Theo nhiều đại biểu, hạn chế lớn nhất của du lịch khu vực này là sự yếu kém về cơ sở hạ tầng, đặc biệt là giao thông từ Hà Nội đến các tỉnh Tây Bắc. Phó chủ tịch UBND Lai Châu Vương Văn Thành cho biết: “Lai Châu có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch, đặc biệt thời gian gần đây đã phát hiện ra nhiều hang động mới, cảnh quan thiên nhiên rất hoang sơ. Tuy nhiên, điều kiện giao thông rất khó khăn. Tuy không xa nhưng đi rất mất thời gian vì đường khó đi, nguy hiểm”. Chính vì vậy, tiềm năng du lịch là cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ, bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc vốn rất hấp dẫn du khách trong và ngoài nước chưa được khai thác hiệu quả. Trong khi đó, hợp tác phát triển du lịch giữa các tỉnh trong vùng vẫn còn yếu. Số người nghèo được hưởng lợi từ du lịch còn hạn chế do cơ chế chia sẻ thu nhập không đồng đều. Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Nguyễn Hữu Vạn khẳng định: “Du lịch hiện đang chiếm 15% cơ cấu GDP của tỉnh, tạo việc làm, nâng cao đời sống cho nhiều người dân. Việc mở rộng tour, tuyến du lịch còn hạn chế, chưa khai thác hết tiềm năng du lịch của Tỉnh, nhân lực chủ yếu chưa qua đào tạo. Đặc biệt là chưa có quy hoạch liên vùng nên sản phẩm còn đơn lẻ, chưa phát huy hiệu quả cao”.
Qua phân tích đánh giá tiềm năng, lợi thế và những hạn chế, tồn tại, các đại biểu khẳng định: phương hướng hợp tác phát triển du lịch liên vùng các tỉnh miền núi Tây Bắc mở rộng phải lấy Sapa làm trung tâm, vì Sapa là một trong 4 trọng điểm du lịch của miền Bắc. Sapa đã có kinh nghiệm làm du lịch, nên vai trò chủ đạo của Sapa trong mối liên kết vùng là rất quan trọng. Việc liên kết sẽ tạo cơ chế quản lý thống nhất, xây dựng các chính sách du lịch thông thoáng, tạo điều kiện cho nhiều thành phần kinh tế tham gia đầu tư, khai thác, phát triển du lịch, quảng bá hình ảnh rộng rãi, nâng cao chất lượng sản phẩm, khai thác hợp lý, hiệu quả nguồn tài nguyên phong phú.
Phương hướng hợp tác phát triển du lịch vùng Tây Bắc mở rộng tập trung vào 4 nội dung chính:
Hợp tác xây dựng cơ chế chính sách quản lý và phát triển du lịch địa phương nhắm tạo ra cơ chế quản lý du lịch thống nhất và phù hợp lẫn nhau giữa các tỉnh; đồng thời xây dựng chính sách phát triển du lịch thông thoáng, tạo điều kiện cho nhiều thành phần cùng tham gia đầu tư, khai thác, phát triển du lịch ở địa phương.
Hợp tác phát triển sản phẩm du lịch bằng việc xây dựng chương trình du lịch khung cho các tỉnh miền núi phía Bắc, trên cơ sở đó xây dựng các tour du lịch đặc trưng mang tính đặc thù của mỗi tỉnh để kết nối vào chương trình du lịch khung, tạo thành một hệ thống tuyến du lịch liên hoàn, hấp dẫn.
Hợp tác tuyên truyền quảng bá là một nội dung quan trọng, các tỉnh sẽ xây dựng các hình thức liên kết tổ chức quảng bá sản phẩm, quảng bá điểm đến và tiếp thị cho thị trường du lịch trong và ngoài nước.
Hợp tác trong phát triển nhân lực du lịch địa phương nhằm nâng cao chất lượng lao động, trong đó chú trọng đến đào tạo ngoại ngữ, kỹ năng phục vụ du lịch và đào tạo nghiệp vụ phục vụ một số loại hình du lịch là thế mạnh của 8 tỉnh như du lịch làng bản, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng…
Để triển khai các nội dung hợp tác, ngành Du lịch 8 tỉnh Tây Bắc đã nhất trí thành lập Ban Chỉ đạo hợp tác khu vực Tây Bắc mở rộng, hoạt động theo cơ chế Trưởng ban điều hành luân phiên từng năm và Tổ thường trực hợp tác khu vực Tây Bắc mở rộng trực tiếp triển khai nội dung hợp tác.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Trần Chiến Thắng hoan nghênh sáng kiến của các tỉnh Tây Bắc về ý tưởng tổ chức hội nghị liên kết này và sự ủng hộ tích cực của các tỉnh trong khu vực. Để hợp tác tốt và triển khai hiệu quả các cam kết, 8 tỉnh cần thống nhất các quy định, chính sách kêu gọi đầu tư, quy hoạch du lịch, văn hoá theo hướng bổ trợ lẫn nhau; xác định các tour, tuyến du lịch có khả năng khai thác tốt để các công ty lữ hành xây dựng sản phẩm, nâng cấp và hoàn thiện các điểm đến. Khu vực Tây Bắc mở rộng cũng đặc biệt có điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch cộng đồng với lợi thế lớn nhất là văn hóa dân tộc đa dạng, độc đáo, vì thế cần phải làm cho người dân hiểu và được hưởng lợi từ du lịch để đồng bào tham gia nhiều hơn, tích cực hơn vào hoạt động này...
LÊ HẢI