Giáo dục bảo vệ môi trường cho học sinh, sinh viên du lịch tập trung vào hai nội dung: giáo dục bảo vệ môi trường học đường và giáo dục bảo vệ môi trường trong học tập, nghiên cứu và thực hành du lịch.
Giáo dục bảo vệ môi trường học đường
Hầu hết các cơ sở đào tạo du lịch, tham gia đào tạo du lịch đều có môi trường học đường lành mạnh; có các quy định cụ thể về bảo vệ môi trường và giáo dục bảo vệ môi trường. Phần lớn các cơ sở đào tạo du lịch có khu vực vệ sinh hợp chuẩn; kiến trúc cảnh quan và giữ vệ sinh trong trường đảm bảo. Nhiều cơ sở đào tạo đã đẩy mạnh phong trào “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”, quan tâm trồng và chăm sóc cây xanh; vệ sinh trong và ngoài lớp sạch sẽ; tổ chức những “ngày chủ nhật xanh”… Thể hiện rõ nhất là ở 8 trường cao đẳng du lịch trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, một số trường đại học, cao đẳng, trung cấp du lịch tư thục và trường của doanh nghiệp ở các đô thị lớn và trung tâm du lịch. Không ít trường đã có phong trào kết nghĩa, đỡ đầu các di tích, các điểm du lịch để chăm sóc, bảo vệ các giá trị, hiện vật và môi trường cảnh quan…
Tuy nhiên, không phải tất cả cơ sở đào tạo du lịch các cấp trình độ trên toàn quốc đã làm tốt công tác xây dựng, bảo vệ và giáo dục bảo vệ môi trường học đường. Nổi bật là việc giáo dục ý thức bảo vệ môi trường trong một số cơ sở đào tạo du lịch chưa được chú trọng đúng mức. Ý thức và hành động bảo vệ môi trường của không ít học sinh, sinh viên du lịch chưa rõ nét; một số giảng viên và giáo viên chưa ý thức cao và trách nhiệm chưa tròn trong giáo dục bảo vệ môi trường. Cảnh quan môi trường ở không ít trường chưa đẹp, thiếu cây xanh; người học vứt rác bừa bãi, hút thuốc lá khi đến trường, nói tục trong lớp, nơi cộng cộng. Tình trạng sử dụng điện, nước lãng phí vẫn tiếp diễn nhất là ở các phòng học, phòng làm việc, khu vệ sinh công cộng. Cán bộ quản lý đào tạo, thầy, cô giáo biết những hiện tượng nêu trên, nhưng không nhắc nhở.
Giáo dục bảo vệ môi trường trong học tập, nghiên cứu và thực hành du lịch
Trong các chương trình giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp về du lịch đã có học phần riêng về môi trường với các tên gọi khác nhau, với thời lượng 2 tín chỉ. Các học phần Nghiệp vụ hoặc Quản trị kinh doanh lữ hành, kinh doanh lưu trú, kinh doanh nhà hàng, kinh doanh chế biến món ăn, du lịch bền vững, quản lý tài nguyên du lịch, tổ chức sự kiện du lịch, an toàn thực phẩm, an toàn, an ninh trong cơ sở lưu trú… đều có nội dung bảo vệ môi trường du lịch, góp phần đẩy mạnh giáo dục bảo vệ môi trường du lịch khá hiệu quả, vì đều là các học phần bắt buộc.
Hầu hết các cơ sở đào tạo du lịch đều tổ chức cho học sinh, sinh viên đi ngoại khóa đến các di sản, điểm du lịch, khu du lịch. Trong các chuyến đi, việc thực hành bảo vệ môi trường du lịch được triển khai với hành động cụ thể như: tham gia dọn rác tại các bãi biển du lịch, các điểm du lịch, hoặc kết nghĩa với các điểm di sản để chăm sóc di tích, hướng dẫn cộng đồng dân cư ý thức bảo vệ môi trường… Trong các đợt thực tập giữa khóa hoặc thực tập tốt nghiệp, sinh viên, học sinh du lịch đã vận dụng kiến thức đã học về bảo vệ môi trường vào thực hành bảo vệ môi trường ở các cơ sở thực tập. Một số cuộc thi bảo vệ môi trường du lịch đã được tổ chức trong các cơ sở đào tạo du lịch, mang lại hiệu quả thiết thực.
Những cơ sở đào tạo du lịch thụ hưởng các dự án ODA về du lịch đều đã chú trọng đến công tác giáo dục bảo vệ môi trường và môi trường du lịch để huy động thêm nguồn lực thực hiện giáo dục bảo vệ môi trường cho học sinh, sinh viên.
