TỪ CÁC LOẠI HÌNH DU LỊCH TRÊN NÚI
Trên con đường xuyên Việt từ Bắc vào Nam, nếu không đi theo hầm đường bộ Hải Vân (hầm đường bộ lớn nhất Đông Dương) mà đi theo đường đèo, du khách có thể cảm nhận được sức hút của Đà Nẵng. Đây là đèo cao nhất (khoảng 500m so với mặt nước biển), đầy hiểm trở. Từ trên nhìn xuống, con đường đèo Hải Vân chênh vênh một bên là núi rừng, một bên là biển cả, đỉnh đèo mây phủ quanh năm, vì vậy có tên “đèo Mây”. Xuống khỏi đèo Hải Vân, băng qua vịnh Đà Nẵng về phía Đông Nam là bán đảo Sơn Trà xinh đẹp - được ví như tấm thành vững chắc để bảo vệ thành phố trước biển khơi. Trên bán đảo Sơn Trà là rừng nguyên sinh với hệ động thực vật rất phong phú, nhiều loài vật, cây cối thuộc loại quý hiếm đã được đưa vào danh sách đỏ.
Từ chân đèo Hải Vân đi khoảng 5km, theo hướng Tây là con đường đi lên khu dự trữ thiên nhiên Bà Nà - Núi Chúa. Nằm ở độ cao 1.487m so với mặt biển, khí hậu quanh năm mát mẻ, nhiệt độ trung bình mùa hè khoảng 180C, Bà Nà - Núi Chúa là khu du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng lý tưởng ở miền Trung. Tại đây, du khách không chỉ được tận hưởng không khí trong lành, xanh, sạch mà còn được chiêm ngưỡng những cảnh quan đẹp mà hiếm vùng nghỉ mát nào có được. Bà Nà đã được Chính phủ công nhận là khu dự trữ thiên nhiên quốc gia từ năm 1986. Hiện nay, khu du lịch Bà Nà - Núi Chúa đã được đầu tư tương đối toàn diện để đón hàng trăm lượt du khách mỗi ngày. Trong thời gian tới khu du lịch Bà Nà sẽ được đầu tư thêm để xây dựng mới 50 phòng nghỉ VIP, một siêu thị - nhà hàng và khu vui chơi giải trí.
Băng qua thành phố về phía Nam là khu di tích danh thắng Ngũ Hành Sơn với 5 quả núi (Kim Sơn, Mộc Sơn, Thủy Sơn, Hỏa Sơn và Thổ Sơn) mọc giữa một vùng đồng bằng ven biển rộng lớn. Xung quanh và trong lòng các quả núi là hàng loạt các hang động, các ngôi chùa cổ kính uy nghiêm, dưới chân các quả núi là làng nghề điêu khắc đá truyền thống nổi tiếng với những sản phẩm điêu khắc độc đáo và tinh tế… Ngũ Hành Sơn vừa là biểu tượng văn hóa của Đà Nẵng vừa là điểm đến hấp dẫn của du lịch miền Trung - trên con đường di sản.
ĐẾN CÁC LOẠI HÌNH DU LỊCH BIỂN VÀ LÀNG NGHỀ TRUYỀN THỐNG
Xung quanh bán đảo Sơn Trà có nhiều bãi cát đẹp, trong đó có một số bãi tắm rất đẹp như bãi Bắc, bãi Nam và bãi Bụt. Dưới các bãi biển này là các rạn san hô lớn và tuyệt đẹp, rất thuận lợi cho việc phát triển các loại hình du lịch lặn biển. Hiện nay, Thành phố đang đầu tư tại đây khu du lịch Bãi Bụt với những ngôi nhà nghỉ trên sườn núi, ven biển; với các loại hình dịch vụ phong phú như: du lịch lặn biển, câu cá, tham quan bán đảo, ẩm thực biển… Các khu du lịch lớn như Đông Hải, Tiên Sa, cũng đã được triển khai hoạt động. Trong tương lai không xa, Thành phố đã có kế hoạch đầu tư xây dựng Trung tâm Hải dương học đồng thời phát triển bán đảo Sơn Trà thành một đô thị du lịch sinh thái lớn với đầy đủ các loại hình dịch vụ du lịch biển, du lịch núi phục vụ du khách. Dọc theo con đường ven biển dài nhất Việt Nam, con đường Sơn Trà - Điện Ngọc là các bãi tắm nổi tiếng: Mỹ Khê, Non Nước,... Bãi biển này đã được tạp chí Forbes - Mỹ đánh giá là một trong 6 bãi biển đẹp nhất hành tinh. Theo con đường này, hàng loạt các khu nghỉ dưỡng biển cao cấp như: Furama Resort, Sandy Beach Resort, đang hoạt động rất có hiệu quả và hàng loạt các dự án đầu tư du lịch đang được triển khai và đã được đăng ký cấp phép đầu tư với những dịch vụ cao cấp như sân golf, casino,... Trong đó, Dự án khu du lịch biển và sân golf Hòa Hải của tập đoàn VinaCapital có tổng vốn đầu tư hàng trăm triệu USD với diện tích hàng trăm ha đã được cấp phép xây dựng. Dự kiến năm 2007, Trung tâm lặn biển Coral Reef sẽ xây dựng một khu dịch vụ du lịch thể thao giải trí biển với các môn thể thao hoạt động chuyên nghiệp như đua thuyền buồm, lướt ván, lặn biển ngắm san hô... Tiềm năng du lịch biển luôn là thế mạnh của du lịch sinh thái TP. Nẵng.
Cách trung tâm Thành phố không xa là làng cổ Tuý Loan, làng Phú Thượng và làng Phong Nam. Đây là những làng quê truyền thống Việt Nam, với những luỹ tre, giếng nước và được bao bọc bởi những cánh đồng xanh. Trong làng còn lưu giữ các công trình kiến trúc cổ như đình, chùa, miếu thờ, nhà thờ tiền hiền, nhà thờ các tộc họ… Những làng quê truyền thống này nếu được giữ gìn và tổ chức tốt cũng sẽ trở thành những điểm du lịch sinh thái đầy hứa hẹn.
Đà Nẵng còn được biết đến với các làng nghề truyền thống được gìn giữ qua nhiều thế hệ. Đó là làng đá Non Nước với những tác phẩm nghệ thuật được chế tác từ đá mà mỗi tác phẩm đều thể hiện được nét tài hoa, tinh tuý của các nghệ nhân.
Ở Đà nẵng, du khách còn có cơ hội để tham dự các lễ hội truyền thống độc đáo của một thành phố biển.
Có thể nói, tài nguyên du lịch sinh thái Đà Nẵng (kể cả về tài nguyên thiên nhiên và tài nguyên nhân văn) là một thế mạnh của Thành phố. Ngành Du lịch Thành phố đã xác định, phát triển du lịch sinh thái không những mang lại những lợi ích to lớn về kinh tế, góp phần làm tăng thu nhập địa phương, tạo nhiều cơ hội về việc làm, cải thiện đời sống, giảm đói nghèo, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống của cộng đồng dân cư các địa phương, bảo tồn và gìn giữ các cảnh quan thiên nhiên và di tích văn hóa hấp dẫn, mà còn là một giải pháp hữu hiệu để bảo vệ môi trường tự nhiên, bảo vệ đa dạng sinh học và bản sắc văn hóa dân tộc, văn hóa cộng đồng thông qua các hoạt động giáo dục, tuyên truyền ý thức bảo vệ môi trường, bảo vệ các giá trị văn hóa, lịch sử./.
Ths. ĐINH THỊ THI
Phó trưởng khoa Kinh tế & Du lịch
Trường Kỹ thuật Kinh tế Đà Nẵng