 |
Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ ngoại giao Phạm Gia Khiêm chụp ảnh lưu niệm cùng các thị trưởng tại Hội nghị AIMF |
Một trong những mục tiêu trọng tâm của hội nghị lần này của AIMF là nhằm xác định làm cách nào để biến di sản thành động lực phát triển đô thị cũng như vai trò của các thị trưởng trong việc nâng cao giá trị di sản trong mối liên kết với nhà nước, xã hội dân sự và xã hội truyền thống. Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm cho rằng: Di sản chính là sự hiện hữu của lịch sử và truyền thống, là nền tảng tạo nên bản sắc, giá trị tinh thần và chuẩn mực đạo đức của mỗi dân tộc. Đây là yếu tố không thể thiếu đối với sự phát triển hài hoà và bền vững của mỗi quốc gia. Điều đáng lo ngại là Di sản không phải là kho tàng vô tận và có thể bị huỷ hoại vì thảm hoạ thiên nhiên và các hoạt động thiếu ý thức của con người như chiến tranh, công nghiệp hoá và đô thị hoá không có kế hoạch, phát triển du lịch thiếu kiểm soát… Việc bảo vệ và gìn giữ các Di sản, giá trị văn hoá đã trở nên cấp thiết, đòi hỏi nỗ lực và phối hợp chung của mỗi địa phương, mỗi quốc gia cũng như của cả cộng đồng quốc tế.
Ông Olivier Chambar - Tổng Thư ký thường trực AIMF cho rằng: với chủ đề "thành phố, di sản và phát triển", khái niệm di sản mà hội nghị lần này đề cập đến, không bó hẹp ở lĩnh vực kiến trúc, mà còn là thiên nhiên, lịch sử, tri thức, không gian sống... Qua đó, biến di sản thành "di sản sống", nghĩa là ở đó có sự hiện diện của người dân địa phương. Di sản chính là nguồn lực phát triển kinh tế xã hội nói chung, nhưng di sản không phải là "cứu cánh" mà cần có sự hài hòa giữa bảo tồn và khai thác. Bên lề hội nghị, Thị trưởng TP. Tombouctou, Cộng hòa Mali Ousman Halle cho biết: "Bảo tồn di sản để phát triển du lịch một cách phù hợp, hài hòa, vừa nâng tầm giá trị di tích đồng thời đem lại nguồn lợi kinh tế cho thành phố". Cũng bàn về vấn đề bảo tồn di sản đi đôi với phát triển du lịch, Phó Thị trưởng TP. Tanger - Maroc Mohamed Kharchich nhấn mạnh "Để nâng cao giá trị di sản, địa phương không chỉ biết chú trọng đến việc trùng tu và bảo tồn di sản văn hóa mà còn phải biết khai thác, phát huy có hiệu quả những di sản quý báu đó. Phát triển du lịch thu hút sự tham quan của đông đảo du khách quốc tế thông qua những di sản văn hóa là việc nên làm để thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương".
Hội nghị là một hoạt động chính trị xã hội nhằm giới thiệu, quảng bá và nâng cao vai trò, vị thế, phát huy các giá trị di sản vốn có của TP. Huế và Việt Nam trước cộng đồng quốc tế. Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm khẳng định: “Việt Nam luôn thực hiện nhất quán chính sách gắn kết mục tiêu phát triển kinh tế với phát triển văn hoá, thực hiện công bằng xã hội, bảo vệ môi trường nhằm đảm bảo phát triển bền vững. Việt Nam đánh giá cao những nỗ lực của AIMF trong việc thúc đẩy hợp tác giữa các thành phố thành viên và hỗ trợ các thành phố sử dụng tiếng Pháp tại các nước đang phát triển”.
Hội nghị AIMF đã kết thúc thành công sau 2 ngày làm việc, bế mạc kỳ họp, đoàn chủ tịch AIMF đã quyết định kết nạp thêm 5 thành phố và 8 hiệp hội đô thị gồm thành phố Kampot (Campuchia), Gueckéou (Guinée), Ségou (Mali), Tidjika (Mauritanie), Atakpames Tsévié (Togo) và tám hiệp hội, liên đoàn đô thị, hiệp hội thị trưởng. Ngoài ra, gần 1,3 triệu Euro cho 10 dự án đã được quyết định tài trợ tại 10 thành phố thuộc 10 quốc gia khác nhau, trong đó Việt Nam có một đại diện nhận sự tài trợ này là TP. Hồ Chí Minh với khoản tiền 70.000 Euro cho vấn đề cấp nước. Theo kế hoạch tài khóa, ngân sách đầu tư của hiệp hội năm 2008 sẽ tăng lên 6 triệu Euro. Dự kiến kỳ họp AIMF lần 28 sẽ diễn ra tại thành phố Québec (Canada) vào tháng 10/2008.
MINH HẠNH