Trên mảnh đất này có nhiều danh thắng nổi tiếng, đặc biệt là cụm di tích Ngũ Hành Sơn - một cụm đá vôi gồm 5 ngọn núi Thủy Sơn, Mộc Sơn, Thổ Sơn, Kim Sơn, Dương và Âm Hỏa Sơn. Ngoài ra, nơi đây còn có nhiều ngôi đình, chùa cổ và các hang động tuyệt đẹp nổi tiếng không chỉ ở Đà Nẵng mà còn trên cả nước như: chùa Tam Thai, chùa Linh Ứng, chùa Quán Thế Âm, chùa Từ Tâm, chùa Phổ Đà, đình Mân Quang, đình Tân Lưu, nhà thờ Tổ nghề điêu khắc đá - Hòa Hải, nhà thờ tiền hiền tộc Lê làng Mân Quang, miếu Ông Chài, lăng thờ cá ông làng Tân Lưu, di tích mộ ông bà họ Lê, di tích chùa Khuê Bắc, di tích Hang Âm Phủ... và các hang động Tàng Chơn, Huyền Không, Vân Thông, Linh Nham, Huyền Vy, Tam Thanh, Quan Thế Âm…
Ngũ Hành Sơn còn nổi tiếng với những giá trị văn hóa phi vật thể. Nơi đây có nền văn hóa Sa Huỳnh, văn hóa Chăm lâu đời của dân tộc với những bản sắc văn hóa đậm nét, các lễ hội truyền thống thu hút đông đảo du khách thập phương như: Lễ hội Quán Thế Âm, Lễ hội Vu lan Báo hiếu, Lễ hội Cầu Ngư, Truyền thuyết về danh thắng Ngũ Hành Sơn, Truyền thuyết về miếu Ông Chài, các trò chơi dân gian, Hội nấu cơm thi, Trò chơi đánh đu, Ẩm thực dân gian...
Với những giá trị vật thể, phi vật thể vô giá, thắng cảnh Ngũ Hành Sơn đã trở thành điểm du lịch thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến tham quan, chiêm bái.
Theo số liệu thống kê, từ năm 2012 - 2017, khu du lịch đã đón trên 3 triệu lượt khách, trong đó có 1 triệu lượt khách quốc tế, đóng góp rất lớn cho nền kinh tế Đà Nẵng.
Nhận thức được vai trò to lớn của du lịch đối với sự phát triển của quận Ngũ Hành Sơn nói riêng, tỉnh Đà Nẵng nói chung, trong những năm gần đây, chính quyền và nhân dân quận Ngũ Hành Sơn đã chung tay thực hiện nhiều biện pháp bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa. Điển hình là Lễ hội Quán Thế Âm với quy mô lớn và các hoạt động ngày càng phong phú, đa dạng. Năm 2014, Làng nghề truyền thống đá mỹ nghệ Non Nước được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể cấp quốc gia; Công viên Văn hóa - Lịch sử Ngũ Hành Sơn đang được lãnh đạo thành phố Đà Nẵng cùng quận Ngũ Hành Sơn quan tâm đầu tư xây dựng.
Tuy nhiên, hiện nay do quá trình đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ, nhiều di sản văn hóa truyền thống có nguy cơ mai một dần. Để việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn một cách thiết thực và có hiệu quả, địa phương cần tiến hành đồng bộ các giải pháp: tăng cường tổ chức và triển khai tuyên truyền Luật Di sản Văn hóa; phát huy vai trò của các cấp chính quyền trong công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa tại địa phương; tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng đẩy mạnh công tác khảo sát, nghiên cứu di sản văn hóa và đề nghị cấp trên đầu tư chống xuống cấp di tích lịch sử - văn hóa; đẩy mạnh công tác xã hội hóa trong bảo tồn và phát huy di sản văn hóa; tiếp tục tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể trong các hoạt động du lịch, thương mại cả trong và ngoài nước; tiếp tục nâng cấp và nâng tầm các lễ hội mang tính chủ đạo; đầu tư phát triển không gian xanh; chỉnh trang và quy hoạch khu du lịch, khu dân cư.
Lê Ngọc Nhất
Phó Trưởng ban, Ban Quản lý Khu du lịch Thắng cảnh Ngũ Hành Sơn