Hội thảo có sự tham dự của Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt, Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch Nguyễn Anh Tuấn. Về phía Nhật Bản có ông Watanabe Shige, Phó Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam, ông Shukuri Masafumi, Chủ tịch Viện Nghiên cứu Giao thông và Du lịch Nhật Bản, ông Gamo Atsumi, Giám đốc cơ quan xúc tiến du lịch Nhật Bản tại Việt Nam (JNTO), ông Katayama Kenya, Thị trưởng thị trấn Niseko, tỉnh Hokkaido, cùng đại diện lãnh đạo các Sở Du lịch, Sở VHTTDL các địa phương, đại diện các doanh nghiệp lữ hành chuyên thị trường Nhật Bản…
Nhấn mạnh đến ý nghĩa quan trọng của Hội thảo lần này, trong phần phát biểu khai mạc, Chủ tịch Viện Nghiên cứu Giao thông và Du lịch Nhật Bản Shukuri Masafumi cho rằng, 2 nước đã có mối giao lưu từ rất sớm, từ thế kỷ 16 các thương nhân Nhật Bản đã đến giao thương tại Việt Nam, mở ra mối quan hệ hợp tác sau này. Vở Opera do Nhật Bản – Việt Nam hợp tác xây dựng lấy bối cảnh từ câu chuyện của một thương nhân Nhật Bản ở Hội An với công chúa thời nhà Nguyễn đã được công diễn tại Nhà hát lớn Hà Nội mới đây đã thu hút sự quan tâm rất lớn của công chúng, điều đó cho thấy, sự gắn kết chặt chẽ hơn nữa trong quan hệ hợp tác trên các lĩnh vực là vấn đề cả 2 nước cần tiếp tục nỗ lực thúc đẩy. “Du lịch là chìa khóa mở ra sự hợp tác, giao lưu, kết nối, tăng cường sự hiểu biết, đồng thời làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ giữa 2 nước”, ông Shukuri Masafumi nói.
Chia sẻ ý kiến này, Thứ trưởng Đoàn Văn Việt cho rằng, hiện nay, Nhật Bản là đối tác kinh tế, thương mại, đầu tư, du lịch và lao động quan trọng hàng đầu của Việt Nam, hợp tác giữa hai nước trên các lĩnh vực, đặc biệt là văn hoá, du lịch được thúc đẩy mạnh mẽ và đạt nhiều kết quả tích cực. Thứ trưởng cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2023, khách quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 8,9 triệu lượt, trong đó thị trường khách Nhật Bản đạt 414.444 lượt khách, đứng thứ 5 trong top các thị trường quốc tế đến Việt Nam.
Bên cạnh những kết quả tích cực, hoạt động du lịch cũng đặt ra nhiều vấn đề phức tạp, trong đó tình trạng quá tải điểm đến đã gây ảnh hưởng trực tiếp đến trải nghiệm của khách du lịch, chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch, môi trường, hệ sinh thái, an ninh, an toàn; ảnh hưởng đến công tác quản lý, vận hành của điểm đến; chất lượng cuộc sống người dân địa phương…
“Trong bối cảnh đó, Hội thảo này hết sức phù hợp với tình hình và xu hướng phát triển du lịch trên thế giới và ở cả Việt Nam và Nhật Bản. Với tinh thần cầu thị, chúng tôi hy vọng sẽ được lắng nghe nhiều ý kiến quý báu từ các nhà quản lý, các chuyên gia, nhà khoa học của Việt Nam và Nhật Bản vì sự phát triển chung ngành Du lịch của hai nước”, Thứ trưởng Đoàn Văn Việt bày tỏ.
Thông tin do ông Watanabe Shige, Phó Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam cung cấp tại Hội thảo cho thấy, trong 9 tháng 2023, có 449.000 lượt khách Việt Nam đi du lịch Nhật Bản, là con số lớn nhất từ trước đến nay. Từ tháng 11/2023, Chính phủ Nhật Bản bắt đầu cấp visa điện tử cho các doanh nghiệp lữ hành đưa khách theo tour trọn gói, điều này chắc chắc sẽ thu hút lượng khách đông hơn trong thời gian tới.
