Bài 1. Sự khác biệt của kinh doanh du lịch.
Các nước đều xếp ngành Du lịch nằm trong ngành kinh tế dịch vụ và bản thân kinh doanh du lịch có sự khác biệt so với những ngành sản xuất hàng hóa cũng như các ngành dịch vụ khác.
Đối với những ngành sản xuất hàng hóa, người sản xuất căn cứ vào nhu cầu của xã hội và con người để tiến hành sản xuất ra sản phẩm của mình để đáp ứng nhu cầu của con người. Trong quy trình sản xuất đầu vào của nó chính là nguyên vật liệu và cùng với cơ sở vật chất, máy móc, trang thiết bị với người cán bộ, công nhân viên có kỹ năng nghề nghiệp sẽ tạo ra những sản phẩm (xem hình 1)
Sản phẩm này nếu mang ra thị trường sẽ trở thành hàng hóa. Hàng hóa này là hiện hữu, có thể nhìn thấy được, sờ thấy được, có thể đem đi quảng cáo, trưng bày thậm chí có thể cho khách hàng dung thử hoặc đổi lại nếu sản phẩm hỏng. Người sản xuất có thể nâng cao chất lượng sản phẩm và đa dạng hóa sản phẩm để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.
Nhưng đối với ngành Du lịch, sự khác biệt ở đây được thể hiện trong quá trình “sản xuất”, đó là đầu vào của quá trình này là con người có nhu cầu du lịch và đầu ra của nó là con người được thỏa mãn về nhu cầu du lịch, được trải nghiệm và có những cảm xúc, ấn tượng tốt đẹp (hình 2).
Nhìn vào quá trình “sản xuất - kinh doanh du lịch”, có thể thấy không có sự xuất hiện của sản phẩm hay hàng hóa, vì thế trong lý luận cũng như trong thực tế còn có sự tranh luận khác nhau về “sản phẩm du lịch”. Một khi chưa xác định được “sản phẩm du lịch” là gì không thể nói đến việc nâng cao chất lượng và đa dạng hóa “sản phẩm du lịch” đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng.
Khác với các ngành dịch vụ khác, nhu cầu du lịch là nhu cầu thứ hai của con người, nó không phải là cấp bách và bức thiết, nó dễ dàng thay đổi khi có các nhu cầu khác xuất hiện. Ví dụ: một người giành được một lượng tiền nhất định để đi du lịch, nhưng vì xuất hiện một loại TV hay ô tô mới, họ sẵn sàng hủy bỏ chuyến đi du lịch này để mua TV hoặc ô tô. Hoặc họ cũng dễ dàng thay đổi đi du lịch đến các điểm đến du lịch khác do tác động của bạn bè, người thân hoặc theo trào lưu.
Vì thế, cùng là ngành dịch vụ nhưng đối với du lịch vấn đề “sản xuất, kinh doanh” gặp rất nhiều trở ngại khó khăn hơn các ngành dịch vụ khác. Những khó khăn, trở ngại này có cả những nguyên nhân khách quan và nguyên nhân chủ quan. Có cả những nguyên nhân từ vĩ mô đến vi mô, từ cơ chế chính sách của nhà nước đến nhận thức của mọi người.
Châu Anh
(Còn nữa)