trở về, Tết là sum họp, Tết là đoàn viên”. Suy nghĩ đó đã ăn sâu vào tiềm thức của người Việt, để ai dù có đi xa đến đâu, có ở trong nước hay ngoài nước thì cứ mỗi dịp Tết đến xuân về là cũng cố gắng trở về bên gia đình, để đón Tết cùng với ông bà, cha mẹ, anh em họ hàng.
Phong tục gói bánh chưng, bánh tét
Từ thời vua Hùng dựng nước đến nay, người Việt lưu truyền tục gói bánh chưng, bánh tét vào dịp Tết. Chiếc bánh chưng, bánh tét xanh được làm nên từ những vật phẩm thân quen của nền văn minh lúa nước như gạo nếp, đậu xanh, thịt lợn, lá dong, lá chuối, lạt giang... Gói bánh chưng cũng cần sự tỉ mỉ và khéo léo, làm sao để chiếc bánh chưng vuông vắn, chiếc bánh tét được tròn đầy. Cùng với cặp bánh chưng hay đôi đòn bánh tét, trên bàn thờ tiên tổ còn bày biện thêm mâm ngũ quả, bánh mứt, hoa tươi, rượu...
Tục xông đất (hay xông nhà)
.jpg)
Theo quan niệm dân gian của người Việt, một năm mới bắt đầu từ mồng một Tết, nếu ngày mồng một mà mọi việc suôn sẻ, thuận lợi, may mắn thì cả năm cũng được tốt lành, thuận lợi. Chính vì thế mà người khách đến thăm nhà đầu tiên trong năm cũng rất quan trọng.
Tục chúc Tết, mừng tuổi đầu năm
Ngày mồng một Tết, các thành viên trong gia đình thường sum vầy, tụ họp đầy đủ tại nhà ông bà, cha mẹ để làm lễ cúng lạy tổ tiên, mừng tuổi các cụ cao niên và con trẻ. Người ta chúc nhau những điều may mắn, tốt lành nhất sẽ đến trong năm mới. Người lớn thì mừng tuổi cho trẻ em những phong bao lì xì đỏ tươi cùng những lời chúc để ngoan ngoãn, hay ăn chóng lớn...
Xuất hành, du xuân đầu năm
.jpg)
Người ta quan niệm rằng, hướng đi đầu tiên trong năm cũng rất quan trọng bởi sẽ ảnh hưởng tới tương lai của người đó trong cả năm sắp tới. Người ta thường chọn ra hướng xuất hành cho mình để năm mới mọi việc được may mắn, thuận lợi nhất. Sau những giây phút đoàn tụ ấm cúng bên gia đình, dịp Tết người ta thường xuất hành đi lễ chùa để cầu bình an, tài lộc, may mắn cho một năm mới.
Mỗi mùa xuân về, mỗi dịp Tết đến là mỗi lần truyền thống được khơi dậy, tôn vinh và lan tỏa tới tất cả mọi thế hệ, cũng là dịp tuyệt vời nhất để phong tục Việt được lưu truyền cho tới mãi mai sau.
PV