Hiện trạng đón khách du lịch tàu biển của Du lịch Việt Nam
Giai đoạn 1997-2002, lượng khách tàu biển đến Việt Nam tăng nhanh. Tuy nhiên, năm 2003 do tác động của dịch SARS, lượng khách tàu biển vào nước ta giảm gần 60.000 lượt so với năm 2002. Năm 2004, khách tàu biển vào Việt Nam có dấu hiệu phục hồi nhưng năm 2005 lại giảm xuống (do hãng tàu Star Cruises chuyển hướng kinh doanh, không đưa khách sang Việt Nam) và đến năm 2006, khách bắt đầu tăng trở lại.
Các tàu khách du lịch nước ngoài vào Việt Nam thời gian qua chủ yếu dưới dạng quá cảnh, sau đó tiếp tục hành trình đi nước khác nên thời gian tham quan và lưu trú tại các cảng biển ở Việt Nam còn ngắn, thời gian ghé bình quân thường từ 2 - 3 ngày, ghé từ 1-2 cảng và thời gian neo đậu tại mỗi cảng từ 8-24 tiếng. Do đó, khách không có nhiều cơ hội tham quan, giải trí, mua sắm tại các điểm du lịch ở Việt Nam nên hiệu quả khai thác loại hình du lịch này còn hạn chế.
Các chương trình du lịch phục vụ khách du lịch tàu biển của các doanh nghiệp lữ hành Việt Nam thời gian qua thường là các chương trình tham quan các thành phố nơi cập cảng, đồng bằng sông Cửu Long, các di sản thế giới tại miền Trung, vịnh Hạ Long, thăm các làng nghề thủ công truyền thống hoặc các cơ sở thủ công như sơn mài, điêu khắc đá, bánh tráng, làm nón lá, điêu khắc gỗ, gốm sứ, và một số chương trình tham quan đặc biệt như tham quan kết hợp với học nấu các món ăn truyền thống, làm đèn lồng hay gốm sứ, kết hợp với thưởng thức nhạc dân tộc Việt Nam, múa rối nước, triển lãm tranh nghệ thuật, giao lưu và trao đổi văn hoá với sinh viên-thanh niên Việt Nam, thăm các cơ sở từ thiện...
So với các nước trong khu vực như Hồng Kông, Singapore, Thái Lan, Malaysia, số lượng tàu khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam chưa nhiều và chưa thường xuyên. Nước ta hiện cũng chưa có các đội tàu khách du lịch đạt chuẩn quốc tế (về an toàn hàng hải, dịch vụ trên tàu và đội ngũ thuyền viên chuyên nghiệp) hoạt động cận duyên, thực hiện các chương trình du lịch dài ngày dọc bờ biển Việt Nam cho khách du lịch muốn khám phá.
Để thúc đẩy hoạt động du lịch tàu biển, thời gian qua, Chính phủ và các Bộ, Ngành chức năng đã có nhiều chính sách đổi mới, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thu hút khách tàu biển vào Việt Nam
Một số hạn chế cần khắc phục
Mặc dù đã có một số chuyển biến nhất định, du lịch tàu biển của nước ta còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu của các hãng tàu biển và khách du lịch tàu biển vì những nguyên nhân:
- Chưa có chiến lược phát triển du lịch biển để làm cơ sở cho việc hoạch định chính sách và giải pháp phát triển du lịch biển trong từng thời kỳ, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam vừa gia nhập WTO nhằm phát huy tối ưu tiềm năng du lịch biển Việt Nam.
- Hầu hết các cảng biển của nưóc ta là cảng hàng hóa, chưa có cảng hành khách phục vụ cho việc đón khách tàu biển. Nhiều tàu có tải trọng lớn không cập được vào bờ. Các trang thiết bị tại cầu cảng vẫn chưa được đầu tư đúng mức. Các dịch vụ tại cảng chưa đáp ứng nhu cầu của số lượng lớn khách tàu biển. Các dịch vụ vui chơi giải trí và bán hàng phần nhiều mang tính tự phát dẫn đến tình trạng lộn xộn, ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh du lịch Việt Nam.
- Đặc điểm của khách du lịch tàu biển là đi với số lượng đông, đa quốc tịch, đi tham quan theo nhiều chương trình riêng. Trong khi đó, Du lịch Việt Nam còn thiếu phương tiện vận chuyển và thuyền du lịch chất lượng cao cũng như thiếu đội ngũ hướng dân viên sử dụng các ngoại ngữ ít thông dụng, ảnh hưởng đến việc bán tour trên tàu và thực hiện các chương trình tham quan cho khách tại Việt Nam. Ngay cả đội ngũ hướng dẫn viên sử dụng ngoại ngữ thông dụng thì kinh nghiệm và kỹ năng vẫn còn hạn chế, trong khi đó người hướng dẫn viên đóng vai trò rất quan trọng vào thành công của việc thực hiện các chương trình du lịch cho khách.