“Nhật Bản đã xuất hiện tình trạng quá tải, chẳng hạn tuyến Cung đường Vàng thu hút quá đông doanh nghiệp lữ hành đưa khách đến, dẫn đến chất lượng dịch vụ không đảm bảo, cũng như áp lực của điểm đến căng thẳng. Để giảm tải, Nhật Bản đã lựa chọn 11 điểm đến vệ tinh xung quanh Cung đường Vàng”, Phó Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam cho hay.
Trình bày tham luận về thực trạng phát triển “nóng” của du lịch Việt Nam những năm gần đây, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch Nguyễn Anh Tuấn cho biết, sau đại dịch COVID-19, Việt Nam áp dụng nhiều chính sách để phục hồi và thúc đẩy du lịch, trong đó một số chính sách thúc đẩy hiệu quả như khôi phục miễn thị thực cho công dân 13 nước; cấp thị thực điện tử cho công dân của 80 nước; tăng thời gian miễn thị thực và có giá trị nhập cảnh nhiều lần…
Một số liệu được ông Tuấn dẫn nguồn từ World Bank cho thấy, tháng 7/2019, du lịch Việt Nam đã chạm đến điểm bùng phát trong phát triển, hầu hết các điểm đến như Sapa, Ninh Bình, Quảng Ninh, Phú Quốc, Đà Lạt, Côn Đảo… đều quá tải trong mùa cao điểm. Ông Tuấn phân tích, các nguyên nhân như sự bùng nổ của du lịch sau đại dịch COVID-19; tính mùa vụ của nhiều điểm đến; kết cấu hạ tầng hạn chế; thiếu quy hoạch sức chứa tại điểm đến… gây ra những hệ lụy đáng lo ngại về môi trường tự nhiên và xã hội. Nghiên cứu tại Sapa cho thấy, công suất thực tế chỉ đáp ứng nhu cầu nước sinh hoạt 6.000 m3/ngày đêm nhưng lượng khách tăng vào dịp cuối tuần và dịp nghỉ lễ khiến nhu cầu nước sinh hoạt tăng lên 6.500 m3, dẫn đến thiếu nước sinh hoạt trong cộng đồng dân cư và du khách; bên cạnh đó, khả năng xử lý rác thác cũng là một vấn đề lo ngại, hiện có khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa chưa được xử lý…
Viện NCPTDL đã đưa ra một số đề xuất theo hướng phát triển du lịch các vùng phụ cận để thu hút khách, giảm tải cho vùng trung tâm, tuy nhiên, nhiều vướng mắc chưa thể tháo gỡ ngay bởi sự thiếu đồng bộ kết nối hạ tầng, thiếu định hướng, chiến lược, quy hoạch sử dụng đất, giải phóng mặt bằng, sự thiếu thống nhất trong cơ chế, chính sách…
Chia sẻ những kinh nghiệm thực tiễn trong giảm tải điểm đến, ông Katayama Kenya, Thị trưởng thị trấn Niseko, tỉnh Hokkaido cho biết, quan điểm phát triển du lịch của Niseko là thông điệp bảo vệ thiên nhiên, môi trường, hạn chế tối đa sự tác động đến môi trường, mang lại sự cảm nhận cho du khách từ giá trị cốt lõi là văn hóa bản địa. “Chúng tôi hạn chế chiều cao các tòa nhà hành chính, dân cư, cũng như chiều cao các cơ sở lưu trú, hạn chế sử dụng các thiết bị tiêu hao năng lượng, ưu tiên sử dụng năng lượng tái tạo. Vấn đề quan trọng là truyền cảm hứng để người dân địa phương yêu mảnh đất của chính mình, họ là nhân tố quan trọng trong việc giảm thiểu các tác động đến môi trường, từ đó tạo động lực để họ chuyển các thông điệp chung tay bảo vệ môi trường đến du khách”, ông Katayama Kenya chia sẻ.
