*Thưa ông, những hạn chế của Du lịch Hải Phòng hiện nay là vấn đề gì, và phương hướng khắc phục để Hải Phòng trở thành trung tâm du lịch lớn của cả nước?
Hiện nay, Du lịch Hải Phòng vẫn tồn tại một số hạn chế cơ bản như công tác quy hoạch đầu tư xây dựng tại hai trọng điểm du lịch Đồ Sơn và Cát Bà còn chắp vá, chưa thực hiện theo quy hoạch, chính quyền địa phương buông lỏng quản lý. Nhiều dự án đầu tư trong lĩnh vực du lịch chưa theo quy hoạch, cơ sở lưu trú quy mô nhỏ, không có dịch vụ bổ trợ, thiếu khuôn viên cây xanh và hệ thống xử lý chất thải... gây ô nhiễm môi trường, phá vỡ cảnh quan du lịch.
Phương tiện vận chuyển khách du lịch chất lượng thấp, sân bay chưa được nâng cấp kịp thời, chưa có bến tàu du lịch đảm bảo tiêu chuẩn nội địa và quốc tế. Chưa xử lý tốt chất thải (nước thải và rác thải) tại các trọng điểm du lịch ở nội thành, Đồ Sơn, Cát Bà.
Hoạt động quảng bá - xúc tiến du lịch thiếu hệ thống, chưa có sản phẩm du lịch đặc thù văn hóa Hải Phòng, nhiều điểm tham quan du lịch xuống cấp, chưa được tu bổ.
Các doanh nghiệp lữ hành của Hải Phòng chưa đủ mạnh để vươn ra các thị trường Tây Âu, Bắc Mỹ, Nhật Bản... Khách có khả năng thanh toán cao chỉ chiếm 25 - 30% trong tổng số khách quốc tế.
Lao động quản lý, lao động nghề tại cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch và hướng dẫn viên chưa đáp ứng yêu cầu về số lượng và chất lượng đối với phát triển du lịch trong hội nhập.
Từ những hạn chế trên, trong thời gian tới Du lịch Hải Phòng cần thực hiện một số giải pháp sau:
- Sớm hoàn chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển Du lịch Hải Phòng, trước hết hoàn chỉnh quy hoạch chi tiết ở Cát Bà, Đồ Sơn, Kiến Thụy, Vĩnh Bảo; triển khai quy hoạch phát triển du lịch nội thành; khảo sát một số khu vực, điểm có tiềm năng phát triển du lịch để quy hoạch tiếp theo.
- Thực hiện tốt công tác chuẩn bị đầu tư để khai thác vốn đầu tư cơ cở hạ tầng du lịch; đẩy mạnh công tác quảng bá xúc tiến du lịch; đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ du lịch, nhằm kéo dài thời gian lưu trú và nhu cầu chi tiêu của du khách.
- Xác định sản phẩm Du lịch Hải Phòng chủ yếu là du lịch sinh thái biển kết hợp nghỉ dưỡng, thể thao, mạo hiểm (leo núi, lặn biển), du lịch hội thảo - hội chợ - hội nghị.
*Những dự án nào sẽ được ưu tiên đầu tư trong thời gian tới, thưa ông?
Trong thời gian tới Thành phố tập trung đầu tư cho một số dự án lớn như: xây dựng cảng du lịch Bến Bèo (Cát Bà); tích cực phối hợp cùng các Bộ, Ngành liên quan đẩy nhanh tiến độ dự án Nâng cấp sân bay Cát Bi theo tiêu chuẩn quốc tế, dự án cầu Đình Vũ - Cát Hải và cảng nước sâu Lạch Huyện; xây dựng lại khu 2 Đồ Sơn theo quy hoạch chi tiết 1/500 mới đã được Bộ Xây dựng phê duyệt; xây dựng hạ tầng cụm du lịch sông Giá, sông Đa Độ; xây dựng mô hình công viên địa chất đảo Cát Bà đáp ứng nhu cầu các loại hình du lịch thế kỷ 21.
*Từ những chính sách, chiến lược phát triển du lịch Hải Phòng đã đề ra, cái đích cụ thể ngành Du lịch Hải Phòng hướng đến năm 2020, mà trước mắt là năm 2010 là gì?
Từng bước xây dựng Hải Phòng thành cửa ngõ đón khách quốc tế và trung tâm du lịch, đào tạo nhân lực, quảng bá xúc tiến du lịch. Phấn đấu đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020, Du lịch Hải Phòng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố, đưa Hải Phòng trở thành trung tâm du lịch của vùng duyên hải Bắc bộ; đảo Cát Bà cùng với Đồ Sơn, Hạ Long trở thành một trong những trung tâm du lịch quốc tế lớn của cả nước.
*Cám ơn ông Phạm Trung Dũng