Chùa Đà Quận, còn gọi là chùa Viên Minh, được khởi dựng từ thời vua Lý Anh Tông (1138 - 1175), là nơi thờ Phật, thờ Đà Quận công Mạc Ngọc Liễn, một danh tướng của nhà Mạc và đền Quan triều thờ danh tướng Dương Tự Minh, người có công dẹp trừ giặc, giữ gìn bình an vùng biên viễn Cao Bằng, bảo vệ lãnh thổ quốc gia Đại Việt, thế kỷ 12. Chùa nằm ở làng Đà Quận, xã Hưng Đạo, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng.
Hiện trong khuôn viên của chùa còn lưu giữ đôi chuông cổ, một chuông đặt ở chùa Viên Minh, một chuông đặt ở đền Quan Triều đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật quốc gia năm 2016.
Chuông chùa Viên Minh là loại chuông lớn, cao 160cm (thân cao 132cm, quai cao 28cm), đường kính rộng 95cm (miệng). Về trang trí họa tiết hoa văn, phần thân tạo thành ba lớp đường viền cân xứng từ trên xuống, ba lớp đường viền tròn chạy quanh thân chuông; những đường viền này giao tiếp nhau, ở chính điểm giao tiếp được trang trí các núm chuông, các núm chuông này được bố cục gồm 6 núm bao quanh thân chuông, đ��c nhô cao để gõ tạo sự ngân vang; phần diềm xung quanh núm chuông trang trí hình cánh sen, biểu tượng của sự trường tồn của nhà Phật. Phần quai chuông được trang trí họa tiết biểu tượng con rồng quấn quanh tạo thành 4 chân trụ rất chắc để treo chuông, đây chính là 4 chân của con rồng.
Chuông đền Quan Triều, về cơ bản giống chiếc chuông ở chùa Viên Minh, nhưng về kích thước to hơn. Chuông cao 178cm (thân cao 142cm, quai cao 36cm), đường kính 106cm (miệng). Nhân dân địa phương thường gọi quả chuông này là chuông đực (chuông chùa Viên Minh là chuông cái). Về họa tiết hoa văn, trang trí các đường viền ngang, dọc chạy xung quanh thân chuông và được tiếp nối bởi các đường giao nhau là các núm chuông. Trang trí con rồng ở phần quai cũng giống với họa tiết hoa văn con rồng ở chuông chùa Viên Minh. Hiện chiếc chuông này một chân của con rồng ở phần quai đã bị mất.
Hàng năm, vào ngày 9 tháng giêng chùa mở hội, nhân dân khắp nơi về trẩy hội với nhiều trò chơi dân gian được tổ chức như: cờ tướng, bịt mắt đập bóng, tung còn, cờ người...
HN