Từ làng nghề cổ
Sử sách viết rằng: Nghề chạm bạc Đồng Xâm ra đời từ thế kỷ 15 do cụ tổ nghề tên là Nguyễn Kim Lâu người Thái Bình học được từ châu Bảo Lạch, nước Đại Minh, rồi đem về truyền lại cho dân làng Đồng Xâm từ năm 1428. Sau đó lập thành phường Phúc Lộc, gồm 149 người, 1 trùm phường và 7 chi phường cai quản 7 hạng thợ. Các dòng họ Nguyễn, Triệu, Trần, Đinh, Vũ, Hoàng, Ngô, Đỗ đều có người tham gia công việc ở đây.
Theo thời gian, phường Phúc Lộc có nghề chạm bạc đã nhanh chóng phát triển thành làng nghề chạm bạc Đồng Xâm. Thợ chạm bạc giỏi của làng nghề Đồng Xâm có mặt ở khắp nơi hành nghề. Thời nhà Nguyễn, các nghệ nhân Đồng Xâm đã vào tận Huế để chạm trổ cung, kiếm, móng thú và đồ trang sức cho triều đình. Thợ chạm bạc Đồng Xâm cũng đã cùng với các thợ bạc ở Châu Khê, Định Công lập ra phố Hàng Bạc ở Hà Nội ngày nay. Không chỉ vậy, người Đồng Xâm còn mang những nét tinh hoa của nghề chạm bạc chinh phục cả người phương Tây.
Đến nay, ông tổ nghề chạm bạc Nguyễn Kim Lâu đã được coi là ông tổ nghề chạm bạc ở Việt Nam. Khi Đức tổ nghề Nguyễn Kim Lâu tạ thế, thợ vàng bạc khắp nơi đổ về chịu tang, lập am thờ, tạc bia đá ghi công đức truyền nghề của thầy. Am thờ khi xưa được nâng cấp dần thành đền thờ tổ nghề chạm bạc Nguyễn Kim Lâu và nay là đền Đồng Xâm ở xã Hồng Thái, huyện Kiến Xương.
Và đã thành 1 nét đẹp truyền thống. Cứ hàng năm vào ngày 1-5/4 (âm lịch), người làm nghề chạm bạc Đồng Xâm lại tổ chức lễ hội đền Đồng Xâm rất to và long trọng, với nghi lễ rước, tế linh đình, các trò chơi dân gian phong phú, thu hút được hàng vạn du khách bốn phương về dự. Tại lễ hội, du khách thập phương sẽ tha hồ được chiêm ngưỡng và chọn mua những kiệt tác tinh xảo được các nghệ nhân giỏi nhất của làng nghề làm ra từ vàng, bạc.
Sức mạnh của làng nghề được phát huy
Chưa đến Tết dương lịch 2008, nhưng về xã Hồng Thái đã thấy không khí tết Nguyên Đán Mậu Tý tràn ngập ngõ xóm. Các nghệ nhân của làng nghề cho biết: Hằng năm, cứ bắt đầu từ tháng 9 âm lịch là làng nghề Đồng Xâm đã bắt đầu công việc của mùa Tết. Đến tháng 11 âm lịch, thì đơn đặt hàng làm đồ trang sức vàng bạc, đá quý, đại tự hoành phi, câu đối, tranh mạ bạc, 12 con giáp... phục vụ cho Tết truyền thống đã đầy ăm ắp.
Ông chủ tịch xã Hồng Thái - Triệu Văn Phùng nói rằng: Đến làng chạm bạc Đồng Xâm hôm nay cứ ra đường là gặp tỷ phú. Câu nói đó quả không sai khi nhìn vào tình hình kinh tế - xã hội thực tại của xã Hồng Thái: Tính đến hết năm 2007, toàn xã Hồng Thái đã có tới trên 200 cơ sở sản xuất, 10 công ty, 1 HTX... Năm 2007, chỉ tính riêng doanh thu từ làng nghề chạm bạc Đồng Xâm đã mang về cho xã 40,1 tỷ đồng, chiếm gần 60% tổng doanh thu của toàn xã. Toàn bộ làng nghề chạm bạc Đồng Xâm đã được cơ giới hóa 100%. Thu nhập bình quân đạt trên 500 USD/người/tháng. Tỷ lệ hộ giàu chiếm trên 50% tổng số hộ. Năm 2008, xã Hồng Thái đặt mục tiêu đưa tổng doanh thu lên 80 tỷ đồng, trong đó doanh thu từ làng nghề chạm bạc là 50 tỷ đồng.
Chưa dừng lại ở đó, tại Đại hội đảng bộ xã Hồng Thái nhiệm kỳ 2005-2010 còn khẳng định: Duy trì phát triển mạnh nghề chạm bạc truyền thống là mục tiêu chiến lược lâu dài trong phát triển kinh tế của địa phương.
Đến nay, Hồng Thái đã xây dựng hoàn chỉnh chương trình phát triển làng nghề. Nhân dân liên tục đầu tư đổi mới công cụ, đưa cơ khí hóa vào sản xuất, tìm tòi, sáng tạo mẫu mã, đề tài, nâng chất lượng sản phẩm. Những khâu hao sức, tốn công như: cán dát, đột dập, mài, mạ cườm... đã được cơ giới hóa góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm. Những công đoạn mạ độc hại gây ô nhiễm môi trường đã được đưa ra khỏi khu dân cư, xử lý nước thải bằng than hoạt tính và cát lọc nước.
Các tổ sản xuất trong xã không ngừng mở nghề, dạy nghề, truyền nghề và đã thành lập Hiệp hội kim hoàn trực thuộc Hội kim hoàn Việt Nam. Năm 2007, Đồng Xâm đã được Hiệp hội làng nghề Việt Nam chứng nhận là làng nghề tiêu biểu Việt Nam. Các doanh nghiệp, HTX, tổ, hộ sản xuất trong xã đã thực sự trở thành bà đỡ cho các hoạt động SXKD hàng thủ công mỹ nghệ chạm bạc trong, ngoài xã.
Ông Phùng cho biết thêm: Năm 2002, Hồng Thái được UBND tỉnh Thái Bình cấp bằng công nhận là xã nghề, đồng thời cũng là trung tâm của vùng nghề chạm bạc gồm 2.000 lao động của 200 tổ sản xuất. Để đáp ứng nhu cầu sản xuất, xã đã thành lập Quỹ TDND có nguồn vốn hoạt động gần 10 tỷ đồng sẵn sàng cung cấp vốn cho người làm nghề mở rộng quy mô sản xuất. Đến nay, Hồng Thái đã hoàn thiện hệ thống cấp nước sạch 2.000 m3/ngày đêm cho trên 60% số hộ toàn xã. Các công trình điện đường, trường, trạm và trụ sở làm việc của đảng, chính quyền xã đã được xây dựng hoàn chỉnh.
Làng nghề chạm bạc Đồng Xâm đến nay không chỉ phát triển ra cả xã Hồng Thái mà còn lan ra nhiều xã lân cận như khác, như: Lê Lợi, Trà Giang...và trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của nhiều địa phương trong huyện Kiến Xương.
Gắn kết phát triển làng nghề với du lịch
Theo thống kê mới nhất thì chỉ tính riêng trong năm 2007, làng nghề chạm bạc Đồng Xâm đã đón được gần 20.000 lượt du khách đến thăm qua, mua sản phẩm làng nghề, trong đó phần đa là du khách Quốc tế.
Xác định du lịch làng nghề là một trong những thế mạnh của tỉnh Thái Bình. Phát triển du lịch sẽ góp phần tích cực thúc đẩy xuất khẩu tại chỗ, tạo điều kiện cho làng nghề phát triển. Do đó mà ngay từ năm 1995, tỉnh Thái Bình đã tập trung xây dựng các dự án phát triển du lịch làng nghề, trong đó, làng nghề chạm bạc Đồng Xâm là dự án trọng điểm. Nơi đây được xác định xây dựng trở thành điểm du lịch lễ hội truyền thống và làng nghề.
Cũng từ năm 1995, UBND tỉnh Thái Bình đã phê duyệt quy hoạch thị tứ Đồng Xâm trải dài 3 km ven trục đường 222 với tổng kinh phí 30 tỷ đồng. Đến hết năm 2007, tổng kinh phí thực hiện gần 10 tỷ đồng. Đây là cơ sở để Hồng Thái xác định hướng phát triển TTCN làng nghề gắn với phát triển du lịch văn hóa, xây dựng thị tứ đồng Xâm đến năm 2015, từng bước lên thị trấn Đồng Xâm vào năm 2020, nâng giá trị sản xuất TTCN-làng nghề đạt trên 45 tỷ đồng/năm, chiếm 55%, tổng giá trị thu nhập toàn xã, ngành dịch vụ thương mại đạt 20 tỷ đồng, chiếm 20% tổng giá trị thu nhập toàn xã, thu hút 3.500 lao động. Trong đó, chợ Vông sẽ được xây dựng thành trung tâm thương mại dịch vụ cùng với hệ thống nhà nghỉ, nhà hàng, khu du lịch sinh thái.... Riêng đền Đồng Xâm, đền Thượng Hòa, am thờ tổ nghề... sẽ được đặc biệt quan tâm và dành kinh phí để trùng tu, tôn tạo cùng với nhiều lễ hội văn hoá truyền thống liên quan.
MINH KHÔI