(Tạp chí Du lịch) - Ngày 29/09/2023 tại Trung tâm Hội nghị 37 Hùng Vương, Hà Nội, Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam (VCCA) đã long trọng tổ chức Lễ trao chứng nhận 121 món ẩm thực tiêu biểu giai đoạn I - 2022 và công bố giai đoạn II - 2023 Đề án “Xây dựng và phát triển Văn hoá Ẩm thực Việt Nam thành thương hiệu Quốc gia” với sự tham dự của các đại biểu đại diện các Bộ, Ban ngành, đại diện lãnh đạo tỉnh, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch; Sở Du lịch của 63 tỉnh, thành phố, các nghệ nhân ẩm thực, doanh nghiệp…
Phát biểu khai mạc buổi lễ, Chủ tịch VCCA Nguyễn Quốc Kỳ bày tỏ, với sứ mệnh tìm kiếm, phục dựng, bảo tồn, phát huy và phát triển nền văn hoá ẩm thực Việt Nam lên tầm cao mới, với định hướng biến di sản thành tài sản, VCCA đã triển khai Đề án “Xây dựng và phát triển văn hóa ẩm thực Việt Nam thành thương hiệu quốc gia, giai đoạn 2022 – 2024”. “Đề án tiến hành khảo sát, thu thập dữ liệu của văn hóa ẩm thực Việt Nam nhằm xây dựng “Tổng tập 1.000 món ẩm thực tiêu biểu Việt Nam” và tiến hành chuyển đổi số cơ sở dữ liệu đó thành “Bản đồ trực tuyến ẩm thực Việt Nam” và “Bảo tàng trực tuyến Ẩm thực Việt Nam”. Các sản phẩm của Đề án sẽ góp phần tạo bước đệm để đưa thương hiệu Việt Nam ra thế giới thông qua văn hóa ẩm thực, thúc đẩy cạnh tranh quốc gia và là tiền đề của phát triển kinh tế Việt Nam”, ông Kỳ nói.
Theo Phó Chủ tịch VCCA Lê Tâm, trong giai đoạn giai đoạn I năm 2022, Đề án đã nhận được 421 đề cử món ẩm thực được gửi đến từ 60/63 tỉnh thành trên khắp cả nước. Với sự tham gia của các Nhà Khoa học trong lĩnh vực Văn hoá Lịch sử, Công nghệ thực phẩm, Kinh tế; Nghệ nhân, Chuyên gia Ẩm thực; Nhà quản lý Văn hoá Du lịch, VCCA đã lựa chọn được 121 món ẩm thực tiêu biểu Việt Nam, dựa trên các tiêu chí: an toàn, chất lượng; tính phổ biến, tính lan tỏa. Trong đó có 47 món miền Bắc, 37 món miền Trung và 37 món miền Nam.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Lê Phúc hoan nghênh và đánh giá cao Đề án “Xây dựng và phát triển Văn hoá Ẩm thực Việt Nam thành thương hiệu Quốc gia” của VCCA. Phó Cục trưởng Nguyễn Lê Phúc cho biết, trong xu thế ngày nay, văn hóa ẩm thực ngày càng được chú trọng, dẫn số liệu của Tổ chức Du lịch thế giới công bố mới đây, du khách dành khoảng 25 -30% ngân sách cho ăn uống, ẩm thực hoặc mua thực phẩm trong hành trình du lịch.
“Trong đề án phát triển du lịch đến 2023, ngành Du lịch đã xác định du lịch ẩm thực là một dòng sản phẩm chủ đạo để nâng tầm và thúc đẩy du lịch phát triển. Trong các chương trình xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam tại các thị trường quốc tế, ngành Du lịch luôn chú trọng đến quảng bá văn hóa ẩm thực Việt Nam để nâng tầm sản phẩm du lịch”, ông Phúc nói.
Tại buổi lễ, VCCA giới thiệu Giai đoạn 2023 với các nội dung và hạng mục:
Hỗ trợ địa phương hình thành bộ sự kiện cùng các hoạt động thúc đẩy phát triển hệ sinh thái Văn hoá Ẩm thực; Truyền thông, quảng bá trên bình diện quốc gia và quốc tế; nhằm tôn vinh các giá trị Văn hoá, Dinh dưỡng, và Kinh tế để Ẩm thực hướng đến mục tiêu phát triển Du lịch Ẩm thực địa phương; Hỗ trợ chuyển đổi số các hoạt động Văn hoá Ẩm thực địa phương trên cùng một nền tảng Bản đồ, Bảo tàng Văn hoá Ẩm thực Việt Nam (Ảo). Từng bước định hình chiến lược phát triển Văn hoá Ẩm thực địa phương;
Triển khai Tổng tập “Tinh hoa Ẩm thực Việt”, bao gồm các bộ sự kiện cấp Quốc gia gắn với chuỗi hoạt động tại các địa phương:
Chương trình bầu chọn “Món ngon Quê tôi” được đề cử bởi cộng đồng chuyên gia, đầu bếp, doanh nghiệp nhà hàng, ẩm thực địa phương và cơ quan ban ngành trong lĩnh vực ẩm thực, du lịch địa phương. Kết quả danh sách “Tinh hoa Ẩm thực Việt” sẽ được quyết định thông qua cuộc bầu chọn bởi các chuyên gia và cộng đồng địa phương.
Hoạt động Cooking show, Cuộc thi Nghệ nhân/Đầu bếp trẻ, Quảng diễn các “Món ngon Quê tôi” được thiết kế gắn với các sự kiện của địa phương.
Tổ chức Lễ hội Tết Việt với các hoạt động hội tụ ẩm thực trên khắp địa phương, được thể hiện bởi tài năng và bản sắc của Nghệ nhân đến từ các vùng miền. Đồng thời kết hợp triển lãm thương mại qua nhiều gian hàng trưng bày sản vật địa phương và doanh nghiệp ngành lương thực thực phẩm.
Toàn bộ hoạt động đề án giai đoạn 2023, chương trình từ “Món ngon Quê tôi” đến “Tinh hoa Ẩm thực Việt” được triển khai toàn diện trên nền tảng công nghệ với các nội dung tiêu biểu như:
Xây dựng & hoàn thiện nền tảng lưu trữ dữ liệu tập trung về món ẩm thực, nguyên vật liệu theo từng vị trí địa lý. Xây dựng hệ thống thu thập dữ liệu và đề xuất các món ẩm thực, có tính năng cho nguyên gia thẩm định, phê duyệt các món ẩm thực;
Hệ thống hóa các quy trình, công cụ quản trị và hoạch định nguồn lực cho việc thẩm định, phê duyệt món ẩm thực cũng như tích hợp việc quảng bá sau khi món ẩm thực được phê duyệt; Xây dựng bản đồ ẩm thực địa phương, kết hợp quảng bá du lịch và trải nghiệm ẩm thực khi đến từng địa phương thông qua hệ thống món ngon tiêu biểu văn hoá ẩm thực Việt Nam; Phát triển hệ thống gợi ý cá nhân hoá dựa trên hành vi và sở thích của người, giúp họ khám phá các món ẩm thực, nguyên liệu và địa điểm ẩm thực phù hợp với nhu cầu thực khách…
Đề án giai đoạn 2 năm nay có sự đồng hành, tài trợ của nhãn hàng Chin-Su thuộc công ty Cổ phần Hàng tiêu dùng Masan, công ty CP Truyền thông và Tiếp thị Giao thông vận tải Việt Nam (Vietravel Corp); Công ty Cổ phần Tictag.
|
Hùng Nguyễn