Môi trường là nơi sinh sống và hoạt động của con người, là nơi để tồn tại xã hội, nếu mọi người không biết bảo vệ giữ gìn và tôn tạo nó, sẽ là tự mình hủy diệt cái nôi sinh sống của chính mình. Bảo vệ môi trường hiện nay là một vấn đề đã mang tính toàn cầu. Đó là việc cần phải làm của từng người, từng ngành, từng quốc gia và của cả nhân loại.
Ở Việt Nam, nhiều giải pháp khắc phục, giải quyết các vấn đề về môi trường đã được triển khai như: giải pháp công nghệ, quản lý, kinh tế, giáo dục. Trong đó, giải pháp giáo dục môi trường vẫn được xem là giải pháp có tính lâu dài, bền vững và phù hợp với điều kiện của Việt Nam. Bởi vì muốn bảo vệ gìn giữ tôn tạo môi trường có hiệu quả thì trước hết phải nâng cao nhận thức, tạo lập ý thức, sau đó là thái độ, hành vi của từng người, của cả cộng đồng trước các vấn đề về môi trường.
Bất cứ một ngành kinh tế nào, sự phát triển của nó cũng gắn liền với môi trường. Đối với du lịch - một ngành kinh tế tổng hợp có tính liên ngành, liên vùng và xã hội hóa cao thì môi trường là một yếu tố đặc biệt quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng, tính hấp dẫn của các sản phẩm du lịch, tác động đến khả năng thu hút du khách và đó chính là những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh du lịch, đến sự tồn tại, hoạt động du lịch và đến sự phát triển du lịch bền vững.
Học sinh, sinh viên Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội nói riêng và các trường đào tạo du lịch nói chung là những người sẽ tham gia vào lực lượng lao động trong các lĩnh vực thuộc ngành Du lịch. Giáo dục ý thức, trang bị kiến thức, kỹ năng bảo vệ môi trường cho học sinh, sinh viên ngay từ khi còn học ở trong trường là một việc rất bức thiết và là một bước đi cơ bản, đảm bảo tính thiết thực và lâu dài. Sau khi ra trường, họ chính là những tác nhân đi đầu trong việc chủ động bảo vệ môi trường du lịch thông qua công việc của mình, đồng thời họ hướng dẫn cho du khách và cộng đồng dân cư tham gia vào công việc bảo vệ, giữ gìn và tôn tạo môi trường.
Để việc giáo dục ý thức bảo vệ môi trường cho học sinh, sinh viên các trường du lịch có hiệu quả thiết thực, theo chúng tôi cần thực hiện những giải pháp sau:
1- Đưa nội dung giáo dục môi trường vào chương trình đào tạo dưới các hình thức:
+ Có môn học riêng về môi trường để trang bị những kiến thức tổng quan, hiện trạng và các giải pháp về môi trường (Thời lượng lý thuyết khoảng 30 hoặc 45 tiết, tùy từng trường, từng hệ học quy định).
+ Thực hiện lồng ghép nội dung bảo vệ môi trường trong quá trình đào tạo ở các môn học (Tổng cục Du lịch đã hướng dẫn, tập huấn năm 2005 vừa qua).
+ Có chương trình ngoại khóa về môi trường, kết hợp qua các đợt đi tham quan, thực tập thực tế ở các cơ sở du lịch cho học sinh, sinh viên.
2- Cần có một đội ngũ giáo viên giảng dạy về môi trường đảm bảo các yêu cầu: có kiến thức chuyên môn, tâm huyết nghề nghiệp, có trình độ kỹ thuật sư phạm và đặc biệt phải có các kỹ năng: tư duy, quan sát, lắng nghe, tổ chức thảo luận, tổ chức tham quan, trình bày và đánh giá… để thể hiện trong quá trình giảng dạy.
3- Các cơ sở đào tạo du lịch phải là nơi gương mẫu về môi trường; cùng với việc duy trì môi trường sư phạm, môi trường văn hóa du lịch cần phải đảm bảo cho môi trường sinh thái luôn xanh - sạch - đẹp. Trong điều kiện và hoàn cảnh cụ thể của mỗi trường, cần tạo ra sự tối ưu hóa cho cảnh quan môi trường như: quy hoạch khuôn viên hợp lý, ngoài sân trường luôn sạch sẽ, trồng cây xanh tạo bóng mát, có vườn hoa cây cảnh mang đặc thù riêng của trường học. Trong các phòng học, hành lang, cầu thang, phòng làm việc luôn đảm bảo vệ sinh sạch sẽ, trang nhã… Điều đó tác động vào học sinh, sinh viên ý thức giữ gìn bảo vệ môi trường ngay từ khi học tập tại trường; từ đó họ sẽ làm tốt hơn sau khi ra trường làm việc tại các doanh nghiệp du lịch.
TS. NGUYỄN MẠNH TY
Phó Hiệu trưởng
Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội