Nội dung của quy trình 10R bao gồm: Recognize (Nhận thức), Refuse (Từ chối), Reduce (Giảm thải), Replace (Thay thế), Re-use (Tái sử dụng), Recycle (Tái chế), Re-engineer (Tái cơ cấu), Retrain (Đào tạo lại), Reward (Thưởng), Re-educate (Giáo dục lại). Mười nguyên tắc trên được xem như một quá trình thống nhất và trong đó một số nguyên tắc có liên hệ trực tiếp với nhau. Đối với những tập đoàn lớn, nguyên tắc 10R được thực hiện theo cả một quy trình nằm trong hệ thống quản lý môi trường của tập đoàn (EMS) và thường được đưa vào chương trình đào tạo thường xuyên dành cho nhân viên.
I. Nhận thức (Recognise)
Nhận thức được coi là bước đầu tiên trong việc thực hiện chương trình quản lý môi trường vì đây là bước nhận thức những vấn đề, những tác động môi trường cũng như những cơ hội có được từ việc thực hiện chương trình quản lý môi trường. Nhận thức có nghĩa là nhận biết và hiểu được những nội dung thông qua việc thực hiện những nghiên cứu và phân tích trước khi thực hiện chương trình quản lý môi trường. Hoạt động nghiên cứu là cơ sở cho việc đề xuất ra sứ mệnh doanh nghiệp liên quan tới môi trường và đưa ra khuôn khổ cho việc xác định xem có đạt được các mục tiêu đề ra hay không. Giai đoạn này còn bao gồm việc xác định các chỉ tiêu môi trường. Ví dụ như, chỉ số đo lường mật độ khách trên một khu vực bãi tắm để đảm bảo tính bền vững môi trường hay chỉ số xác định mức nước thải ô nhiễm có nguồn gốc từ hoạt động du lịch.
2. Từ chối (Refuse):
Đối với doanh nghiệp du lịch, cách đơn giản nhất trong việc thực hiện chương trình quản lý môi trường là từ chối không tiến hành những hoạt động có thể gây ra những tác hại đối với môi trường. Ví dụ như để tránh tác hại tới tầng khí quyển, doanh nghiệp có thể từ chối việc sử dụng thiết bị làm lạnh có chứa khí CFC. Việc từ chối này còn thể hiện nguyên tắc cảnh báo trước ngay cả khi chưa có đủ chứng cứ khoa học để cho rằng một hoạt động nào đó gây ra tác hại xấu tới môi trường. Ví dụ, một làng du lịch có thể từ chối không đưa các loài cây không có nguồn gốc bản địa vào trồng dùng để trang trí sân vườn, vì lo ngại những tác động trong tương lai tới hệ sinh thái của địa phương.
3. Giảm thải (Reduce):
Trong nhiều trường hợp, không phải tất cả các hoạt động có thể thực hiện theo nguyên tắc từ chối, nhất là trong trường hợp không có nguyên liệu thay thế hoặc hoạt động thân thiện với môi trường thay thế. Trong trường hợp này, việc giảm thải xuống một mức đề ra trước là cần thiết. Ví dụ như, nhờ hệ thống điều khiển, khách sạn có thể phân chia khu vực phòng ngủ và khu vực công cộng, từ đó thực hiện tắt điện hệ thống sưởi một cách tự động khi không có khách ở trong phòng hoặc có thể giảm nhiệt độ trong khu vực công cộng xuống 1 - 20C. Ở xứ lạnh, việc giảm nhiệt độ của hệ thống sưởi có thể giảm đáng kể chi phí hàng tháng mà không ảnh hưởng tới sự hài lòng của khách.
4. Thay thế (Replace):
Sau khi thực hiện hai bước trên, bước tiếp theo là thực hiện việc thay thế. Nhờ quá trình kiểm toán môi trường, việc thay thế sản phẩm thân thiện với môi trường hoặc ít gây độc là tương đối dễ dàng. Khách sạn sử dụng nhiều hóa chất trong việc giặt là, hóa chất dùng cho bể bơi và chất tẩy rửa có thể được thay thế bằng hóa chất ít độc hại hơn; thay thế túi nhựa plastic bằng túi vải để đựng và trả đồ cho khách. Việc thực hiện các biện pháp liên quan tới thay thế các thiết bị sưởi, chiếu sáng và nước là bước đầu trong thực hiện kiểm toán môi trường trong các hoạt động hàng ngày.
5. Sử dụng lại (Re-use):
Khi mục tiêu cải thiện hoạt động và quản lý chi phí được thực hiện nhờ việc thay thế và cắt giảm việc sử dụng không hiệu quả thì bước tiếp theo là xem xét chất thải các nguồn cung ứng có thể được tái sử dụng hay không. Đối với hoạt động vận tải của doanh nghiệp du lịch, nếu có thể sử dụng lại những hóa chất dùng cho động cơ hoặc thiết bị bảo dưỡng thì ban đầu việc làm chưa thấy được lợi ích cụ thể nhưng nếu tích lũy trong cả một năm thì số lượng lớn được tích lũy.