- Sản phẩm du lịch còn đơn điệu, thiếu đa dạng, ít được đổi mới nên chưa hấp dẫn được khách du lịch; Chất lượng dịch vụ như dịch vụ ăn uống, mua sắm, tham quan, giải trí tại cảng và tại nhiều điểm tham quan du lịch của ta chưa đáp ứng được nhu cầu đa dạng của khách du lịch tàu biển.
- Vấn đề hạn chế tốc độ trên các tuyến quốc lộ đã ảnh hưởng tiêu cực tới việc thực hiện các chương trình du lịch cho khách tàu biển. Do đó, nhiều hãng tàu biển đã huỷ các chương trình tham quan đi đến các điểm du lịch ở xa cảng đến.
- Vấn đề vệ sinh, môi trường tại nhiều cảng và tại nhiều điểm tham quan du lịch chưa được quan tâm nên tình trạng mất vệ sinh cũng tạo ra ấn tượng không tốt cho khách du lịch tàu biển khi đến Việt Nam.
- Công tác tuyên truyền, xúc tiến quảng bá về du lịch biển Việt Nam trên thị trường quốc tế còn yếu và chưa chuyên nghiệp. Hầu như Du lịch Việt Nam chưa tham gia vào các Hội nghị và Hội chợ về du lịch tàu biển trên thế giới. Hình ảnh về du lịch biển Việt Nam trên thị trường du lịch tàu biển quốc tế còn mờ nhạt.
Định hướng thu hút khách du lịch tàu biển vào Việt Nam
Để tăng cường thu hút khách du lịch tàu biển vào Việt Nam, biến Việt Nam trở thành một trong những điểm đến hàng đầu về du lịch tàu biển trong khu vực trong thời gian tới, Du lịch Việt Nam cần tập trung phát triển du lịch tàu biển theo định hướng sau đây:
1. Xây dựng chiến lược phát triển du lịch biển Việt Nam trong thời kỳ hội nhập quốc tế. Tăng cường thiết lập quan hệ với các hãng tàu biển lớn trên thế giới để thu hút sự quan tâm của họ tới Việt Nam và có kế hoạch nghiên cứu, xây dựng và chào bán các chương trình du lịch tàu biển cho khách du lịch tới Việt Nam.
2. Đẩy mạnh công tác nghiên cứu thị trường khách du lịch tàu biển; tham gia vào các hội chợ về du lịch tàu biển trên thế giới, tổ chức các sự kiện xúc tiến du lịch tại các thị trường du lịch biển lớn như Mỹ, Canađa, Anh, Italia... để thu hút khách; nghiên cứu mở văn phòng đại diện du lịch tại Mỹ và một số nước Tây Âu để hỗ trợ nghiên cứu thị trường và tổ chức các hoạt động xúc tiến du lịch tàu biển tại những thị trường này; tăng cường quảng bá trên các kênh truyền hình lớn về du lịch biển Việt Nam; sản xuất các ấn phẩm về du lịch biển theo hướng chuyên nghiệp hơn.
3. Tập trung quy hoạch, đầu tư xây dựng và nâng cấp hệ thống các cảng biển chuyên dụng dành cho việc đón khách du lịch tàu biển, có ga hành khách hiện đại với đầy đủ tiện nghi và dịch vụ cần thiết.
4. Tập trung quy hoạch tổng thể và chi tiết các điểm du lịch biển nổi tiếng của Việt Nam theo hướng phát triển các khu du lịch biển cao cấp, kiến trúc hài hoà với thiên nhiên, cảnh quan, hệ thống dịch vụ lưu trú, ăn uống, nghỉ dưỡng, tham quan, giải trí đa dạng, chất lượng cao, có đội ngũ nhân viên phục vụ chuyên nghiệp, cởi mở và hiếu khách. Phát triển các loại hình du lịch biển như lặn biển, lướt sóng, đua thuyền buồm, đi thuyền kayak... để đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách du lịch biển.
5. Áp dụng chính sách miễn visa cho khách du lịch đường biển, kể cả những khách đến bằng đường biển và xuất cảnh bằng đường không hoặc đường bộ. Điều chỉnh mức cảng phí phù hợp, sao cho có thể cạnh tranh hơn với các nước trong khu vực; mở cửa, tạo điều kiện cho các hãng tàu nước ngoài được chạy định tuyến dọc bờ biển Việt Nam.
6. Có cơ chế khuyến khích phát triển các trung tâm mua sắm hiện đại tại các cảng biển du lịch. Khuyến khích phát triển các dịch vụ nhà hàng, giải trí tại khu vực cảng đến, dỡ bỏ những hạn chế đối với các hoạt động giải trí tại khu vực cảng sau 12 giờ đêm.
7. Chú trọng công tác giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường sinh thái biển, đặc biệt tại các cảng biển và các điểm du lịch biển, đảm bảo nguyên tắc phát triển bền vững
Ths. NGUYỄN ANH TUẤN