Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Trần Chiến Thắng khẳng định: đất nước ta có nhiều lợi thế để hình thành các khu, điểm du lịch nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách du lịch trong nước và quốc tế. Tuy vậy, cũng chính từ lợi thế này đã xuất hiện một số vấn đề liên quan đến công tác quản lý khu, điểm du lịch. Hội thảo là dịp để các cơ quan quản lý, ban quản lý các khu, điểm du lịch chia sẻ kinh nghiệm, tìm ra mô hình quản lý hiệu quả và phù hợp với đặc điểm của mỗi khu, điểm du lịch, của mỗi địa phương.
Chánh Thanh tra Tổng cục Du lịch Phạm Huỳnh Công cho rằng khu, điểm du lịch là sản phẩm chính của ngành Du lịch. Trong khu, điểm du lịch chứa đựng bản sắc văn, văn hoá tâm linh, ẩm thực, cảnh quan thiên nhiên, môi trường và đời sống tinh thần đặc trưng. Theo thống kê của Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO), trên 95% khách du lịch trên thế giới tìm đến tham quan các khu, điểm du lịch. Đối với Việt Nam, xuất phát từ yêu cầu quản lý trong quá trình phát triển du lịch trong những năm qua, nhiều địa phương đã thành lập Ban Quản lý (BQL) khu, điểm du lịch. Với hàng nghìn khu, điểm du lịch trải dài trên khắp các vùng, miền của đất nước, các khu, điểm du lịch đã có vai trò to lớn, đóng góp vào sự phát triển Du lịch Việt Nam.
Tuy nhiên, mặc dù tài nguyên du lịch rất phong phú, hấp dẫn nhưng nhiều địa phương chưa phân biệt được hình mẫu mô hình khu, điểm du lịch phù hợp. Mỗi khu du lịch có đặc điểm, tính chất, điều kiện, quy mô khác nhau nên trong thực tế có nhiều BQL khác nhau về vị trí, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy… Tuỳ theo đặc điểm của mỗi địa phương mà xuất hiện nhiều loại hình BQL như BQL trực thuộc tỉnh, trực thuộc sở quản lý nhà nước về du lịch, trực thuộc huyện, trực thuộc doanh nghiệp… đã được hình thành và hoạt động. Mặt khác, các khu, điểm du lịch chịu sự quản lý của nhiều đơn vị chức năng với các quy chế, chế tài khác nhau như khu du lịch thuộc vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên trước đây thuộc sự quản lý của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn; khu di tích lịch sử, văn hoá tâm linh thuộc sự quản lý của Bộ Văn hoá – Thông tin… Thực trạng này dẫn đến việc chồng chéo các dự án đầu tư, gây khó khăn cho công tác tôn tạo và khai thác phục vụ hoạt động du lịch.
Để tìm ra mô hình quản lý khu, điểm du lịch tối ưu, nhiều đại biểu nêu ý kiến cần có sự thống nhất về chính sách phát triển, quá trình quản lý phải dựa trên lợi ích hài hoà giữa chính quyền, dân cư và chủ thể quản lý. Kinh nghiệm của BQL khu du lịch Tam Cốc – Bích Động (Ninh Bình) cho thấy kể từ khi được quản lý theo chuyên ngành (trực thuộc Sở Du lịch Ninh Bình), hoạt động của khu du lịch đã phát triển tốt. Các tiêu chí về lượng khách, doanh thu, vấn đề vệ sinh môi trường, an ninh trật tự, lợi ích của người dân… đã được giải quyết hài hoà; lượng khách đến trong năm 2007 đã tăng 50%, doanh thu tăng 46% trong năm 2007. Tại khu du lịch biển Sầm Sơn (Thanh Hoá), chính quyền địa phương đã thực hiện chủ trương tạo điều kiện cho các loại hình kinh doanh hiện đại như taxi, ô tô điện, trung tâm thương mại, chợ đầu mối hoạt động để tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ và loại bỏ dần tình trạng lừa đảo, tiêu cực. Theo Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Tổng cục Du lịch Bùi Văn Đồng căn cứ vào tài nguyên du lịch của từng địa phương mà phân cấp quản lý khu du lịch cho phù hợp. BQL khu du lịch cần hoạt động theo cơ chế đơn vị sự nghiệp có thu, có đầy đủ tư cách pháp nhân, thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo sự phân công phân cấp tại khu du lịch.
PHƯƠNG ĐIỆP