Việc kinh doanh dịch vụ phục vụ khách du lịch tại các điểm dừng chân đường bộ trên tuyến đường từ thành phố Hồ Chí Minh đến Cà Mau là cần thiết. Thời gian qua, các đơn vị kinh doanh dịch vụ, công ty vận tải và du lịch đã tự xây dựng mô hình trạm dừng chân nhằm phục vụ khách như: trạm dừng chân Satra - Futa Phương Trang - Cái Bè, Tiền Giang; Vân Mập - Cái Bè, Tiền Giang; Minh Khải - Sóc Trăng, cung cấp các dịch vụ như ăn uống, mua sắm đặc sản cũng như đáp ứng nhu cầu cá nhân của hành khách trên tuyến đường miền Tây Nam Bộ.
Để phục vụ du khách tốt hơn, cần có chiến lược phát triển theo từng giai đoạn, tìm hiểu nhu cầu của du khách và khảo sát thực tế kinh doanh các dịch vụ phục vụ khách du lịch tại các trạm dừng chân đường bộ kèm với các dịch vụ du lịch đặc trưng. Qua đó, du lịch các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long sẽ tạo được hình ảnh tốt với du khách; góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch tại điểm đến; tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp, tăng thu nhập cho người dân, tạo việc làm cho một lượng lớn lao động; đóng góp nhiều hơn vào ngân sách nhà nước.
Sau đây, tác giả đề xuất một số tiêu chí về loại hình kinh doanh dịch vụ phục vụ khách du lịch tại trạm dừng chân đường bộ đối với tuyến đường quốc lộ 1 từ thành phố Hồ Chí Minh đến Cà Mau:
Diện tích khu vực kinh doanh của điểm dừng chân
Thông tư số 24/2010/TT-BGTVT về bến xe, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ quy định trạm dừng chân loại 1 phải có diện tích tối thiểu là 10.000m2, loại 2 là 5.000m2, loại 3 là 3.000m2. Diện tích đỗ xe (tối thiểu) đối với loại 1 là 5000m2, loại 2 là 2.500m2, loại 3 là 1.500m2. Văn phòng làm việc có diện tích tối thiểu 4,5m2/người; diện tích khu vệ sinh bằng ≥ 1% tổng diện tích; các hạng mục khác tùy theo diện tích và loại hình kinh doanh dịch vụ của mỗi trạm sẽ có diện tích phù hợp.
Thời gian hoạt động: phục vụ dịch vụ liên tục 24/24 giờ
Hạng mục cần có tại trạm dừng chân kinh doanh dịch vụ phục vụ du khách
Khu vệ sinh công cộng: Phải có khu vệ sinh công cộng đủ rộng được phân thành các khu vực dành cho nam, nữ, và cả khu vực dành cho người tàn tật đạt chuẩn về diện tích của một điểm dừng chân. Các khu vực này phải có người thường xuyên vệ sinh sạch sẽ, có các bàn rửa mặt, có xà bông hoặc nước rửa tay, rửa mặt… là một nhà vệ sinh đạt tiêu chuẩn theo quy định trong sổ tay hướng dẫn cấp nhãn du lịch xanh cho điểm dừng chân phục vụ khách du lịch.
Khu vực bãi đỗ xe: Điểm dừng chân kinh doanh dịch vụ phục vụ du khách phải có diện tích đủ lớn để phục vụ các loại xe khác nhau. Khu vực của các phương tiện cũng được chia thành các khu rộng, hẹp tùy theo loại xe và có khoảng trống dành riêng cho từng loại xe ra vào. Hiện nay, các điểm dừng chân có thêm dịch vụ rửa xe miễn phí hoặc tính phí đối với các xe dừng lại nghỉ ngơi và tiêu dùng các dịch vụ của điểm dừng chân…
Cửa hàng mua sắm: Tại mỗi điểm dừng chân nên bày bán nhiều loại hàng hóa phục vụ nhu cầu của du khách suốt 24//24h. Tùy theo tiêu chuẩn của mỗi điểm dừng chân mà có các cửa hàng mua sắm lớn nhỏ khác nhau, đa dạng chủng loại mặt hàng như: quần áo may sẵn, đồ lót nam, nữ, áo gió, áo len, mũ; đồ ăn khô; đồ ăn nhanh; đồ uống các loại; các loại mỹ phẩm; quầy thuốc bán cho khách khi bị say xe và bệnh nhẹ khác; một số máy móc thiết bị viễn thông phục vụ giao dịch bằng điện thoại…
Khu vực nhà hàng: Khu vực này gồm nhiều loại nhà hàng hoặc quán ăn nhỏ phục vụ du khách món ăn và đồ uống đa dạng, phong phú; ngoài bán các món ăn, đồ uống thông thường còn bán đặc sản của các địa phương.
Thông tin xúc tiến du lịch: Nơi đây có bộ phận chuyên cung cấp các thông tin liên quan đến điểm tham quan, khu du lịch tại địa phương và vùng lân cận như: khoảng cách giữa các điểm tham quan; giá vé; dịch vụ lưu trú; ăn uống; phương tiện vận chuyển; dịch vụ đổi tiền; bán các chương trình tour; dịch vụ thủ tục hành chính; dịch vụ chăm sóc sức khỏe và các dịch vụ khác. Ngoài ra, bộ phận này còn làm công tác quảng bá, giới thiệu điểm đến du lịch tại địa phương.
Nhà nghỉ: Tại điểm dừng chân không cần thiết phải có khách sạn mà chỉ cần có hệ thống nhà nghỉ nhằm phục vụ khách có nhu cầu nghỉ ngơi, trong đó có khách du lịch. Nhà nghỉ có số phòng nhiều hoặc ít tùy thuộc vào quy mô hoạt động của điểm dừng chân, nhưng phải có những tiện nghi tối thiểu phục vụ du khách nghỉ thời gian ngắn hoặc qua đêm.
Ngân hàng: Nơi đây phải có ít nhất một chi nhánh giao dịch ngân hàng hoặc ngân hàng giao dịch trong giờ hành chính giống như các ngân hàng khác, là nơi gửi tiền, rút tiền, chuyển tiền và làm các dịch vụ theo đúng tiêu chuẩn của một ngân hàng. Đồng thời, phải có cây rút tiền tự động (ATM) phục vụ nhu cầu rút tiền mặt để tiêu dùng tại đây.
Khu vực bán đồ lưu niệm: Khách du lịch thường thích mua những đồ lưu niệm mang tính địa phương, vùng miền, vì vậy tại điểm dừng chân phục vụ khách du lịch nên có các quầy/cửa hàng nhỏ bán đồ lưu niệm do người dân địa phương làm nên.
Gian hàng bán đặc sản của địa phương: Mỗi điểm dừng chân thường nằm trên cung đường của mỗi tỉnh khác nhau, nên đặc sản của mỗi địa phương cũng mang nét độc đáo khác nhau.
Trạm cây xăng và khu vực sửa chữa bảo dưỡng ô tô: Hầu hết các phương tiện đường bộ khi dừng tại điểm dừng chân đều có nhu cầu đổ xăng dầu, hoặc kiểm tra lại máy móc thiết bị của phương tiện nhằm đảm bảo an toàn cho hành trình tiếp theo. Do đó, việc xây dựng điểm dừng chân đường bộ là một trong những yêu cầu cần thiết.
TS. Nguyễn Công Hoan
Tạp chí Du lịch tháng 6/2016