Trong bài này, người viết muốn đề cập đến hiệu quả quảng bá du lịch từ những bộ phim truyện điện ảnh, và những bộ phim nghệ thuật phát trên sóng truyền hình, những bộ phim mà mục đích sản xuất chính không phải để quảng cáo du lịch, nhưng lại mang đến hiệu quả quảng bá du lịch rộng rãi và mạnh mẽ hơn bất cứ loại phim quảng cáo thương mại nào.
Một trong những ví dụ rất sinh động và thuyết phục về hiệu quả quảng bá du lịch của tác phẩm điện ảnh là bộ phim Triệu phú ổ chuột (Ấn độ). Bộ phim sau khi công chiếu, đoạt giải thưởng đã giúp cho doanh thu của Du lịch Ấn Độ tăng đột biến, nhất là ở thành phố Mumbai. Ấn Độ đã thiết kế hẳn một tour đưa du khách đến thăm những khu ổ chuột như bối cảnh trong phim. Tour ấy được đông đảo du khách nhiều quốc gia trên thế giới hưởng ứng.
Tại Australia, bộ phim “Australia” kể về một câu chuyện tình đẹp diễn ra trong khói lửa chiến tranh của đôi trai gái do hai diễn viên tên tuổi Hugh Jackman và Nicole Kidman đảm nhận. Đạo diễn Baz Luhrmann đã dàn dựng nên những hình ảnh đẹp tuyệt vời về quê hương của ông với nội dung phim, từng cảnh phim thấm đẫm vẻ đẹp phong cảnh, âm nhạc, văn hóa Australia… góp phần lôi cuốn du khách khắp bốn phương đến với đất nước Australia.
Được quay tại Việt Nam, bộ phim “Đông Dương” (Indochina) của đạo diễn Régis Wargnier công chiếu lần đầu năm 1992, lấy bối cảnh Việt Nam trong thời gian là thuộc địa của Pháp. Bộ phim sau khi công chiếu đã được đánh giá cao và được trao Giải Oscar cho phim ngoại ngữ hay nhất. Với những cảnh quay khung cảnh vịnh Hạ Long tuyệt đẹp, bộ phim sau khi công chiếu, đoạt giải Oscar đã khiến lượng khách du lịch châu Âu, đặc biệt là khách Pháp đến Việt Nam tăng bất ngờ. Cuối năm 1992, khi tới thành phố cảng Gotterbuag – Thụy Điển, tôi được người bạn mời đi xem phim ngoài rạp và thật tình cờ tối đó chiếu phim Indochina. Nghe tiếng khán giả xuýt xoa khen vịnh Hạ Long và rủ nhau đi du lịch Việt Nam, tôi tự hào về đất nước mình và thực sự thấy hiệu quả to lớn của quảng bá du lịch qua điện ảnh.
Tiếp theo bộ phim “Đông Dương” là bộ phim “Người tình” của đạo diễn người Pháp Jean Jacques Annauth, dựa theo cuốn tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Marguarite Duras. Một trong những bối cảnh của phim, ngôi nhà cổ của ông Huỳnh Thủy Lê (nguyên mẫu nhân vật nam chính trong tiểu thuyết “Người tình”) hiện đã trở thành một điểm du lịch văn hóa được nhiều du khách tìm đến và được Du lịch Đồng Tháp xây dựng, giới thiệu là một trong những điểm đến chính của du lịch địa phương.
Cùng với những bộ phim truyện của điện ảnh các nước được quay tại Việt Nam như phim “Đông Dương”, phim “Người tình”, phim “Người Mỹ trầm lặng”…, nhiều bộ phim truyện của các tác giả Việt Nam cũng đã rất chú trọng khai thác những cảnh đẹp thiên nhiên và nét văn hóa dân tộc độc đáo để hướng tới hiệu quả quảng bá du lịch cho đất nước. Trong những bộ phim ấy, có thể nhắc tới phim “Chuyện của Pao” (đạo diễn Ngô Quang Hải) được phát hành vào năm 2006. Không thể không công nhận rằng, thành công về hình ảnh của bộ phim là do tài năng của nhà quay phim người Anh gốc Australia Cordelia Beresford. Không gian thiên nhiên, văn hóa vùng cao đất nước Việt Nam khi được thể hiện qua góc nhìn máy quay của một nghệ sĩ nước ngoài bỗng trở nên đẹp đến ngỡ ngàng. Vẫn những phong cảnh núi rừng hùng vĩ nên thơ ấy, cánh đồng hoa cải ấy, phiên chợ vùng cao ấy, nhưng bằng nghệ thuật quay tinh tế, những nghệ sĩ điện ảnh đã sáng tạo nên những hình ảnh đẹp giàu cảm xúc mà không dễ bộ phim quảng cáo nào có được.