Từ góc độ của địa phương đang chịu những áp lực quá tải về sức chứa, bà Hoàng Thị Vượng, Trưởng phòng VHTT Thị xã Sapa cho hay, năm 2019 (trước COVID) Sapa đón 3,3 triệu lượt khách, doanh thu du lịch đạt 9.300 tỷ đồng. 9 tháng đầu 2023, tổng lượt khách đến Sapa đạt 2,88 triệu lượt, doanh thu đạt 9.980 tỷ đồng. Tính đến thời điểm này trên địa bàn có tổng số cơ sở lưu trú là 1.340 cơ sở… bên cạnh những mặt tích cực thì sự phát triển nhanh chóng cũng gia tăng áp lực lên cơ sở hạ tầng, môi trường, văn hóa…
“Nhiều định hướng đã được xây dựng, nhưng có mang lại hiệu quả hay không còn phụ thuộc rất nhiều vấn đề như cơ chế, nguồn lực…”, bà Vượng nói.
Từ góc độ của doanh nghiệp lữ hành, ông Nguyễn Hữu Y Yên, Chủ tịch HĐTV SaigonTourist cho rằng, việc giải bài toán quá tải là “hết sức nan giải”, bởi tính chất mùa vụ.
“Nhật Bản mùa nào cũng đẹp, các doanh nghiệp có thể đưa khách đến điểm vệ tinh để giảm tải bởi vùng nào cũng rất hấp dẫn, nhưng Việt Nam tính chất mùa vụ rất lớn, trong mùa du lịch biển thì khó có thể thuyết phục khách đến một nơi không có biển…”, ông Yên nêu ý kiến.
Về vấn đề quá tải khách tại các trung tâm du lịch, Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Nguyễn Trùng Khánh cho rằng, sự quá tải đã và đang là một thách thức lớn đối với ngành Du lịch Nhật Bản và Việt Nam. Người dân địa phương ở các khu vực du lịch trọng điểm đã phải chịu đựng các vấn đề như tình trạng đông đúc, tắc nghẽn giao thông, rác thải và tiếng ồn. Vì vậy, ngành Du lịch cần tính đến khả năng đa dạng hóa điểm đến và trải nghiệm du lịch, xem đây là chìa khóa để ngăn chặn tình trạng du lịch quá mức, đồng thời cho phép ngành Du lịch phục hồi và phát triển bền vững.
Theo nhìn nhận của Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, tình trạng quá tải khách tại các trung tâm du lịch hiện nay phần lớn xảy ra bởi tính mùa vụ của điểm đến, hạn chế về cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật, thiếu quy hoạch và quản lý sức chứa tại điểm đến, phương án điều tiết khách chưa hợp lý và sản phẩm du lịch bổ trợ chưa đa dạng. Điều này tác động tiêu cực đến môi trường, văn hóa, xã hội cho các địa phương và điểm đến, đặc biệt ảnh hưởng đến trải nghiệm và tâm lý của khách du lịch, từ đó ảnh hưởng đến hình ảnh và thương hiệu du lịch của quốc gia.
Do đó, phát triển các điểm đến vệ tinh hướng tới du lịch bền vững là vấn đề hết sức quan trọng, không chỉ chia sẻ lượng khách du lịch từ các trung tâm du lịch lớn đang quá tải, khai thác hiệu quả tài nguyên du lịch, hỗ trợ mở rộng sinh kế và gia tăng thu nhập cho người dân bản địa, mà còn cải thiện kết cấu hạ tầng du lịch tại các điểm đến vệ tinh và tạo động lực thúc đẩy kinh tế tại các điểm đến vệ tinh, mở rộng không gian du lịch, tăng sức hấp dẫn cho các điểm đến mới, gia tăng trải nghiệm cho khách du lịch.
“Hội thảo là tiền đề quan trọng để Cơ quan Du lịch hai quốc gia Việt Nam và Nhật Bản có những hành động tiếp theo giải quyết vấn đề đặt ra, hướng tới phát triển du lịch bền vững”, Cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh cho hay.
Viễn Nguyệt