Đại dịch COVID-19 đã khiến ngành du lịch vô cùng khó khan, đồng thời tạo nên đòn bẩy để toàn ngành có bước đệm phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn mới. Và chuyển đổi số là xu hướng tất yếu, mang lại cơ hội phát triển bền vững hơn. Theo Phó Chủ tịch Vinasa Lâm Nguyễn Hải Long, để thúc đẩy khả năng hồi phục và bứt phá cho du lịch hiện nay, chuyển đổi số là một trong những giải pháp hữu hiệu. Các doanh nghiệp, đặc biệt là người đứng đầu phải quan tâm, xem chuyển đổ số là công cụ để thay đổi mô hình kinh doanh, để tương tác với du khách hiệu quả nhất. Ông Lâm Nguyễn Hải Long nhấn mạnh, chuyển đổi số sẽ tạo cơ hội cho các doanh nghiệp nhỏ có được tính linh hoạt; sở hữu bộ công cụ và dữ liệu cho phép doanh nghiệp nhỏ cạnh tranh với doanh nghiệp lớn theo phương thức hoàn toàn khác truyền thống.
Hội thảo đã nghe Chủ tịch Hiệp hội Khách sạn Việt Nam Đỗ Hồng Xoan, Tổng Giám đốc Khách sạn Silk Path Hà Nội Nguyễn Thị Thanh Thủy, Tổng Giám đốc Công ty công nghệ VinHMS Nguyễn Văn Hoàng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần VietISO chia sẻ những thông tin về tình hình chuyển đổi số ngành Du lịch; những thực trạng, khó khăn, xu hướng cũng như một số giải pháp chuyển đổi số hỗ trợ ngành Du lịch. Thông điệp mà Vinasa và các công ty công nghệ đưa ra tại hội thảo là sẵn sàng phối hợp với Hiệp hội Du lịch để hỗ trợ ban đầu, giúp các doanh nghiệp nhỏ ngành Du lịch tiếp cận và tiến hành chuyển đổi số, chuyển đổi số hiệu quả. Lời khuyên và các đại biểu đưa ra là hãy chuyển đổi số ngay từ hôm nay; bên cạnh những thao tác chuyên môn đòi hỏi kỹ năng của đội ngũ nhân lực, các hoạt động còn lại của doanh nghiệp sẽ được những công ty công nghệ hỗ trợ tối ưu.
Tại Hội thảo, Phó Tổng cục trưởng TCDL Hà Văn Siêu đã có bài phát biểu định hướng hoạt động chuyển đổi số trong ngành Du lịch. Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu khẳng định, chuyển đổi số là chủ đề thu hút sự quan tâm đặc biệt của các bên, từ cơ quan quản lý, doanh nghiệp đến du khách. Ở góc độ cơ quan quản lý du lịch, chuyển đổi số đươc nhìn nhận là quá trình hình thành nền tảng môi trường, kết nối, giao dịch, tương tác giữa các chủ thể trong du lịch bằng công cụ, ứng dụng, dữ liệu số; trên cơ sở tính năng vượt trội của công nghệ số, những tương tác, giao dịch trong du lịch được thực hiện vô cùng hiệu quả.
Phó Tổng cục trưởng TCDL Hà Văn Siêu nhận định, xu hướng du lịch thông minh đáp ứng nhu cầu cá nhân hóa, độc đáo, trải nghiệm sâu, đặt ra yêu cầu số hóa hệ thống dữ liệu lớn về điểm đến, sản phẩm, cơ sở cung ứng dịch vụ theo chuỗi giá trị. Bên cạnh đó cũng đòi hỏi những ứng dụng số thông minh nhất để phát huy trí tuệ nhân tạo, các hiệu ứng độc đáo, tối ưu cho từng nhóm nhu cầu riêng của du khách. Khách du lịch cũng sẽ chủ động tham gia và thụ hưởng chuỗi giá trị; tạo ra tương tác nhiều chiều với các đối tượng, chủ thể. Bên cạnh đó là xu hướng liên minh, liên kết ngành, phát huy cơ chế kinh tế chia sẻ xuất phát từ yêu cầu chia sẻ chi phí, dịch vụ, doanh thu theo từng thời điểm, từng khu vực; xu hướng khuếch trương cực đại cảm xúc trong trải nghiệm, mong muốn có trải nghiệm độc đáo vượt trội với thực tế mà ở điều kiện bình thường không thể đạt đến.
Phó Tổng cục trưởng TCDL Hà Văn Siêu cũng chia sẻ các giải pháp thích ứng, đa dạng thông tin tìm kiếm; xây dựng các ứng dụng số kết nối, chia sẻ, hướng dẫn… thông minh hơn, thân thiện hơn, dễ thực hiện, dễ kiểm soát; ứng dụng công nghệ số trong cung ứng, tiêu dùng dịch vụ như các loại thẻ du lịch, ứng dụng chia sẻ kỳ nghỉ; ứng dụng công nghệ tương tác giữa thế giới thực và ảo… Để làm được điều đó, cần phải số hóa các cơ sở dịch vụ, các công đoạn dịch vụ, sản phẩm; số hóa các quá trình tiêu dùng du lịch, kết nối nhiều nhà cung ứng tại nhiều thời điểm khác nhau.
Tại Hội thảo, Phó Tổng cục trưởng TCDL Hà Văn Siêu đồng thời chia sẻ các dự án chuyển đổi số trong ngành du lịch, mục tiêu hình thành trục liên thông quản lý trung ương, địa phương, doanh nghiệp; hình thành hệ thống cơ sở dự liệu số quốc gia về du lịch; hình thành sàn giao dịch điện tử kết nối doanh nghiệp cung ứng dịch vụ và khách du lịch. Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu nhấn mạnh: “TCDL tin tưởng các dự án sẽ tạo nền tảng hỗ trợ tích cực cho các chủ thể trong ngành Du lịch hoạt động trong môi trường số. Cùng với những sáng tạo, khát vọng phát triển của các doanh nghiệp; không ngừng đổi mới chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện của nhà nước, công cuộc chuyển đổi số ngành Du lịch sẽ đạt kết quả, tác động lan tỏa sang các ngành, lịnh vực liên quan và đời sống xã hội.”
Gia Khôi