Bắt đầu từ sự kiện Festival văn hóa Việt - Pháp do TP.Huế phối hợp với tổ chức CODEV (Pháp) tổ chức năm 1992 với các hoạt động văn hóa, lễ hội thật ấn tượng, đặc sắc gắn kết với nhau, được công chúng và khách du lịch trong và ngoài nước đón nhận cho đến sự thành công của các kỳ Festival Huế 2000, 2002, 2004 và 2006 cùng các Festival chuyên đề tôn vinh nghề truyền thống vào các năm lẻ và nhiều lễ hội, sự kiện văn hóa du lịch như Lăng Cô huyền thoại biển, Ấn tượng Bạch Mã... đã khẳng định năng lực tổ chức hoạt động văn hóa, lễ hội mang tầm khu vực và quốc tế của cố đô Huế.
Trải qua các kỳ Festival, di sản văn hóa Huế đã được phát huy từ văn hóa cung đình đến dân gian, mang đậm tính truyền thống và thời đại. Lễ hội Festival qua các kỳ còn giúp cho Huế gắn kết, hỗ trợ trong việc xây dựng kết cấu hạ tầng, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của vùng đất cố đô. Trên cơ sở những thành công mà Festival Huế mang lại, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã tiếp tục đầu tư, tăng cường cơ sở vật chất, kỹ thuật cho ngành Du lịch, nhiều khách sạn được nâng cấp, xây dựng mới, một số khu du lịch, nghỉ dưỡng được đưa vào sử dụng, tăng năng lực phục vụ khách. Lượng khách du lịch đến Huế trong các kỳ Festival cũng ngày một tăng lên rõ rệt, kéo theo sự phát triển của các loại hình dịch vụ. Doanh thu từ ngành Du lịch, dịch vụ chiếm tỉ trọng cao trong cơ cấu kinh tế của Tỉnh. Theo báo cáo tổng kết Festival Huế qua các kỳ, chỉ tính riêng Festival Huế 2006, trong 9 ngày đêm (từ ngày 3/6 đến ngày 11/6) có tới 150.000 lượt khách du lịch đến Huế, trong đó 59.516 lượt khách lưu trú tại khách sạn, nhà nghỉ, (19.283 lượt khách quốc tế, 40.233 lượt khách trong nước). Ngoài ra còn có 4.796 lượt khách lưu trú trong dân (trong đó có 1.274 lượt khách quốc tế), doanh thu ngành du lịch ước đạt 30 tỷ đồng. Song song với Festival Huế, Hội chợ triển lãm Festival Huế 2006 mang chủ đề “Văn hóa - Du lịch - Thương mại” có 1.000 gian hàng của 400 doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia. Trong đó có 940 gian hàng của 22 tỉnh, thành phố trong cả nước, 60 gian triển lãm của Trung Quốc và các tỉnh Đông Bắc Thái Lan, thu hút 385.000 lượt khách tham quan và trao đổi, mua sắm tại hội chợ, đạt tổng doanh thu 35,6 tỷ đồng.
Để xây dựng thành phố Festival duy nhất của Việt Nam, Huế sẽ cải tạo, nâng cấp và xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng đô thị của thành phố Festival như chỉnh trang kiến trúc đô thị, hệ thống giao thông, xử lý nước thải, rác thải, hệ thống chiếu sáng đô thị, công viên, quảng trường và vệ sinh môi trường. Ngoài các nguồn vốn đầu tư cho các dự án của trung ương trên địa bàn, hàng năm ngân sách trung ương cũng hỗ trợ đầu tư xây dựng một số công trình quan trọng trong chương trình mục tiêu xây dựng thành phố Festival. UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế sẽ huy động tối đa nguồn vốn từ quỹ đất cho việc đầu tư xây dựng thành phố Festival gắn với quy hoạch, mở rộng thành phố. Đồng thời, TP. Huế sẽ có những chính sách ưu đãi để thu hút đầu tư vào các công trình kinh doanh dịch vụ liên quan đến hoạt động và tổ chức Festival, thực hiện hình thức BOT (xây dựng - sở hữu - chuyển giao) và BO (xây dựng - sở hữu) đối với các công trình kết cấu hạ tầng trên địa bàn thành phố và các vùng phụ cận. Việc xây dựng thành phố Festival này phải củng cố, hoàn thiện và phát triển các không gian văn hóa Festival bao gồm: trục văn hóa – sinh thái sông Hương; tuyến văn hóa – kiến trúc đô thị; tuyến văn hóa truyền thống – sinh thái ven biển; khu vực không gian văn hóa cung đình cố đô và văn hóa dân tộc truyền thống; khu vực không gian văn hóa và lịch sử cách mạng; khu vực không gian lễ hội văn hóa dân gian cộng đồng; khu vực không gian văn hóa sinh thái tự nhiên dành cho các hoạt động cộng đồng, du lịch văn hóa sinh thái và vui chơi giải trí.
Huế đã khẳng định được năng lực thu hút du khách và khả năng tổ chức lễ hội được nâng tầm qua các kỳ tổ chức thành công Festival. Quyết định phê duyệt đề án xây dựng TP.Huế thành thành phố Festival mang tầm cỡ quốc gia và quốc tế với đặc trưng của Việt Nam đã đưa ra mục tiêu chung là "xây dựng thành phố Festival Huế mang tầm cỡ quốc gia và quốc tế với đặc trưng của Việt Nam, xây dựng Huế trở thành thành phố du lịch trong mối gắn kết hài hòa với thành phố Festival. Thành phố Festival Huế là động lực tăng trưởng kinh tế, góp phần đắc lực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Thừa Thiên - Huế và vùng kinh tế trọng điểm miền Trung". Có thể nói Huế trở thành thành phố Festival đầu tiên của Việt Nam là cơ hội khẳng định thương hiệu, thu hút du khách, phát huy giá trị của Di sản Văn hóa thế giới, đưa du lịch - dịch vụ thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần vào sự tăng trưởng chung của ngành Du lịch miền Trung nói riêng và cả nước nói chung.
MINH HẠNH