Không giống như nhiều năm trước, khách du lịch tìm về Yên Tư tập trung nhiều vào những ngày diễn ra lễ hội (mùa xuân), khoảng 2 năm gần đây, lượng khách tham quan, du lịch về Yên Tử đã được rải đều trong cả năm. Điều này cho thấy hạn chế về tính mùa vụ đối với danh thắng Yên Tư đã và đang được khắc phục có hiệu quả.
Theo ông Đặng Đình Sách - Trưởng phòng Kinh tế - thị xã Uông Bí (đơn vị chịu trách nhiệm quản lý danh thắng Yên Tử) thì: ngoài phong cảnh thiên nhiên, Yên Tử còn được các cấp, các ngành, người dân địa phương ra sức chăm lo, bảo vệ môi trường xanh – sạch – đẹp, góp phần tạo thêm sự hấp dẫn du khách. Năm nay trên đỉnh Yên Tử có thêm một ngôi chùa mới được đúc hoàn toàn bằng đồng lơn nhất Việt Nam (nặng gần 80 tấn). Công trình này chính thức được xác nhận và ghi vào sách kỷ lục Ghi-nét Việt Nam và đây cũng chính là thành quả của quá trình xã hội hóa công tác bảo vệ, trùng tu, tôn tạo các di tích, danh lam thắng cảnh... Đặc biệt, cũng từ năm nay tỉnh Quảng Ninh không thu vé đối với tất cả du khách đến Yên Tử tham quan, dự lễ hội và bổ sung thêm nhiều hướng dẫn viên có năng lực chuyên môn, yêu nghề, am hiểu về lịch sử Yên Tử có mặt liên tục các ngày trong tuần để sẵn sàng cung cấp cho du khách những thông tin về danh thắng Yên Tử.
Bắt đầu từ mùa lễ hội Yên Tử năm 2007, UBND tỉnh Quảng Ninh, Ban Quản lý (BQL) di tích Yên Tử giao cho Công ty Cổ phần Phát triển Tùng Lâm quản lý và chịu trách nhiệm về toàn bộ việc chỉnh trang cơ sở vật chất, nâng cấp các dịch vụ phục vụ khách tham quan.
Tỉnh cũng đã thành lập hiệp hội kinh doanh ở Yên Tử theo tiêu chí đảm bảo văn minh thương mại. Các khu vực kinh doanh được tổ chức sắp xếp lại theo đặc thù của từng loại hình kinh doanh, tránh được sự lộn xộn và tình trạng bắt chẹt du khách.
Thị xã Uông Bí đã nâng cấp, mở rộng những tuyến đường chính dẫn vào Yên Tử, đặc biệt là đoạn từ tháp Tổ lên chùa Hoa Yên... Để tránh tình trạng sạt lở đất do trời mưa và khách đi lại đông, UBND tỉnh Quảng Ninh cho xây kè để bảo vệ di tích. Đối với những đoạn đường dốc, trơn gây nguy hiểm cho du khách, thị xã Uông Bí đã xây dựng thêm một hệ thống đường lan can, tiêu biểu như đoạn từ chùa Hoa Yên lên An Kỳ Sinh. Bên cạnh đó, doanh nghiệp Tùng Lâm phối hợp với UBND xã Thượng Yên Công tiến hành phát thẻ để quản lý hoạt động gánh hàng thuê lên núi Yên Tử đảm bảo an ninh trật tự.
Trong năm nay, tại Yên Tử sẽ có Công ty TNHH Phúc Xuyên, mở tuyến xe buýt từ thị xã Uông Bí vào đến chùa Giải Oan (xã Thượng Yên Công) với số lượng gần 20 đầu xe, bố trí chạy liên tục hàng ngày nhằm phục vụ khách hành hương trong suốt cả năm.
Cùng với giao thông đường bộ, tuyến đường cáp treo cũng được BQL hết sức quan tâm, đảm bảo vận hành thông suốt, an toàn tuyệt đối bằng việc chỉ đạo cho bộ phận kỹ thuật tiến hành bảo trì thường xuyên. Do vậy, trong suốt thời gian qua, tuyến cáp treo ở Yên Tử phục vụ du khách rất tốt, doanh thu 6 tháng đầu năm đạt 27 tỷ đồng.
Doanh nghiệp Tùng Lâm phối hợp với Công ty Môi trường Đô thị Uông Bí thành lập một tổ thu gom rác gồm 45 người, đồng thời xây dựng mới thêm 600 thùng rác đặt rải rác khắp các tuyến đường, đảm bảo dễ nhìn thấy, thuận tiện cho khách bỏ rác. Số rác gom lại sẽđược đưa ra khỏi khu vực Yên Tử để xử lý, tránh triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường, gây ảnh hưởng tới mỹ quan thắng cảnh Yên Tử.
Trong chiến lược phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, ngành Du lịch Quảng Ninh coi lễ hội và danh thắng Yên Tử là một trong những địa danh chính để thu hút du khách trong và ngoài nước. Để hiện thực hóa ý tưởng đó, UBND tỉnh Quảng Ninh giao cho Công ty Cổ phần Phát triển Tùng Lâm triển khai xây dựng mới thêm nhiều Trung tâm văn hóa sinh thái, khu nghỉ dưỡng chăm sóc sức khỏe theo phương pháp y học cổ truyền tại các lối vào di tích Yên Tử.
Bên cạnh đó, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã phối hợp với UBND tỉnh Quảng Ninh tiến hành tôn tạo các khu di tích, danh thắng. Tỉnh Quảng Ninhcùng với Bộ Văn hóa – Thông tin, Giáo hội Phật giáo Việt Nam, các ban ngành chức năng nghiên cứu để dựng tượng Đức thánh Trần Nhân Tông trên đỉnh An Kỳ Sinh và lập dự án xây dựng tuyến cáp treo từ chùa Hoa Hiên lên An Kỳ Sinh để phục vụ du khách hành hương về Yên Tử.
Trên quan điểm phát triển du lịch bền vững gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, cảnh quan, UBND tỉnh Quảng Ninh, thị xã Uông Bí đã và đang từng bước đưa quần thể di tích, danh thắng Yên Tử thoát dần khỏi sự lệ thuộc vào hạn chế của tính mùa vụ, góp phần tạo sức sống quanh năm cho quần thể di tích.
Ths. NGUYỄN THỊ TÌNH
Trường Đại học Dân lập Hải Phòng