Đảo Cồn Cỏ nằm trong vùng biển tỉnh Quảng Trị, cách đất liền 13 hải lý, cách Cửa Tùng 15 hải lý và cách Cửa Việt 19 hải lý về phía Đông Bắc. Đảo có diện tích khoảng 220ha, trong đó có 3ha mặt nước chuyên dùng làm âu tàu để tàu thuyền tránh bão. Đây là một hòn đảo đá bazan hiếm hoi trên vùng biển phía Bắc của đất nước với nhiều cảnh quan thiên nhiên độc đáo.
Hệ sinh thái phong phú
Cồn Cỏ là đảo núi lửa dạng vòm thoải. Một số dạng địa hình đặc trưng ? dõy r?t có giá trị đối với du lịch sinh thái. Trên đảo tồn tại hai bậc thềm biển: thềm mài mòn tích tụ cao 6 - 8m, lộ trơ đá bazan hoặc phủ lớp vụn san hô và vỏ sinh vật; thềm tích tụ cao 3 - 4m, cấu tạo bởi cát sạn có thành phần từ vỏ sinh vật. Các thềm biển này có thể được sử dụng làm mặt bằng tốt để xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch. Bề mặt nền mài mòn hiện đại và vách mài mòn phân bố khá rộng sát mép nước. Chúng tạo nên các cảnh quan độc đáo cho du lịch và còn là điều kiện để tham quan khoa học, tìm hiểu cấu trúc của trầm tích núi lửa và lịch sử hình thành vùng đất nổi này. Trên đảo còn gặp các bãi tảng cuội lớn trên nền mài mòn, những bãi biển hẹp tại các cung bờ lõm ở phía Đông, Đông Nam và Nam của đảo rộng khoảng 20 - 40m, nghiêng thoải. Một số bãi biển cấu tạo bởi đá vụn san hô, trên bãi biển phân bố nhiều tảng lăn đá bazan. Những bãi biển này cần được đầu tư, tôn tạo phục vụ cho hoạt động du lịch - nghỉ dưỡng.
Theo kết quả điều tra năm 2006, thực vật trên đảo có 118 loài thuộc 54 họ thuộc ngành thực vật hạt kín, trong đó có 17 loài cây trồng. Các họ có nhiều loài nhất là cúc, hòa thảo, thầu dầu, đậu, cà phê, cỏ roi ngựa, dâu tằm… Một số kiểu thảm thực vật có giá trị cho du lịch sinh thái gồm:
Rừng thứ sinh cây lá rộng thường xanh nhiệt đới ẩm trên đất bazan
Hiện tại kiểu rừng này phân bố trên đất xám đen hình thành từ đá bazan dạng bọt, có cấu trúc 3 tầng: tầng tán rừng cao 8 - 20m, tầng cây bụi cao 2 - 8m, tầng cỏ, cao dưới 2m. Loại rừng cây lá rộng thường xanh này với 3 tầng cây và dây leo làm cho Cồn Cỏ thực sự là một hòn đảo xanh.
Rừng thứ sinh trên đất cát vụn san hô
Kiểu rừng này chỉ còn sót lại ở phía Đông Bắc đảo và một cụm nhỏ ở Bến Nghè, Đông Nam đảo. Rừng thứ sinh trên đất cát vụn san hô có cấu trúc đơn giản, gồm 2 tầng: tầng cây gỗ, cao 5 - 8m, tầng cây bụi cao dưới 5m.
Trảng cây bụi thứ sinh trên đất cát vụn san hô
Trên nền san hô vụn có thể phân biệt ra hai quần xã cây bụi khác biệt nhau về thành phần loài.
Các quần xã thực vật trên cát biển ngập triều
Thảm thực vật đảo Cồn Cỏ đơn giản, nhưng mang tính đặc sắc. Trong hệ thống đảo, chỉ có đảo Lý Sơn và Cồn Cỏ được hình thành từ dung nham núi lửa. Nhưng thảm thực vật tự nhiên trên đất phong hóa từ đá bazan chỉ còn ở Cồn Cỏ. Thảm thực vật trên đảo có thể đáp ứng được mục đích du lịch sinh thái cũng như một phần nào về phong cảnh và nghỉ dưỡng cho khách du lịch trong các chuyến đi ngắn ngày.
Các loại hình du lịch có thể khai thác
Với những đặc trưng về môi trường tự nhiên như thạch học, địa hình, lớp phủ thực vật, hệ sinh thái rạn san hô, đảo Cồn Cỏ được đánh giá là có tiềm năng lớn cho phát triển du lịch. Có thể xác định khả năng phát triển một số loại hình du lịch trên đảo và vùng biển lân cận tiêu biểu như:
- Du lịch tham quan, nghỉ dưỡng.
- Du lịch sinh thái có mục tiêu khám phá, nghiên cứu khoa học.
- Du lịch thám hiểm lặn biển và tham quan hệ sinh thái rạn san hô.
Cồn Cỏ còn là đảo Anh hùng thời kháng chiến chống Mỹ, được mệnh danh là chiến hạm không bao giờ đắm trên biển Đông. Các di tích lịch sử, di tích cách mạng trên đảo cần được tôn tạo để tham quan kết hợp với du lịch sinh thái biển đảo.
Chắn chắn, nếu được đầu tư thích đáng, Cồn Cỏ sẽ góp phần tích cực vào việc tạo ra bước đột phá trong phát triển du lịch sinh thái ở tỉnh Quảng Trị.
PGS.TS.TRƯƠNG QUANG HẢI
Phó Viện trưởng Viện Việt Nam học và Phát triển
* Chi tiết xem Tạp chí DLVN tháng 7/2007