Một trong các giải pháp để gia tăng thời gian và hiệu quả khai thác du lịch theo kinh nghiệm thành công trên thế giới, có thể nghĩ đến việc xây dựng chuỗi sự kiện du lịch bốn mùa dựa trên tài nguyên bản địa và sự sáng tạo của cộng đồng, nhằm trực tiếp cuốn hút du khách vào các mùa vắng khách.
Trong bài viết này, tác giả tập trung vào một đề xuất có tính sáng kiến, không chỉ sử dụng cho Năm Du lịch Thanh Hóa 2015 mà nhằm xây dựng một thương hiệu bền vững của Du lịch xứ Thanh: xây dựng và phát triển các điểm nhấn sự kiện bốn mùa liên quan du lịch và du lịch biển Thanh Hóa, với tầm nhìn:
Chùm hoạt động lễ hội và các sự kiện được tổ chức theo chuỗi, là sự kết hợp tài nguyên tự nhiên – nhân văn mà chủ nhân sáng tạo chính là các cộng đồng địa phương sở hữu tài nguyên du lịch. Sự phô diễn văn hóa và giải trí với các điểm nhấn trong cả bốn mùa, có sức kích thích nhu cầu trải nghiệm văn hóa và sáng tạo, có khả năng quốc tế hóa và sức cạnh tranh trên thị trường du lịch.
Mùa xuân
Mùa xuân ở xứ Thanh là mùa của những lễ hội làng như: hội làng Xuân Phả (Thọ Xuân) với trò diễn Xuân Phả nổi tiếng (10 và 11/2 âm lịch); lễ hội Nàng Han (của người Mường - Thái Trịnh Vạn - Thường Xuân) diễn ra từ ngày mùng 3 - 5 tháng giêng; lễ hội làng Quỳ Chử - Hoằng Hóa với tục nấu cơm thi độc đáo vào tháng giêng; lễ hội làng Hoằng Bột, mở hội từ ngày mùng 2 - 6 tháng giêng (xã Hoằng Lộc, huyện Hoằng Hóa); lễ hội làng Triềng ngày 10 - 12 tháng giêng (xã Yên Ninh, huyện Yên Định); lễ hội đền Bà Triệu, ngày 19 – 24/2 âm lịch (làng Phú Điền, xã Triệu Lộc, Hậu Lộc)…
Tuy nhiên, xét trên bình diện du lịch, cũng giống như hàng nghìn lễ hội mùa xuân tản mạn trên khắp các làng quê Việt Nam, những lễ hội nơi thôn dã xứ Thanh chưa được nhiều du khách thập phương biết đến và chưa là yếu tố trọng yếu để tạo nên một thương hiệu Du lịch xứ Thanh. Do vậy, cần tìm tòi, xây dựng và phát triển một sự kiện trong mùa xuân độc đáo, có sức nặng góp phần nâng tầm thương hiệu Du lịch xứ Thanh cả trong và ngoài nước.
Với suy nghĩ ấy, tác giả đề xuất xây dựng, mở rộng cuộc thi “Vượt biển trên bè của thổ dân” có điểm xuất phát từ bãi biển Sầm Sơn. Đó là một cuộc đua trên biển bằng phương tiện bè mảng kết hợp du lịch mạo hiểm, đồng thời là cuộc thi chế tạo bè mảng đi biển theo công nghệ dân gian (có lịch sử từ hàng chục nghìn năm trong quá khứ). Cuộc chơi này sẽ có nòng cốt là người xứ Thanh/công nghệ dân gian xứ Thanh/đất và biển xứ Thanh. Sự kiện này sẽ được quốc tế hóa trong cả hai phương diện: thi sản xuất phương tiện và đua vượt biển. Đường đua là đường dẫn kết nối các trung tâm du lịch trong khu vực. Cuộc đua bắt đầu từ 26/3 hàng năm. Cuộc thi sản xuất bè mảng bắt đầu vào tuần cuối tháng 9 hàng năm.
Sở dĩ tác giả đưa ra ý tưởng này vì công nghệ dân gian chế tạo bè mảng đi biển là một phần lịch sử, văn hóa của hầu hết cư dân vùng ven biển trên toàn cầu. Nhu cầu bảo tồn, phát huy văn hóa này là cần thiết. Đây là yếu tố mang lại khả năng quốc tế hóa cuộc chơi này. Cư dân ven biển Sầm Sơn, Phong Cốc, Móng Cái (Quảng Ninh) còn nhớ công nghệ dân gian kết bè mảng và làm buồm. Du lịch mạo hiểm, du lịch trải nghiệm văn hóa và nhất là du lịch biển – đảo đang là xu hướng lớn của du lịch thế giới và Việt Nam.
Ngoài ra, phối hợp với sự kiện đua bè vào tháng 3 (dương lịch), khu du lịch bãi biển Hải Tiến có thể tổ chức “Lễ hội Ẩm thực và trò chơi dân gian mùa xuân xứ Thanh”. Sự kiện này có thể chọn lọc và tổ hợp hóa các đặc sản/công nghệ chế biến đặc trưng của mùa xuân cùng với các trò chơi, trò diễn dân gian như nấu cơm thi, Xuân Phả…
Mùa hè
Phát triển thêm trò cho lễ hội đền Độc Cước (tháng 5) như: “Chọi trâu nước”; xây dựng “Chợ thủy sản bán lẻ như bán buôn xứ Thanh” kéo dài suốt mùa hè ở Sầm Sơn và một vài bãi biển du lịch khác; tổ chức các điểm trình diễn nghệ thuật (do cộng đồng và những người tình nguyện thực hiện)...

Mùa thu
Có thể xây dựng “Cuộc thi làm bè mảng đi biển truyền thống”. Cuộc thi sẽ kéo dài đến hết năm dương lịch tại bãi biển Sầm Sơn trên nguyên tắc của công nghệ dân gian: không kim loại, không dây ni lông. Kết quả sản phẩm của cuộc thi sẽ được sử dụng cho “Cuộc đua bè mảng vượt biển” mùa xuân.
Bên cạnh đó, có thể kết hợp với lễ hội Lam Kinh (ngày 22/8 âm lịch) và cuộc thi làm bè mảng, chọn thời điểm vào giữa thu, xây dựng và truyền thống hóa một sự kiện thể thao Thanh Hóa mở rộng, có thể mang chủ đề “Lễ hội thể thao trên cát mùa thu”. Lễ hội này có thể gồm các hoạt động như: đua xe đạp địa hình trên cát biển (đường đua Hải Tiến – Sầm Sơn – Nghi Sơn); đua xe máy (dân dụng) trên cát biển; đua xe tự chế trên bãi biển; đua thuyền buồm thể thao Sầm Sơn – Hạ Long; đua pa tanh trên mặt đường ven biển; giải Việt dã trên cát; giải Việt dã mạo hiểm đa phương tiện ngược sông Mã...
Mùa đông
Mùa đông là mùa “biển chết” với hầu hết bãi biển du lịch. Tuy nhiên, xứ Thanh đang sở hữu một yếu tố có thể phát triển thành một sự kiện lớn: lễ hội Noen và đặc biệt là cuộc rước của những người Công giáo ở TP. Thanh Hóa có thể phát triển thành một cuộc rước/diễu hành công giáo lớn, với khả năng thu hút du lịch tâm linh rất lớn.
Với những gợi ý mang tính cá nhân, tác giả hy vọng góp một phần nhỏ đa dạng hóa sản phẩm du lịch và khắc phục tính mùa vụ của du lịch xứ Thanh.
TS. Cao Đức Hải
(Tạp chí Du lịch)