Helsinki (Phần Lan)
Năm 2019, thủ đô Helsinki của Phần Lan được vinh danh là “Kinh đô du lịch thông minh của châu Âu” nhờ kết hợp số hóa các dữ liệu du lịch.
Sản phẩm nổi bật trong quá trình hướng đến một điểm đến du lịch thông minh của Helsinki là myhelsinki.fi - cổng thông tin du lịch cung cấp các thông tin giúp nâng cao trải nghiệm cho du khách trong tất cả các giai đoạn của chuyến đi. myhelsinki.fi hướng đến một nền tảng mở dành cho cả doanh nghiệp, du khách và người dân địa phương. Cổng thông tin này tạo tính tương tác cao cho người sử dụng, hỗ trợ du khách tạo ra chuyến đi cá nhân hóa và dễ dàng chia sẻ về chuyến đi với những người khác. Cùng với đó là một loạt các ứng dụng di động hướng đến từng thị trường khách. Ví dụ, WeChat và Alipay là các ứng dụng di động hỗ trợ tìm kiếm thông tin, tư vấn và thanh toán tại điểm đến Helsinki dành cho đối tượng du khách Trung Quốc; RedQ Club là ứng dụng tư vấn cá nhân hóa cho du khách các nhà hàng địa phương dựa vào vị trí và ngữ cảnh cụ thể của từng khách hàng. Ngoài ra, công nghệ thực tế ảo với bản đồ thành phố 3D cùng lời thuyết minh sống động giúp nâng cao khả năng tiếp cận các điểm đến. Các doanh nghiệp, nhà hàng, điểm giải trí địa phương cũng có thể gắn tên lên bản đồ để giúp du khách tìm đến dễ dàng.
Lyon (Pháp)
Lyon là một điểm đến du lịch hàng đầu của châu Âu. Chỉ trong hai thập kỷ, Lyon đã ứng dụng đa dạng các công nghệ như Lyon-France (webiste), LyonCityCard (e-Pass/e-Card), Traboules (ứng dụng) nhằm giúp du khách dễ dàng khám phá thành phố. Với sự phát triển của OnlyLyon Expérience, hệ thống quản lý mối quan hệ khách hàng - điểm đến giúp du khách đến Lyon nhận được các gợi ý cá nhân hóa trên điện thoại thông minh. Các công nghệ này yêu cầu kết hợp với thông tin thời gian thực và công nghệ thực tại tăng cường giúp du khách nâng cao các trải nghiệm khi đến Lyon.
Điểm nổi bật nhất trong mô hình điểm đến du lịch thông minh của Lyon là LyonCityCard (e-Card), tích hợp tất cả các dịch vụ từ phương tiện công cộng, bảo tàng và trưng bày, điểm du lịch, hướng dẫn viên, mua sắm vào một thiết bị duy nhất. Traboules là ứng dụng di động trung gian với công nghệ thực tế tăng cường giúp du khách khám phá các lối đi ẩn của thành phố Lyon. Các mạng xã hội toàn cầu Facebook, Twitter... là cầu nối làm gia tăng các trải nghiệm đối với điểm đến Lyon, giúp du khách chia sẻ chuyến đi qua mạng xã hội của mình. Điều này hỗ trợ trong việc gợi nhớ về chuyến đi và bắt đầu tạo ra một cảm hứng mới.
Venice (Italia)
Venice là một địa danh du lịch nổi tiếng châu Âu, đã ra mắt app “VeneziaUnica” giúp khách du lịch có trải nghiệm tương tác với điểm đến. Ứng dụng cho phép người dùng liên hệ trực tiếp với các nhà cung cấp dịch vụ, truy cập trang web, đồng thời chia sẻ ý kiến và hình ảnh với những người dùng khác.
Barcelona (Tây Ban Nha)
Barcelona có website barcelonaturisme.com là một trong những cẩm nang du lịch hữu ích nhất cho du khách khi đến với Barcelona. Website và một loạt ứng dụng trên thiết bị di động về Barcelona Turisme đi kèm hỗ trợ đa ngôn ngữ, cung cấp cho du khách đầy đủ các thông tin liên quan đến hành trình du lịch, từ hướng dẫn du lịch thực tế, đồ ăn thức uống, mua sắm đến tổng hợp các khuyến nghị nên đi đâu, nên làm gì, tận hưởng chuyến du lịch như thế nào.
