 |
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh An Giang - Vương Bình Thạnh |
Xin ông cho biết đôi nét về tình hình phát triển Du lịch An Giang?
Ông VBT: Hiện nay, An Giang xác định Thương mại - Du lịch là khâu đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh, Tỉnh ủy và UBND Tỉnh đã ban hành các Chỉ thị về phát triển du lịch và phê duyệt quy hoạch tổng thể về phát triển Du lịch An Giang. Trên cơ sở đó, Du lịch An Giang tập trung phát triển 3 khu vực trọng điểm là Núi Cấm (Thiên Cấm Sơn) thuộc huyện Tịnh Biên có diện tích 3100ha; khu vực Bà chúa Xứ, Núi Sam (900ha); khu Nam Trà Ôn, TP. Long Xuyên (khoảng 500ha).
Để Du lịch An Giang hội nhập sâu và toàn diện, UBND tỉnh An Giang đã ký hợp tác trong lĩnh vực kinh tế với TP. Hồ Chí Minh, góp phần thu hút nhiều nhà đầu tư của TP. Hồ Chí Minh vào các dự án trong Tỉnh. An Giang đã xây dựng được quan hệ giao thương tốt với các tỉnh vùng biên giới của Campuchia để nối tour du lịch, do đó, du lịch tiểu vùng sông Mê Kông đang triển khai khá tốt.
Lượng khách đến An Giang ngày một tăng, năm 2006 An Giang đã đón khoảng 4 triệu lượt khách du lịch. Năm 2007, An Giang đã đón và phục vụ ước đạt trên 3,8 triệu lượt người; doanh thu xã hội từ du lịch đạt khoảng 1.500 tỷ đồng.
Giải pháp nào đẩy mạnh phát triển Du lịch An Giang trong thời kỳ hội nhập, thưa ông?
Hiện nay, du khách đến An Giang có thời gian lưu trú thấp, do dịch vụ du lịch còn hạn chế; chưa có những khu du lịch tầm cỡ. Do đó, An Giang sẽ tập trung đầu tư vào các sản phẩm dịch vụ phục vụ tốt nhu cầu và kéo dài thời gian lưu trú của du khách; đầu tư các khách sạn cao cấp.
Nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đến liên hệ và quyết tâm đầu tư những khách sạn 5 sao tại An Giang; Tỉnh đang quyết liệt giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất cho nhà đầu tư xây dựng một số điểm du lịch mang tính đặc thù, khôi phục đưa vào tour các làng bè (nhà nổi) trên sông, tham quan câu cá, giới thiệu và đẩy mạnh xuất khẩu tại chỗ cá nước ngọt;
An Giang sẽ phối hợp với các tỉnh biên giới Campuchia tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục cho các doanh nghiệp lữ hành khai thác tour du lịch nối các điểm đến của Campuchia và Việt Nam; đặc biệt, các tour du lịch đường sông vào mùa nước nổi.
Nhằm đẩy mạnh xúc tiến đầu tư các cửa khẩu kinh tế của An Giang, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 65/2007/QĐ-TTg ngày 11/5/2007 về quy chế hoạt động của khu kinh tế cửa khẩu An Giang bao gồm 3 khu vực cửa khẩu: 2 cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên, Vĩnh Xương và cửa khẩu quốc gia Khánh Bình. An Giang sẽ tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng để thu hút các nhà đầu tư phát triển kinh tế tại những cửa khẩu này.
Tại các trọng điểm du lịch của Tỉnh sẽ đẩy mạnh khai thác thế mạnh du lịch nhà vườn, cáp treo lên núi và nối tour liên hoàn giữa TP. Long Xuyên - Châu Đốc - Bà chúa Xứ - Núi Cấm với các cửa khẩu kinh tế của Tỉnh.
Vấn đề bảo đảm an toàn cho du khách đồng thời bảo vệ môi trường để phát triển bền vững được thực hiện như thế nào?
Bảo đảm an toàn cho du khách và bảo vệ môi trường là hai vấn đề đang được An Giang đặc biệt quan tâm. Về đường bộ, Tỉnh đang đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng như đường giao thông để đảm bảo nối tour và tạo điều kiện thuận lợi cũng như an toàn cho du khách. Về đường sông, hệ thống tàu cao tốc, tàu lớn đủ tiêu chuẩn có thể tham gia khai thác tour du lịch dọc tiểu vùng. Tuy nhiên, hiện nay Du lịch An Giang chưa đáp ứng nhu cầu về phương tiện cho du lịch đường sông phục vụ khách. Tỉnh đang có hướng kêu gọi các công ty lữ hành và vận chuyển khách đầu tư vào lĩnh vực này.
Về đường hàng không, Tỉnh đang đề nghị các Bộ, Ngành trung ương trình Thủ tướng Chính phủ thành lập sân bay để phát triển loại hình air-taxi phục vụ khách du lịch.
An Giang đặc biệt quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường phát triển bền vững như ở khu du lịch Núi Sam, UBND tỉnh đã tăng cường lực lượng đảm bảo giữ gìn cảnh quan môi trường nơi đây; đồng thời, An Giang đang được sự hỗ trợ của ADB trong việc xử lý rác thải, thoát nước cầu tàu du lịch, hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng và xóa đói giảm nghèo vừa tạo việc làm và góp phần bảo vệ môi trường đang được triển khai có hiệu quả tại địa phương.
Việc chuẩn bị đón Năm Du lịch quốc gia Mê Kông - Cần Thơ 2008, thưa ông?
An Giang đã đăng ký tham gia Ban Chỉ đạo Năm Du lịch quốc gia Mê Kông - Cần thơ 2008, giới thiệu hai điểm nhấn là lễ hội Bà chúa Xứ - núi Sam và núi Cấm để làm chuỗi du lịch liên hoàn nối các điểm đến trong toàn khu vực đồng bằng sông Cửu Long; đồng thời, tập trung khai thác thế mạnh văn hóa, lịch sử kết hợp với du lịch miệt vườn, làng bè, du lịch sinh thái tạo nên một điểm đến hấp dẫn du khách. Đây là dịp để An Giang quảng bá hình ảnh của Tỉnh; phối hợp và liên kết chặt chẽ với Du lịch Cần Thơ để nối tour từ Cần Thơ đến An Giang và ngược lại.
Xin cảm ơn ông!
ĐỨC NGUYỄN thực hiện