Phát biểu tại Hội thảo, ông Văn Bá Sơn – Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Quảng Nam cho biết, Du lịch Quảng Nam đã được định vị là du lịch văn hóa di sản, được xây dựng dựa trên nền tảng văn hoá vật thể và phi vật thể đặc sắc, độc đáo được bảo tồn, phát triển có sự tiếp biến và giao thoa với các nền văn hóa trong khu vực và trên thế giới trong quá trình hình thành thành tỉnh Quảng Nam từ hơn 550 năm trước, điển hình là đô thị cổ Hội An và khu đền tháp Mỹ Sơn - 2 di sản thế giới được UNESCO công nhận.
Với định vị đó, Quảng Nam đã xây dựng được hình ảnh “một điểm đến 2 di sản” với chủ trương và định hướng xuyên suốt của du lịch Quảng Nam là “phát triển đề bảo tồn, bảo tồn để phát triển” đã được Tỉnh ủy Quảng Nam xác định xuyên suốt từ Nghị quyết 06/NQ-TU năm 2008; Nghị quyết 08/NQ-TU năm 2016 và đến nay là Nghị quyết 13/NQ-TU ngày 20/7/2021.
Nhờ vào việc xây dựng hình ảnh du lịch Quảng Nam gắn với di sản văn hóa, trong gần một thập niên qua, du lịch Quảng Nam đã có sự phát triển mạnh mẽ với tỷ lệ đóng góp của ngành Du lịch vào GRDP của tỉnh ước đạt từ 10% - 12%. Du lịch Quảng Nam đã nhận được nhiều giải thưởng do các tổ chức, tạp chí du lịch uy tín bình chọn: Hội An được Tổ chức Giải thưởng Du lịch thế giới (WTA) trao tặng là “Điểm đến đô thị văn hóa hàng đầu châu Á” năm 2019 và 2021; là một trong những điểm đến lãng mạn nhất thế giới do Tạp chí danh tiếng Time Out (Vương quốc Anh) công bố năm 2022...
Mặc dù vậy, nhiều báo cáo chỉ ra rằng du lịch Quảng Nam phát triển chưa tương xứng với tiềm năng sẵn có. Hình ảnh một Quảng Nam là điểm đến của các di sản văn hóa thế giới là chưa đủ, mà còn là điểm đến của du lịch nghỉ dưỡng, du lịch biển, du lịch trải nghiệm sự về đa dạng của sinh học và văn hóa bản địa.
Như vậy vấn đề là làm sao tạo dựng được một hình ảnh du lịch của Quảng Nam thể hiện được các đặc trưng, tính độc đáo, sự khác biệt để có thể cạnh tranh và thu hút được sự quan tâm, chú ý của du khách, bên cạnh xây dựng cho được một slogan riêng cho du lịch Quảng Nam để có thể truyền tải một cách có hiệu quả và ấn tượng về ý nghĩa của điểm đến Quảng Nam luôn là một trong những thách thức đối với ngành du lịch tỉnh Quảng Nam.
Ngoài ra, việc lựa chọn các chiến lược tiếp thị phù hợp với xu hướng du lịch của du lịch thế giới, phù hợp với thời đại số hóa trên nên tảng công nghệ 4.0 để xây dựng các kế hoạch, các chiến dịch quảng bá, tiếp thị điểm đến để chuyển tải được giá trị cốt lõi, hình ảnh cụ thể của di lịch Quảng Nam cũng là mối quan tâm lớn của các cơ quan quản lý nhà nước, cộng động doanh nghiệp hoạt động tại tỉnh.
Ông Văn Bá Sơn nhấn mạnh thêm, Hội thảo “Tiếp thị điểm đến Quảng Nam trong thời kỳ phục hồi và chuyển đổi số” là một sự kiện rất có ý nghĩa trong việc góp phần giúp các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp nghiên cứu xây dựng được hình ảnh rõ nét về du lịch của điểm đến cũng như xây dựng được chiến lược Marketing đúng đắn, hiệu quả với tình hình mới.
Cũng tại hội thảo, các đại biểu đã chia sẻ thông tin về chiến lược tiếp thị du lịch Quảng Nam để bắt kịp xu thế và hành vị thay đổi của các thị trường du lịch, quản lý nội dung trong tiếp thị điểm đến, khuyến nghị cho hoạt động tiếp thị du lịch Quảng Nam...
Lan Phương