Vai trò của RNM
Nằm trong hệ sinh thái đất ngập nước ven biển, RNM được coi là nguồn tài nguyên ven biển vô cùng hữu ích đối với sự phát triển kinh tế - xã hội và đời sống con người. Các khu RNM là lá phổi không thể thiếu đảm bảo cho hệ sinh thái ven biển phát triển. Các loại cây trong hệ thống RNM có rất nhiều lá và chất hữu cơ. Khi rụng xuống nước, lá cây thối rữa, trở thành thức ăn cho các vi trùng và sinh vật phù du, là nguồn thức ăn cho cá. RNM còn cung cấp cho con người nguồn thực phẩm thường xuyên như cua, trai, hàu, cá, rau, quả... Ngoài ra, gỗ các loại cây trong rừng được sử dụng làm củi đun, sản xuất năng lượng, sử dụng trong xây dựng, vỏ cây được sử dụng trong thủ công và trong dược phẩm. RNM còn tham gia mở rộng diện tích đất và giữ đất không bị cuốn đi.
Đặc biệt, RNM có vai trò bảo vệ đới bờ và cửa sông, hạn chế xói lở và tác hại của bão, sóng đối với hệ thống đê biển. Theo một nghiên cứu tại Nhật Bản, một khu RNM có chiều rộng 100m có thể làm giảm 50% chiều cao của sóng triều và giảm 50% năng lượng của sóng. Nhờ có hệ thống rễ dày đặc trên mặt đất, RNM có thể làm chậm dòng chảy và thích nghi với mực nước biển dâng. Các cây con, quả và hạt có khả năng sống dài ngày trong nước nên cây ngập mặn sẽ phát tán rộng vào đất liền khi nước biển dâng ngập các vùng đó. Khi RNM tự nhiên được bảo vệ hoặc các rừng trồng đủ rộng, sẽ tạo thành những bức tường vững chắc, bảo vệ bờ biển và chân đê khỏi bị xói lở do bão lụt và nước biển dâng…
RNM còn là nơi bảo vệ các động vật khi nước triều dâng và sóng lớn. Nhiều loài động vật sống trong hang hoặc trên mặt bùn đã trèo lên cây để tránh sóng khi thời tiết bất lợi như cá lác, còng, cáy, ốc… Nhờ thế, tính đa dạng sinh học trong hệ sinh thái RNM tương đối ổn định. Sau những trận thiên tai, các mùn bã được phân hủy tại chỗ và các chất thải do sông mang đến được phân giải nhanh, tạo ra nguồn thức ăn phong phú cho sự hồi phục và phát triển của các loài thuỷ sinh.
Việt Nam có bờ biển dài hơn 3.260km, nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa, hàng năm phải hứng chịu những cơn bão và triều cường. Trước đây, nhờ có các dãy RNM tự nhiên và những dãy rừng được trồng ở các vùng cửa sông, ven biển nên đê điều ít khi bị vỡ. Nhưng gần đây, do việc phá rừng ngày càng tăng, nạn lở đất, lũ lụt xảy ra nhiều nên hệ sinh thái RNM ngày càng bị thay đổi về mọi mặt. Theo số liệu thống kê, hơn 3/4 diện tích RNM Việt Nam đã bị chuyển đổi sang mục đích kinh tế khác.
Hiện nay, Đảng và Nhà nước Việt Nam rất quan tâm đến việc bảo tồn và quản lý bền vững đất ngập nước, trong đó có RNM, thể hiện trong Luật Bảo vệ môi trường, Nghị định của Chính phủ về quản lý các vùng đất ngập nước, Nghị quyết 41-NQ/TW của Bộ Chính trị về Bảo vệ môi trường… Bên cạnh đó, Việt Nam cũng nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của các tổ chức quốc tế trong vấn đề này, trong đó có việc phục hồi và phát triển RNM.
Tác động của biến đổi khí hậu đối với hệ sinh thái RNM
Trong 50 năm trở lại đây, các khu vực, quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó có Việt Nam, đã phải gánh chịu tác động nặng nề của sự biến đổi khí hậu. Cường độ, tần suất hoạt động của các trận bão, lũ lụt, hạn hán… ngày càng mạnh, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống con người, tới các nguồn tài nguyên, các hệ sinh thái ven bờ, trong đó có hệ sinh thái RNM.
Biến đổi khí hậu, đặc biệt là biến đổi về nhiệt độ, nồng độ CO2, trầm tích, cường độ bão và mực nước biển đe dọa khả năng sống sót của RNM. Trong đó, mực nước biển dâng được coi là nguy cơ lớn nhất. Theo tính toán sơ bộ của các nhà khoa học, với dự báo mực nước biển dâng 45cm vào năm 2070, có thể khoảng 230.000ha RNM ở Việt Nam sẽ hoàn toàn bị biến mất. Nước biển dâng cũng ngăn cản sự bồi tụ các bãi triều, ngăn cản sự tái sinh tự nhiên của các loài cây ngập mặn tiên phong như mắm, bần chua...
Một nghiên cứu gần đây của Ngân hàng thế giới dự báo Việt Nam là một trong hai nước đang phát triển (Bangladesh và Việt Nam) bị tác động tồi tệ nhất trên thế giới do nước biển dâng. Kết quả nghiên cứu bước đầu về sự biến đổi khí hậu đối với hệ sinh thái RNM cho thấy, có 6 yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến hệ sinh thái nhạy cảm này, đó là: nhiệt độ không khí, lượng mưa, gió mùa đông bắc, bão, triều cường, hoạt động của con người. Ngoài ra, cũng có sự liên quan gián tiếp giữa biến đổi khí hậu và hệ sinh thái RNM thông qua sự thay đổi về mực nước biển. Một số yếu tố có thể tác động ngay, một số yếu tố khác tác động trong tương lai như: gió mùa đông bắc, sự tăng cường của dòng chảy sông, mưa lớn ở địa phương, sự tích tụ phù sa, các tác động của con người.
Ở các vùng núi, do rừng nguyên sinh bị suy thoái nghiêm trọng nên thường xảy ra lũ quét, trượt lở đất khi có mưa lớn. Việc con người phá RNM để trồng lúa, nuôi tôm đã ngăn cản sự vận động của thủy triều, làm ảnh hưởng lớn đến sự sinh trưởng và phát triển của các loài cây ngập mặn, dẫn đến làm mất nơi sinh sống của hải sản và động vật vùng triều, làm thay đổi dòng chảy, giảm sự phân tán nước ở các bãi triều và vùng ven biển…
Du lịch cần góp sức bảo vệ RNM
Trong hoạt động du lịch, RNM là nguồn tài nguyên du lịch sinh thái hết sức quý giá. Tại Việt Nam, những năm gần đây, khách du lịch ngày càng có xu hướng tìm đến tham quan, nghiên cứu các khu RNM, theo đó, nguồn lợi ngành Du lịch thu được từ hệ sinh thái này cũng tăng lên. RNM thực sự trở thành đối tượng tiềm năng đối với hoạt động khai thác phát triển du lịch nói riêng, kinh tế - xã hội nói chung.
Hiện nay, hệ sinh thái RNM đang đứng trước nguy cơ bị suy giảm và ô nhiễm do biến đổi khí hậu và sự khai thác không hợp lý của con người. Là ngành được hưởng lợi từ hệ thống RNM, rõ ràng ngành Du lịch cũng chịu ảnh hưởng không nhỏ trước thực trạng này. Bởi khi sự đa dạng sinh học dần mất đi, vẻ đẹp nguyên sơ và môi trường xanh - sạch của RNM bị hủy hoại, chắc chắn du khách sẽ không còn hứng thú với RNM, Du lịch Việt Nam sẽ giảm sức cạnh tranh với các nước trên thế giới. Hơn nữa, khi diện tích RNM suy giảm, môi trường sẽ bị ô nhiễm nặng nề hơn, thiên tai đến nhiều hơn, từ đó gây nguy hiểm và trở ngại lớn đối với các hoạt động du lịch…
Đó là những lý do để ngành Du lịch cần “chung tay góp sức” cùng với các ban, ngành liên quan và cộng đồng nhân dân nỗ lực phục hồi và phát triển RNM. Trước mắt, cần xác định và bảo vệ những khu RNM quan trọng, giữ vị trí chiến lược trong đối phó với sự biến đổi khí hậu; tăng cường kiểm sát gắt gao những tác động của con người đến hệ sinh thái RNM và nhân giống các loài, các hệ sinh thái RNM tiêu biểu. Đặc biệt, cần tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho CBCNV toàn Ngành, du khách và cộng đồng địa phương về vai trò, ý nghĩa và những biện pháp để bảo vệ, phục hồi và phát triển RNM. Trong quá trình xây dựng các cơ sở dịch vụ phục vụ du lịch, cần thận trọng, khai thác đúng mức, đúng hướng để giữ cho RNM vẻ đẹp nguyên sơ cũng như môi trường trong lành…
THẢO CHI