Tuy nhiên, còn tồn tại những hạn chế cần sớm khắc phục, nổi bật là: 1) Các học phần trực tiếp về giáo dục bảo vệ môi trường ít cập nhật các quy định về môi trường, tài nguyên du lịch và bảo vệ môi trường trong các luật liên quan trực tiếp như Luật Bảo vệ môi trường 2014 và Luật Du lịch 2017, quy tắc ứng xử du lịch của Tổ chức Du lịch thế giới thuộc Liên Hợp quốc và của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành trong những năm gần đây; 2) Việc lồng ghép nội dung bảo vệ môi trường du lịch trong các học phần nghiệp vụ, quản trị các hoạt động du lịch chưa bao quát hết nội dung bảo vệ môi trường và chưa phù hợp thực tiễn; 3) Năng lực đào tạo chuyên môn của các giáo viên, giảng viên đã được nâng lên một bước, nhưng chưa đáp ứng yêu cầu giáo dục bảo vệ môi trường; 4) Thiếu chương trình đào tạo có nội dung tốt về giáo dục bảo vệ môi trường du lịch cho học sinh, sinh viên và học viên ở một số cơ sở đào tạo; 5) Ý thức bảo vệ môi trường và giáo dục bảo vệ môi trường chưa trở thành một tiêu chí để đánh giá, xếp loại giáo viên, giảng viên và học sinh, sinh viên du lịch; 6) Phần lớn các cơ sở đào tạo du lịch chưa đầu tư thỏa đáng cho giáo dục bảo vệ môi trường du lịch trong giảng dạy và tổ chức thực hành cho người học.
Để tăng cường giáo dục môi trường cho sinh viên du lịch, cần thực hiện 7 giải pháp chủ yếu sau đây:
Thứ nhất: Mỗi cơ sở đào tạo du lịch tiếp tục tăng cường nâng cao nhận thức của cán bộ quản lý giáo dục, nhân viên, người lao động, giảng viên, giáo viên và sinh viên, học sinh du lịch về bảo vệ môi trường. Từng cơ sở đào tạo du lịch gắn việc giáo dục môi trường với việc triển khai thực hiện cuộc vận động “Xây dựng trường học thân thiện và học sinh tích cực”; phấn đấu tất cả các điểm trường đều có nhà vệ sinh, có người dọn vệ sinh đạt tiêu chuẩn như nhà vệ sinh khách sạn; mỗi học sinh, sinh viên du lịch rèn luyện ý thức giữ gìn vệ sinh cá nhân và môi trường, giảm thiểu mất vệ sinh ở các khu vệ sinh trong trường, đảm bảo môi trường lành mạnh trong lớp học, giảng đường và khu vực thực hành, nhà hàng và bếp thực hành, căng tin, khu ký túc xá...
Thứ hai: Tổ chức nhiều hoạt động cụ thể và sinh động nhằm nâng cao hiệu quả các hoạt động ngoại khóa về giáo dục môi trường; trong đó chú trọng việc nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ, đội sinh viên, học sinh tình nguyện bảo vệ môi trường học đường và môi trường du lịch, phổ biến các hoạt động sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, hoạt động của các câu lạc bộ sinh viên gắn với nội dung giáo dục môi trường. Khuyến khích động viên học sinh, sinh viên tham gia thi tìm hiểu về môi trường, môi trường du lịch, bảo vệ môi trường, môi trường du lịch dưới nhiều hình thức phù hợp.
Thứ ba: Giáo dục môi trường luôn đi đôi với giáo dục kỹ năng sống, lối sống có văn hóa cho học sinh, sinh viên du lịch; hình thành những thói quen tốt, những kỹ năng sống, lối sống lành mạnh liên quan đến bảo vệ môi trường và môi trường du lịch. Xây dựng và thực hiện phong trào “Nhà trường không khói thuốc lá”; “Nhà trường không tệ nạn xã hội”; ứng xử có văn hóa: không nói tục, đổ rác đúng nơi quy định, không vứt bừa bãi giấy gói, bao bì thức ăn, chai lọ, vỏ đồ hộp...; giáo dục cho học sinh, sinh viên du lịch ý thức tiết kiệm như tận dụng viết hai mặt giấy, giảm thiểu dùng bao bì nilon, chọn mua sản phẩm có nhãn “sản phẩm xanh”, “sản phẩm hữu cơ”, sản phẩm không độc hại môi trường, hàng hóa có bao bì dễ tiêu hủy trong tự nhiên hoặc có thể dùng lại nhiều lần, không tìm thức ăn từ đặc sản quý hiếm…
Thứ tư: Khuyến khích, động viên và tiến tới bắt buộc giảng viên, giáo viên tham gia học tập; tổ chức mở các chuyên đề bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng tích hợp, lồng ghép cho giảng viên, giáo viên về giáo dục môi trường, góp phần nâng cao năng lực và kỹ năng giáo dục môi trường du lịch; nâng cao khả năng tích hợp, lồng ghép giáo dục môi trường trong các giờ học các học phần, môn học chính khóa…
Thứ năm: Gắn việc giáo dục bảo vệ môi trường với công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật trong nhà trường. Bên cạnh việc tuyên truyền phổ biến pháp luật như: Luật Bảo vệ môi trường, Luật Giáo dục Đại học, Luật Giáo dục nghề nghiệp, Luật Giao thông, Luật Phòng chống ma túy, Luật Thanh niên, Luật Di sản văn hóa, Luật Du lịch…, các cơ sở đào tạo du lịch phải dành thời lượng và có hình thức thích hợp để triển khai phổ biến Luật Bảo vệ môi trường.
