Loạn giá voucher…
Cuối 2019, DN H-tour bỏ ra hàng tỷ đồng “ôm” một loạt voucher nghỉ dưỡng để đón đầu mùa cao điểm du lịch hè 2020. Cú sốc Covid khiến DN này như ngồi trên đống lửa bởi voucher có nguy cơ trở thành giấy lộn. Khi dịch bệnh từng bước được khống chế, giãn cách xã hội được nới lỏng, các hoạt động kinh tế xã hội đang dần trở lại bình thường, DN này lập tức tung ra bán giá thấp cho các đơn vị lữ hành khác để gỡ lại vốn.
Giám đốc một đơn vị lữ hành cho hay, kỳ nghỉ lễ 30/4 -1/5 vừa qua, lượng khách du lịch đặt tour qua các công ty lữ hành cực ít, nếu không muốn nói là không có. Điều này trái ngược hoàn toàn với dự đoán “du lịch bùng nổ sau đại dịch, do du khách cuồng chân vì giãn cách quá lâu” của giới lữ hành. Trước tình cảnh này, các đơn vị mua lại voucher của H-tour nóng ruột tìm cách đẩy hết số voucher đã mua.
“Nếu không có dịch Covid, thời điểm này, giá một ‘combo’ nghỉ dưỡng 2 ngày 1 đêm tại FLC vào khoảng 4,5 triệu đồng; hiện nay voucher rao bán chỉ trên 1 triệu; chương trình 3 ngày 2 đêm chỉ hơn 2 triệu; nhiều DN xác định chỉ cần bán ra chỉ nhỉnh hơn một chút so với giá mua vào nên voucher trên thị trường có rất nhiều giá, trong khi dịch vụ không có gì khác biệt”, vị này cho hay.
Giá voucher bán ra cực thấp nhưng vẫn không có khách, chính vì thế, tâm lý muốn bán ra một cách nhanh chóng khiến thị trường trở nên hết sức lộn xộn.
“Chúng tôi được mời tham gia vào group mua bán voucher nhưng nhận thấy giá cả rất loạn, biết không thể kinh doanh theo kiểu này nên tôi đã rút khỏi nhóm”, Giám đốc một công ty du lịch khác chia sẻ.
Cạnh tranh gay gắt…
“Chưa biết khi nào hàng không mới mở lại đường bay, khi nào visa cho khách quốc tế mới được cấp lại” nên nhiều DN lữ hành trước đây chỉ kinh doanh inbound hoặc outbound cấp tốc chuyển hướng sang làm nội địa để duy trì hoạt động DN, chờ thời cơ bứt phá trở lại.
Anh Phạm Tú, Giám đốc Công ty du lịch Kỳ nghỉ Đông Dương (đơn vị chuyên tour Trung Quốc) cho biết, hoạt động nội địa đối với công ty là lĩnh vực mới hoàn toàn, do vậy trước mắt phải tìm kiếm đối tác cung cấp dịch vụ tại điểm đến, nguồn khách, hướng dẫn viên... “Lợi nhuận nội địa thấp hơn nhiều so với outbound, nhưng thời điểm này có việc làm để tạo nguồn thu dù là rất thấp để chi trả lương nhân viên, tiền thuê văn phòng… là điều DN nào cũng mong muốn”, anh Tú chia sẻ.
Trong khi nhiều DN lữ hành xác định du lịch biển là hướng đi chủ đạo “hậu Covid”, anh Tú lại chọn vùng cao Đông, Tây bắc là điểm đến cho du khách với thị trường mục tiêu là các tỉnh phía Nam. “So với các công ty lữ hành nội địa đã hoạt động lâu năm, thì một DN mới chuyển hướng như chúng tôi có thể kinh nghiệm không bằng, vì vậy chúng tôi chọn hướng đi khác là Ba Bể, Hà Giang, Cao Bằng…, hơn nữa nhiều du khách có tâm lý không muốn tập trung vào một điểm quá đông (ví dụ như biển) nên họ chọn những điểm đến khác như núi, rừng, hồ, thác..”, anh cho biết.
Mặc dù đã tìm cách “tự tránh đường” để tránh “ùn tắc” do quá nhiều đơn vị khai thác nội địa, nhưng trở ngại khác mà Kỳ nghỉ Đông Dương vấp phải là sự cạnh tranh gay gắt về giá.
