Kon Tum là địa chỉ trên Con đường xanh Tây Nguyên, “Con đường này” nối các điểm du lịch nổi tiếng của Tây Nguyên, tạo thành một sản phẩm độc đáo, thu hút du khách ưa thích khám phá và mạo hiểm, đặc biệt là đối với những người yêu thích thiên nhiên, yêu vùng đất cao nguyên đầy nắng gió. Với hệ thống giao thông thuận lợi, "Con đường xanh Tây Nguyên" có thể dễ dàng nối vào "Con đường Di sản miền Trung và "con đường huyền thoại Trường Sơn - Hồ Chí Minh" để hình thành nên một "Con đường du lịch xuyên quốc gia".
Vùng đất Tây nguyên nổi tiếng với độ rừng che phủ trên 60% diện tích với những cánh rừng đại ngàn mênh mông, đồi thông ngút ngàn, một hệ thống sông, suối, hồ, thác…rất thuận lợi để phát triển du lịch sinh thái. Đặc biệt, Kon Tum còn là một trong những cái nôi của văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên đã được UNESCO chính thức công nhận là kiệt tác kruyền khẩu và phi vật thể của nhân loại. Vùng đất này còn có các địa danh lịch sử cách mạng nổi tiếng như các chiến trường xưa Đăk Tô - Tân Cảnh, sân bay Phượng Hoàng, đồi Charlie, Plei Kần, Bến Héc, đường mòn Hồ Chí Minh, di tích lịch sử quốc gia ngục Kon Tum, đồi 42...
Với nhiều lợi thế về tài nguyên môi trường du lịch đa dạng và phong phú, ngành Du lịch Kon Tum đang từng bước hoàn thiện, tạo đà cho quá trình cất cánh. Trong định hướng phát triển giai đoạn 2007 - 2015, ngành Du lịch Kon Tum đã đưa ra mục tiêu hoàn thành công tác điều chỉnh quy hoạch tổng thể giai đoạn 2007 - 2015 định hướng 2020 bắt đầu triển khai. Tiến hành quy hoạch cơ sở hạ tầng khu du lịch làng Pleitum bên lòng hồ Yaly để phát triển loại hình du lịch đường sông; xây dựng khu du lịch văn hóa dân tộc Xê Đăng; khu văn hóa dân tộc Jẻ Triêng; làng văn hóa Đăk Răng (Ngọc Hồi). Ngoài ra, dự án khu du lịch di tích lịch sử cách mạng và văn hoá từ làng Đăkrăng - ngã ba Bến Héc - Ngã ba Đông Dương cũng được xây dựng để tạo ra khu du lịch liên hoàn dọc theo đường mòn Hồ Chí Minh.
Những năm gần đây hạ tầng cơ sở ở Kon Tum cũng đã có chuyển biến tích cực tạo đà cho ngành Du lịch phát triển. Những điểm du lịch nổi tiếng của tỉnh như: ngục Kon Tum, nhà thờ Chánh Tòa (nhà thờ gỗ), căn cứ E42 Đắk Tô- Tân Cảnh… được các nhà đầu tư nâng cấp và xây thêm cơ sở hạ tầng. Các tuyến du lịch khác, các cơ sở hạ tầng và các dịch vụ hỗ trợ du lịch cũng đang ngày càng hoàn thiện. Hàng loạt các công trình giao thông đã và đang được xây dựng, mở đường cho Kon Tum thông suốt với các tỉnh, trong nước và quốc tế. Đặc biệt tuyến đường Hồ Chí Minh và cửa khẩu quốc tế Bờ Y đã và đang được hoàn thiện đã tạo điều kiện cho Du lịch Kon Tum phát triển. Một số dự án đầu tư trọng điểm đang được đẩy mạnh tiến độ thực hiện như: khu du lịch rừng đặc dụng Đắk Uy; xây dựng làng văn hóa truyền thống và tu bổ tôn tạo các di tích lịch sử, làm đường giao thông đến các điểm du lịch; khôi phục làng nghề truyền thống.
Theo thống kê năm 2006, toàn tỉnh Kon Tum có 21 khách sạn lớn, nhỏ với gần 400 phòng được trang bị đầy đủ tiện nghi phục vụ khách du lịch, trong . 10 tháng đầu năm 2007, Kon Tum đã đón được 5.065 lượt khách, tăng 32,5%, tổng doanh thu đạt 1.911 triệu đồng tăng 41,9% so với cùng kỳ trước.
Nếu nhìn con số thống kê về lượt khách, doanh thu của Du lịch Kon Tum có thể khẳng định những chỉ số đó vẫn còn nhỏ bé so với tiềm năng. Nhưng chúng ta vẫn hy vọng với những bước triển khai tích cực của ngành du lịch Kon Tum cùng với xu hướng tìm về với thiên nhiên, hưởng thụ các giá trị văn hóa độc đáo và khác biệt của khách du lịch toàn cầu, Kon Tum sẽ sớm trở thành vùng du lịch đầy triển vọng của Việt Nam trong tương lai gần./.
MINH HẠNH