Bùi Nguyên Đạt từng có 4 năm học quản trị kinh doanh tại Quế Lâm, Trung Quốc. Sau khi về nước anh chọn ngành du lịch để “thỏa sức đi đây đi đó”. Từng đưa du khách đến nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có những điểm được xem là “cực kỳ khó khăn” bởi sự xa xôi, hiểm trở như Tây Tạng, Ladakh, Bhutan…, tuyến “Con đường tơ lụa” dù không quá khó để đi, nhưng cũng không hề dễ bởi quãng đường di chuyển khá xa, đi qua nhiều tỉnh, thành phố của Trung Quốc.
“Con đường tơ lụa là tuyến đường giao thương kết nối giữa Trung Quốc, Tây Á, Trung Á từ cách đây hơn 2.000 năm, do các thương nhân khai phá. Điểm xuất phát của Con đường tơ lụa bắt đầu từ thành phố Tây An thuộc tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc. Từ Tây An qua Hà Tây, Trương Dịch, Lan Châu, rồi đến Đôn Hoàng, cửa ải cuối cùng của Trung Nguyên trước khi tiến vào Tây Vực”, Đạt cho hay.
“Để lên được chương trình này, đơn vị tổ chức Lantours đã bỏ rất nhiều thời gian, công sức nghiên cứu, khảo sát, tính toán. Với tổng quãng đường khoảng 10.000 km, trong đó bay 3 chặng nội địa, di chuyển đường bộ hàng trăm km mỗi ngày, việc khớp nối các dịch vụ nhà hàng, lưu trú, vận chuyển là điều không hề đơn giản. Chưa nói đến việc phải đi qua những địa hình phức tạp, hoặc thời tiết khí hậu không thuận lợi”, Đạt chia sẻ.
Về ý tưởng mang áo dài Việt Nam trong chuyến đi lần này, Đạt bày tỏ, áo dài truyền thống chứa đựng bề dày lịch sử, văn hóa và tinh thần dân tộc, là niềm tự hào của người Việt Nam. “Việc mặc lên mình chiếc áo dài truyền thống dân tộc đi trên con đường cách đây hơn 2.000 năm các thương nhân đã khai phá không chỉ lan tỏa giá trị văn hóa đất nước mình, mà còn truyền cảm hứng tích cực đến tất cả mọi người”, Đạt bày tỏ.
Hành trình mang đến những trải nghiệm đặc biệt ấn tượng. Gia Dục Quan – thiên hạ đệ nhất hùng quan, khởi điểm cực Tây của Vạn Lý Trường Thành; ngôi chùa cổ kính nằm giữa sa mạc Minh Sa đẹp như miền cổ tích; hang đá Mạc Cao – Thiên Phật động với kho tàng tượng Phật và bích họa Phật giáo đồ sộ hàng ngàn năm tuổi…
Chuyến đi đưa du khách khám phá sự kỳ diệu của tạo hóa với những ngọn núi đá 7 màu đẹp nhưbích họa tại công viên địa chất ĐanHạ. Những dãy núi trùng điệp được hình thành, trải qua thời gian hàng triệu năm với nhiều biến đổi để có được những lớp màu lục, đỏ, cam, xanh kéo dài hàng trăm km. Nổi bật nhất là các hình thái đá phong phú và đa dạng, tạo thành những cảnh quan tuyệt đẹp và độc đáo.
Công viên địa chất Đan Hà làmột trong những công viên địa chất đẹp nhất và nổi tiếng nhất tại Trung Quốc, thuộc tỉnh Cam Túc, phía tây bắc Trung Quốc, được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới vào năm 2010.
Gia Dục Quan là cửa ngõ khởi đầu “Con đường tơ lụa” với chiều dài khoảng 20 km và nằm trên đỉnh núi cao gần 1.000 mét. Từ đây, bạn có thể nhìn thấy toàn cảnh của một vùng đất rộng lớn bao quanh Gia Dục Quan. Kiến trúc của tường được xây dựng từ đá và gạch, cao 5 - 8 mét, rộng khoảng 5 m. Gia Dục Quan được xem là một trong những thành đẹp nhất của Trung Quốc, là nơi thu hút đông đảo du khách đến chiêm ngưỡng vẻ đẹp cổ kính.
Vào thời kỳ cường thịnh, khu núi Đôn Hoàng có tới trên 1.000 hang động với những bức bích họa tinh xảo được khắc sâu vào vách đá, có giá trị lịch sử và nghệ thuật cao. Không chỉ mang chủ đề tôn giáo, các bức tranh còn khắc họa cuộc sống của người Trung Quốc qua nhiều thời kỳ. Hiện Đôn Hoàng còn giữ được 500 hang động cùng 50.000 m bích họa, 2.000 pho tượng, trong đó pho tượng Thích Ca Mâu Ni cao tới 35m gây ấn tượng sâu đậm với du khách. Năm 1983, hang Mạc Cao được UNESCO công nhận là di sản văn hoá thế giới.
Một trong những trải nghiệm không thể bỏ qua khi khám phá Con đường tơ lụa là cưỡi lạc đà trên sa mạc Minh Sa.
Anh Đỗ Quốc Đăng chia sẻ, mỗi công ty, mỗi cá nhân làm lữ hành đều luôn khao khát được đến, được trải nghiệm và được khai thác những vùng đất mới, những địa danh mới và những tuyến điểm mới. Hành trình Con đường tơ lụa đã mang đến những trải nghiệm tuyệt vời, những khoảnh khắc thật khó quên với đầy đủ mọi cung bậc cảm xúc cho tất cả các thành viên trong đoàn. Có một câu nói mà chúng tôi rất thích đó là: “Thế giới này không liên kết bởi những Phân tử mà liên kết bởi những Câu chuyện”. Để có được những câu chuyện và những kỷ niệm khó quên này, bằng tất cả những gì trân trọng nhất, xin được cảm ơn Lantour đã bỏ nhiều công sức và tâm huyết để xây dựng và thực hiện thành công hành trình này. Xin được cảm ơn đội ngũ nhân viên của Lantour đã phối hợp điều hành, tổ chức chương trình; đặc biệt là sự chu đáo, nhiệt tình của HDV Bùi Nguyên Đạt trên suốt hành trình, mang lại nhiều thông tin bổ ích cho đoàn đồng thời có những bức ảnh hết sức ý nghĩa, khơi dậy lòng tự hào dân tộc cũng như lan tỏa giá trị văn hóa Việt Nam với quốc tế…”. |
Bài: Viễn Nguyệt, Ảnh: NVCC