“Tuân thủ các quy định về phòng chống dịch Covid, nên mỗi xe chở khách chúng tôi chỉ chở 50% số ghế để đảm bảo giãn cách an toàn. Thế nhưng, có DN vẫn cố tình không thực hiện quy định giãn cách trên xe, vẫn chở đầy khách. Cùng một cung đường như nhau, nhưng rõ ràng giá tour của xe kín khách sẽ thấp hơn đáng kể so với xe chỉ chở 50% số ghế”, anh Tú cho hay.
Giám đốc một DN lữ hành (đề nghị ẩn danh) cho biết, nhiều DN rất kỳ vọng vào chương trình kích cầu du lịch do Hiệp hội Du lịch Việt Nam phát động, nếu như vài tháng trước đây chỉ chọn 4 tỉnh Gia Lai, ĐắkLắk, Bình Định, Phú Yên là điểm an toàn thì hiện nay đã được mở rộng trên phạm vi toàn quốc. Như vậy, sẽ thuận lợi hơn đối với các đơn vị kinh doanh lữ hành trong việc bán tour. Tuy nhiên, chỉ có các DN thành viên Hiệp hội Du lịch Việt Nam hoặc Hiệp hội Du lịch các địa phương mới có cơ hội tiếp cận với những ưu đãi về vé hàng không, dịch vụ lưu trú… từ chương trình kích cầu.
“Chúng tôi lập một nhóm các DN vừa và nhỏ, tận dụng các quan hệ bạn hàng truyền thống để triển khai bán tour, tại thời điểm này, sự chủ động là hết sức quan trọng”, vị này cho hay.
Bà Nguyễn Thị Xuân Lan, Giám đốc Công ty lữ hành Goldenlife cho biết, để có giá tour tốt nhất đáp ứng kích cầu du lịch, bên cạnh giá vé hàng không, vận chuyển, lưu trú,thì giá vé điểm tham quan cũng rất quan trọng. Phải thống nhất được giá vé tham quan với chủ đầu tư các khu, điểm du lịch mới có thể hình thành được một tour phù hợp với tiêu chí kích cầu “giá rẻ nhưng dịch vụ không giảm”.
“Thời gian qua chúng tôi đã đàm phán với nhiều khu, điểm du lịch về giá vé tham quan. Do chi phí đầu tư lớn, công trình lại mới hoàn thiện nên chủ đầu tư một số nơi không chấp thuận đề nghị giảm giá vé. Chính vì vậy, chúng tôi lại phải triển khai các phương án khác để hình thành tour phù hợp”, bà Lan nói.
Trong khi đó, lĩnh vực khách sạn, lưu trú cũng không mấy lạc quan. Nếu như năm trước, thời điểm này các khách sạn nghỉ dưỡng ven biển đã được các đơn vị làm khách đoàn book phòng gần như kín hết, thì nay mới lác đác. Khách đặt phòng chủ yếu là khách lẻ.
“Nhiều đơn vị làm lữ hành còn tìm mọi cách ép giá dịch vụ lưu trú xuống mức thấp nhất, nếu không chấp nhận họ sẽ tìm cơ sở lưu trú khác, còn chấp chận thì khách sạn phải chịu thiệt đơn thiệt kép”, giám đốc một khách sạn phàn nàn.
Trao đổi với Tapchidulich.net.vn, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cho biết, hiện tượng lộn xộn trong hoạt động lữ hành là có, và việc nhân “nước đục thả câu” cũng không phải là chuyện hiếm. Tuy nhiên, ông Bình cho rằng, chương trình kích cầu du lịch nội địa trên phạm vi toàn quốc với sự tham gia của tất cả các DN trực thuộc, các Hiệp hội Du lịch thành viên trên cả nước, sự vào cuộc của Hàng không, các địa phương… sẽ chính thức được phát động vào giữa tháng Năm, với giá tour giảm tới 30% so với giá thông thường trong đó dịch vụ không giảm. “Người tiêu dùng sẽ có nhiều cơ hội lựa chọn; sự đánh giá về chất lượng dịch vụ, chất lượng phục vụ của khách hàng với DN sẽ là câu trả lời rõ ràng, thuyết phục nhất”, ông Bình nói. |
Viễn Nguyệt