Vậy điều gì là quan trọng để tạo nên khả năng liên kết hoạt động giữa hai ngành Điện ảnh và Du lịch? Chờ đợi những hiệu quả quảng bá du lịch ngẫu nhiên, bất ngờ có được từ những bộ phim điện ảnh có những cảnh quay đẹp? Đó không gọi là sự hợp tác. Sự hợp tác giữa hai ngành chỉ có thể có được khi hai bên tìm ra được con đường phối hợp đặc trưng và thế mạnh của nhau, và phải cùng tìm thấy hiệu quả phát triển của mỗi bên trong sự hợp tác.
Ý tưởng hợp tác giữa Điện ảnh - Truyền hình và Du lịch đối với thế giới không còn là điều mới mẻ. Nhiều quốc gia đã làm và làm rất tốt sự phối hợp này.
Ở đất nước ta, chưa có điều kiện để xây dựng những chương trình hợp tác giữa Điện ảnh và Du lịch ở quy mô lớn như điểm đến du lịch – trường quay Hoành Điếm ở Trung Quốc, phim trường ở Hàn Quốc nhưng sự hợp tác giữa hai ngành cũng bắt đầu cho thấy những hiệu quả tốt như những bộ phim truyện điện ảnh với những hình ảnh, với những cảm xúc mang bản sắc văn hóa dân tộc. Và đặc biệt, ở lĩnh vực truyền hình, nhiều bộ phim tài liệu truyền hình nhiều tập, đặc biệt là phim tài liệu ký sự truyền hình như “Mê Kông ký sự”, “Ký sự biển đảo”, “Ký sự biên phòng”, “Ký sự Đắk Lắk”, “Đà Lạt ký”, “Sài Gòn du ký”… là những bộ phim hành trình, người làm phim cùng khán giả tham gia khám phá tìm hiểu vẻ đẹp thiên nhiên, lịch sử văn hóa đất nước. Đặc biệt, trong số những loạt phim này, có thế kể đến seri phim “Ký sự mùa thu vàng”, với hành trình trên nước Nga, đất nước có mùa thu vàng đẹp như huyền thoại. Hành trình “Ký sự mùa thu vàng” là chuyến đi tìm hiểu những kỷ niệm của bao thế hệ người Việt trên đất Nga. Phim không hề nhắc đến việc quảng cáo cho hoạt động du lịch một cách thô thiển. Nhưng chính những hình ảnh thiên nhiên, đời sống con người đất nước Nga, tình cảm của những người bạn Việt Nam và Nga lại tự mang đến hiệu quả quảng bá du lịch, gợi cảm xúc cho những du khách Việt Nam muốn đến thăm nước Nga và những du khách Nga muốn đến thăm đất nước Việt Nam. Gần đây, kênh truyền hình nổi tiếng, có lượng khán giả đông của Nga - My Planetta đặt vấn đề hợp tác với Du lịch Việt nam để làm phim truyền hình giới thiệu đất nước con người, văn hóa và Du lịch Việt Nam sau đó phát liên tục giới thiệu trên kênh truyền hình My Planetta và OPT cho khán giả Nga và một số nước nói tiếng Nga. Nếu hợp tác này thành công, chắc chắn lượng khách du lịch Nga và các nước nói tiếng Nga sang Việt Nam sẽ tăng trưởng.
Từ kinh nghiệm thành công của việc quảng bá du lịch qua điện ảnh và truyền hình các nước, cũng như hiệu quả thực tế tại Viêt Nam, chúng tôi, những người làm điện ảnh - truyền hình mong muốn và sẵn sàng hợp tác cùng với du lịch xây dựng những bộ phim nghệ thuật góp phần nâng cao hiệu quả công tác quảng bá xúc tiến du lịch thu hút nhiều khách du lịch tới Việt Nam cũng như phát triển mạnh mẽ du lịch nội địa như chiến dịch “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam, mỗi chuyến đi thêm yêu Tổ quốc” đã kêu gọi.
TS. Nguyễn Hạnh Lê
(Tạp chí Du lịch)