6. Tái chế (Recycle):
Chất thải là kết quả của quá trình hoạt động kinh doanh có thể được tận dụng và tái chế, làm giảm áp lực đối với môi trường trong việc tạo ra những nguyên liệu mới phục vụ cho hoạt động kinh doanh. Ở Bắc Mỹ, các khách sạn và nhà hàng đã giảm đáng kể thức ăn dư thừa thông qua việc tái chế làm thức ăn cho gia súc hoặc làm phân hữu cơ. Nếu thức ăn còn có thể sử dụng và vẫn đảm bảo an toàn nhưng không đáp ứng được yêu cầu phục vụ thì có thể được phân phối miễn phí hoặc giá rẻ cho hệ thống nhà ăn phúc lợi. Xu hướng tái chế ngày càng trở nên phổ biến ở các nước phát triển.
7. Tái cơ cấu (Re-engineer)
Trong hoạt động kinh doanh hiện đại, thuật ngữ cơ cấu, được hiểu là đưa ra thay đổi trong cách thức quản lý của công ty để giảm chi phí và đạt được mức tăng trưởng. Xét về thuật ngữ kỹ thuật, tái cơ cấu được hiểu là đặc trưng của hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) trong việc mua sắm và giới thiệu những sản phẩm mới. Đối với một tập đoàn lớn như McDonald’s sau khi đã tiết kiệm được hàng triệu USD nhờ việc sử dụng các hộp đựng thức ăn chế tạo bằng chất polystyrene, công ty này đã đưa ra quyết định tái cơ cấu trong hoạt động kinh doanh là sử dụng các hộp các tông tái chế. Quyết định này đã góp phần tiết kiệm thêm cho công ty hàng triệu USD.
Trong trường hợp của các hãng điều hành tour, thông qua những tiêu chuẩn về mua sắm được xác định cụ thể trong từng thành phần của sản phẩm trong tờ giới thiệu, vai trò của tiêu chuẩn môi trường được thể hiện như là một phần của chất lượng sản phẩm, kết quả của hoạt động nghiên cứu nhu cầu, mong muốn và kỳ vọng của khách hàng.
8. Đào tạo lại (Retrain)
Do đặc thù của hoạt động kinh doanh du lịch đòi hỏi rất nhiều lao động trực tiếp nên chất lượng của nhân viên đóng vai trò quyết định trong việc làm hài lòng khách hàng. Hơn nữa, trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng tăng, các doanh nghiệp xây dựng lợi thế dựa trên chất lượng dịch vụ hơn là cạnh tranh bằng giá thì việc đào tạo và đào tạo lại nhân viên ngày càng trở lên quan trọng. Trong trường hợp doanh nghiệp thực hiện chương trình quản lý môi trường và mong muốn cung cấp thông tin về môi trường cho khách hàng thì đội ngũ nhân viên còn có thêm vai trò thông tin và thuyết phục khách thực hiện. Ví dụ như ở làng du lịch Center Parcs thông tin cho khách bằng việc đề nghị không sử dụng ôtô và khuyến khích sử dụng xe đạp là phương tiện đi lại trong làng du lịch.
9. Thưởng (Reward)
Người ta nhận thấy rằng hoạt động kinh doanh theo nguyên tắc thân thiện với môi trường sẽ tạo ra nhiều việc làm hơn. Một ví dụ về thực hiện theo nguyên tắc này là từ hoạt động của khách sạn Pacific (Canada), người ta nhận thấy rằng động lực làm việc của nhân viên được nâng cao thông qua các hình thức bằng khen, thưởng tiền khi đạt hoặc vượt mục tiêu đề ra. Ví dụ như Tập đoàn khách sạn và khu nghỉ dưỡng Inter Continental công bố các mục tiêu môi trường và thưởng cho những khách sạn thuộc tập đoàn hoặc nhân viên bằng tiền thưởng hoặc bằng khen.
10. Giáo dục lại (Re-educate):
Nguyên tắc này xuất hiện đầu tiên tại các nước phát triển khi người ta nhận thức được thay đổi hành vi và thái độ của mỗi người có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ và khắc phục những hậu quả môi trường. Nội dung của nguyên tắc gồm nhận thức về trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc giới thiệu cho du khách về chất lượng môi trường trong sản phẩm du lịch. Với vai trò là một ngành dịch vụ, các doanh nghiệp du lịch, thông qua đội ngũ nhân viên, có cơ hội đưa thông tin về môi trường tới hàng triệu khách hàng sử dụng dịch vụ của mình. Từ đó, góp phần vào giáo dục ý thức môi trường và ngăn được hành vi có thể gây hại tới môi trường trong hoạt động kinh doanh du lịch.
Như vậy, thông qua việc thực hiện một hoặc toàn bộ các nguyên tắc trên, những nội dung về môi trường sẽ được truyền tải tới nhân viên trong doanh nghiệp du lịch. Trong trường hợp những nội dung này được truyền tải đúng cách và đúng đối tượng có thể làm thay đổi hành vi của du khách. Đối với doanh nghiệp, việc thực hiện những quy trình này hầu như không đòi hỏi quá nhiều chi phí mà lại có thể đem lại lợi nhuận ổn định thông qua cắt giảm những chi phí không cần thiết.
T.A (st)