Salzburg (Áo)
Salzburg - một điểm đến lịch sử, nghệ thuật và văn hóa của Áo. Salzburg đã triển khai Kế hoạch tổng thể Thành phố thông minh (Smart city) đến 2025. Trong đó, ứng dụng “Salzburger Mittagsplaner” cho phép người dùng truy cập thông tin về các nhà cung cấp dịch vụ (nhà hàng, quán rượu, quán ăn nhỏ và quán cà phê), bao gồm thực đơn, giá cả và địa điểm, đồng thời cho phép họ đặt chỗ ngồi và đặt món ăn trước. Sau đó, người dùng có thể chia sẻ ý kiến phản hồi về dịch vụ .
Dubai
Du khách đến với Dubai sẽ được trải nghiệm chu trình nhận diện và cấp phép nhập cảnh chỉ trong 15 giây. Hành khách đi bộ qua một đường hầm ảo nơi đặt 80 chiếc camera quét và nhận diện khuôn mặt. Đến cuối đường hầm, nếu mọi dữ liệu sinh trắc học của du khách khớp với hồ sơ cá nhân đã đăng ký trước, quá trình nhập cảnh sẽ kết thúc. Những dữ liệu, thông tin về sinh trắc học của khách du lịch từ khắp nơi trên thế giới còn giúp chính quyền thành phố tiến tới hoàn thiện hệ thống hạ tầng du lịch thông minh trong một thập kỷ tới.
Trung Quốc
Wechat Smart Tourism Port là một dự án lớn về du lịch thông minh của Trung Quốc nhằm phục vụ khách du lịch khi đến Trung Quốc. Bằng việc cung cấp dịch vụ bán vé, phí vào cổng, hướng dẫn tour và nhiều dịch vụ hấp dẫn khác, Wechat mang lại cho du khách trải nghiệm giúp các hãng lữ hành, nhà hàng, quán bar, điểm đến du lịch giảm chi phí vận hành, thúc đẩy việc quảng bá và phát triển du lịch Trung Quốc. Wechat còn là một nền tảng mở, có thể tích hợp nhiều ứng dụng giải trí khác.
Hàn Quốc
Nền tảng công nghệ thông tin cho du lịch thông minh của Hàn Quốc bao gồm 3 kênh chính:
Website korean.visitkorea.or.kr cung cấp cho khách du lịch mọi thông tin về các địa điểm du lịch, nơi lưu trú, các lễ hội ở Hàn Quốc. Trang web được tích hợp để sử dụng với mọi loại điện thoại thông minh, có nhiều ngôn ngữ nước ngoài phục vụ khách du lịch quốc tế…
Các trang mạng xã hội như Facebook, Twitter về Du lịch Hàn Quốc cung cấp thông tin về các điểm đến, nhà hàng, khách sạn… và là cầu nối để đưa khách du lịch đến với website. Các trang này còn giải đáp thắc mắc, ghi nhận phản hồi của du khách về chất lượng dịch vụ ở các điểm đến, giúp khách du lịch có thể tìm được nhiều thông tin đa chiều để lựa chọn điểm đến thích hợp nhất.
Ứng dụng Visit Korea trên điện thoại thông minh là lựa chọn hàng đầu của nhiều du khách trong việc tìm kiếm thông tin khi đến Hàn Quốc. Ứng dụng này cho phép du khách có thể tìm được thông tin về điểm đến, nhà hàng, khách sạn hay lễ hội xung quanh khu vực du khách đang ở, hướng dẫn những điều nên làm, nên đi, nên ăn... tại khu vực đó, hỗ trợ du khách có thông tin cần thiết cho một chuyến du lịch hoàn hảo.
Singapore
Mô hình sự kiện hybrid (sự kiện kết hợp trực tiếp và trực tuyến) trở nên phổ biến. Để hỗ trợ các sự kiện hybrid, Singapore đã trang bị thêm các công nghệ thiết lập không gian ảnh ba chiều và hỗ trợ phát sóng trực tiếp chất lượng cao để phát sóng sự kiện một cách sống động hơn. Các công nghệ này đã được áp dụng thành công tại trường quay của Trung tâm Hội nghị và Triển lãm Sands Expo thuộc Marina Bay Sands (MBS) – một trong những địa điểm tổ chức sự kiện từng đoạt các giải thưởng lớn tại Singapore.
Tại sân bay Changi, hơn 160 quầy làm thủ tục tự động tại Ga 1 và Ga 3 sẽ từng bước được nâng cấp với màn hình cảm ứng không tiếp xúc và cảm biến hồng ngoại để theo dõi chuyển động của ngón tay. Điều này giúp du khách có thể thực hiện các thao tác mà không cần chạm ngón tay trực tiếp vào màn hình, thậm chí, để tăng khả năng bảo vệ, màn hình của các quầy này còn được phun một lớp phủ khử trùng giúp giảm nguy cơ phát tán virus.
PV (tổng hợp)
(Nguồn: Tạp chí Du lịch tháng 5/2022)