Thứ sáu: Đưa học phần Môi trường và Bảo vệ môi trường du lịch vào chương trình đào tạo. Cần kiểm tra, rà soát và đưa nội dung bảo vệ môi trường vào các học phần, nhất là học phần nghiệp vụ, quản trị kinh doanh lữ hành, lưu trú, ăn uống, vận chuyển du lịch, tổ chức sự kiện du lịch… để trang bị cho học sinh, sinh viên du lịch kiến thức, kỹ năng và thái độ bảo vệ môi trường du lịch trong học tập, nghiên cứu và thực hành các chuyên ngành du lịch đang theo học.
Thứ bảy: Các cơ sở đào tạo du lịch, tham gia đào tạo du lịch đẩy mạnh hợp tác quốc tế và hội nhập với các cơ sở đào tạo, nghiên cứu du lịch nước ngoài, các tổ chức quốc tế để tranh thủ nguồn lực tài chính, kinh nghiệm và công nghệ tiên tiến về bảo vệ môi trường du lịch và giáo dục bảo vệ môi trường du lịch.
Để tăng tính khả thi cho các giải pháp nêu trên, xin kiến nghị: 1) Cơ quan quản lý nhà nước về môi trường cần phối hợp với các bộ ngành liên quan xây dựng quy định pháp luật về giáo dục bảo vệ môi trường trong các cơ sở giáo dục đại học và cơ sở giáo dục nghề nghiệp; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cụ thể hóa quy định này thành quy định về giáo dục bảo vệ môi trường du lịch; 2) Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Du lịch xây dựng Kế hoạch hành động về bảo vệ môi trường du lịch phù hợp với Chiến lược phát triển ngành và Luật Bảo vệ môi trường, trong đó có nội dung giáo dục bảo vệ môi trường du lịch; 3) Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hàng năm xem xét cấp kinh phí và hướng dẫn tổ chức các lớp tập huấn về công tác bảo vệ môi trường du lịch và giáo dục bảo vệ môi trường du lịch cho các cơ sở đào tạo du lịch; tổ chức công tác nghiên cứu, chuyển giao công nghệ trong bảo vệ môi trường du lịch và giáo dục bảo vệ môi trường; 4) Các doanh nghiệp du lịch và hiệp hội du lịch, các hiệp hội, hội nghề nghiệp, hội đồng hiệu trưởng các trường du lịch và các câu lạc bộ du lịch phối hợp với các cơ sở đào tạo du lịch tổ chức các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức xã hội về nhiệm vụ bảo vệ môi trường du lịch và giáo dục bảo vệ môi trường cho học sinh, sinh viên, đặc biệt trong các đợt thực tập, kiến tập của học sinh, sinh viên du lịch, học viên cao học và nghiên cứu sinh nghiên cứu các đề tài về du lịch tại các doanh nghiệp du lịch, các điểm đến du lịch và các lễ hội du lịch.
Cả nước hiện có 192 cơ sở đào tạo du lịch và tham gia đào tạo du lịch ở trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp và sơ cấp gồm: 62 trường đại học có khoa du lịch; 55 trường cao đẳng (có 10 trường cao đẳng du lịch); 72 trường trung cấp và 4 trung tâm, lớp đào tạo nghề. Mỗi năm, cả nước tuyển sinh khoảng 22.000 học sinh, sinh viên du lịch, trong đó cao đẳng, đại học là 3.870 sinh viên; trung cấp là 18.190 học sinh; sơ cấp nghề du lịch ước khoảng 5.000 học viên; tốt nghiệp hàng năm khoảng 20.000.
|
TS. Nguyễn Văn Lưu
Tạp chí Du lịch 6/2018