Chương trình kích cầu du lịch Bình Thuận có chủ đề “Chào hè 2022” nhằm đẩy mạnh giới thiệu, quảng bá du lịch Bình Thuận là một điểm đến an toàn, thân thiện, hấp dẫn, sẵn sàng chào đón du khách trong nước và quốc tế. Chương trình sẽ thu hút sự tham gia, đồng hành của nhiều doanh nghiệp kinh doanh du lịch, dịch vụ với nhiều gói sản phẩm hấp dẫn, mới lạ với giá ưu đãi, nâng cao chất lượng dịch vụ và tính chuyên nghiệp, tạo ra các giá trị độc đáo, tăng trải nghiệm cho du khách, nhằm tạo động lực thúc đẩy ngành du lịch Bình Thuận khởi sắc trở lại, lan tỏa đến sự phát triển của các ngành kinh tế khác.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh, khẳng định: “Du lịch là ngành kinh tế quan trọng trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Do vậy, Bình Thuận đã và đang tập trung nhiều giải pháp phục hồi du lịch, từng bước đưa du lịch phát triển trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”. Để chương trình kích cầu du lịch Bình Thuận hè 2022 đạt hiệu quả, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các đơn vị, doanh nghiệp, địa phương tích cực xây dựng môi trường du lịch với tiêu chí “an toàn, sạch sẽ, thân thiện và bản sắc”, tạo dựng một hình ảnh điểm đến ấn tượng. Đồng thời, tăng cường liên kết tạo giá trị các chuỗi sản phẩm đặc sắc, có mức giá ưu đãi, nâng cao chất lượng dịch vụ và tính khác biệt của sản phẩm, dịch vụ cung ứng phong phú, nhằm hình thành các tuyến du lịch mới, đa dạng hóa các loại hình du lịch phục vụ du khách.
Trong quá trình phát triển du lịch, Bình Thuận đã và đang khai thác tốt những lợi thế về biển và tập trung đầu tư phát triển các loại hình du lịch biển gắn với nỗ lực xây dựng thương hiệu du lịch biển Bình Thuận mang tầm quốc tế. Theo đánh giá của Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh, Bình Thuận đã hưởng ứng tích cực và chủ động triển khai các chương trình kích hoạt du lịch, truyền tải thông điệp điểm đến an toàn, thân thiện và hấp dẫn với du khách đúng thời điểm khi mùa du lịch cao điểm hè đang đến.
Để du lịch Bình Thuận phát triển bền vững, trở thành một trong những trung tâm du lịch của cả nước, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch đề nghị tỉnh cần phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế du lịch; đẩy mạnh hợp tác, liên kết với các địa phương, các vùng trong phát triển du lịch. Việc liên kết cần đi vào thực chất, cụ thể bằng các hoạt động như: phát triển sản phẩm kết nối, bổ trợ, hình thành các tour, tuyến hấp dẫn, hợp tác, trao đổi khách nội địa, cùng tiếp cận thị trường khách quốc tế…
Bên cạnh đó, Bình Thuận cần xác định và tập trung phát triển một số sản phẩm du lịch nổi trội, có lợi thế cạnh tranh như du lịch MICE, du lịch gắn với thể thao biển mang tầm quốc gia, du lịch chăm sóc sức khỏe, du lịch văn hóa; tăng cường thu hút đầu tư các dự án tổ hợp du lịch, khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp với Khu Du lịch quốc gia Mũi Né làm hạt nhân lan tỏa, thúc đẩy phát triển ra các khu vực khác. Đồng thời, tỉnh cần cơ cấu lại thị trường khách du lịch sau đại dịch, đặc biệt là các thị trường khách quốc tế trọng điểm và tiềm năng. Cùng với những chuyến khảo sát mới đây, Tổng cục Du lịch đánh giá cao Bình Thuận đang có những điều kiện tốt nhất để tổ chức thành công Năm Du lịch quốc gia 2023 và chào đón số lượng khách tăng mạnh trong thời gian đến.
Dịp này, tỉnh Bình Thuận cũng cho ra mắt Sàn Thương mại du lịch Bình Thuận với địa chỉ là: travelbook.vn/binhthuan. Sàn Thương mại du lịch Bình Thuận do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Viettel Bình Thuận xây dựng. Đây là kênh giao dịch du lịch trực tuyến giúp các doanh nghiệp du lịch có thể kết nối với các đối tác, các thị trường tiềm năng trong và ngoài nước tạo ra một môi trường kinh doanh giao dịch nhanh chóng, tiện ích, hiệu quả.
Trên nền tảng này, ngành du lịch có thể tổ chức hội chợ du lịch trực tuyến, các sự kiện trực tuyến để doanh nghiệp du lịch, đơn vị, địa phương tham gia. Bên cạnh đó, Sàn Thương mại du lịch Bình Thuận còn là kênh cung cấp các nội dung, thông tin, hình ảnh về tour du lịch, điểm đến du lịch, sản phẩm, dịch vụ du lịch, vui chơi giải trí, ẩm thực. Từ đó, người dân và du khách có thể tiếp cận nhanh hơn, dễ tìm kiếm thông tin hơn, thân thiện hơn.
Thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 18/3/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bình Thuận (Khóa XIV) về việc chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó có nội dung chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch, tỉnh Bình Thuận đã và đang triển khai nhiều đề án, chương trình ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ phát triển du lịch như: đưa vào hoạt động Cổng Thông tin du lịch thông minh; trải nghiệm không gian du lịch thực tế ảo; lắp đặt bảng mã QR tại các điểm tham quan du lịch; Sàn Thương mại du lịch, Hội chợ du lịch trực tuyến.
Nguyên Vũ