Khách quốc tế đến Việt Nam có xu hướng giảm mạnh trước tác động của cơn bão tài chính thế giới
Du khách đến đã giảm từ cuối quí I và giảm mạnh từ cuối quí III
Mặc dù cuộc khủng hoảng tài chính Mỹ chính thức mới được coi là từ tháng 9 với một loạt các sự kiện long trời lở đất trên thi trường tài chính nước này. Đó là hai tập đoàn đầu tư cho vay địa ốc Fannie Maie và Freddie Mac bị quốc hữu hóa từ 8/9, liền sau đó là tuần lễ lịch sử phố Wall từ ngày 12 - 19/9 với các sự kiện lịch sử là ngân hàng đầu tư 158 tuổi Lehman Brothers nộp đơn xin phá sản, là số phận hãng bảo hiểm khổng lồ AIG bị tiếp quản; rồi ngân hàng đầu tư Morgan phải sáp nhập vào ngân hàng lớn thứ tư nước Mỹ Wachovia, là bản “Đại kế hoạch” giải cứu thị trường tài chính với khoản tiền phải chi 700 tỷ USD và Tổng Thống Bush phải tuyên bố tình thế “chưa từng có” và kêu gọi cần phải có giải pháp “chưa từng có” để giải cứu thị trường tài chính Mỹ… Nhưng thực ra cuộc khủng hoàng tài chính này của Mỹ đã có triệu chứng và tác động âm ỉ đến nền kinh tế Mỹ và thế giới từ khá lâu trước đó, trên thực tế đối với ngành du lịch nó đã tác động làm số người đi du lịch thế giới giảm đi rõ rệt từ đầu năm nay; du khách quốc tế đến Việt Nam cũng bắt đầu có xu giảm từ tháng 3, giảm mạnh từ tháng 6 và rất mạnh từ tháng 9. Số du khách quốc tế đến Việt Nam đã từ hơn 430,5 ngàn lươt người/tháng, tăng 15% so với cùng kỳ trong hai tháng đầu năm; xuống còn 365,5 ngàn lượt người trong tháng 3, giảm 65 ngàn lượt người và chỉ còn bằng 83.9% so với tháng 2; xuống còn hơn 330,7 ngàn lượt người/tháng từ tháng 5 đến tháng 8, giảm 3,8% so với cùng kỳ năm 2007; đến tháng 9 và tháng 10 đã tụt xuống dưới mốc 300 ngàn và chỉ còn 291,6 ngàn lượt người/tháng, giảm 15,4% so cùng năm 2007.
Tốc độ tăng trưởng du khách đến 10 tháng đạt thấp kỷ lục từ năm 2004
Tổng số khách quốc tế đến Việt Nam trong 10 tháng đầu năm nay đạt gần 3,6 triệu lượt người, chỉ tăng 3,5% so với cùng kỳ năm 2007. Đây là một tốc độ tăng trưởng số khách quốc tế đến Việt Nam thấp nhất từ năm 2004 đến nay (10 tháng năm 2004 đã tăng 27,5%, năm 2005 tăng 20,3%, năm 2006 tăng 5% và 10 tháng năm 2007 tăng 16,6%). Tốc độ tăng trưởng du khách quốc tế đến Việt Nam 10 tháng đầu năm nay chỉ đạt 3,5% là mức thấp nhất từ năm 2004 đến nay đã chứng tỏ sự tác động của cuộc khủng hoảng tài chính thế giới đến lĩnh vực du lịch nước ta là khá mạnh mẽ và rõ rệt.
Xu hướng biến động không giống nhau với mục đích khách đến khác nhau
Trong khi số du khách quốc tế đến Việt Nam với mục đích chính là du lịch nghỉ ngơi đã giảm khá mạnh từ tháng 3 và du khách đến với mục đích thăm bạn bè, người thân kết hợp du lịch giảm mạnh từ tháng 8, thì số khách đến với mục đích công việc kết hợp du lịch đã tăng lên với tốc độ cao so với cùng kỳ năm 2007, mặc đã xu hướng giảm tốc trong các tháng về cuối năm.
Trước hết là số lượng khách quốc tế đến Việt Nam với mục đích thuần túy là du lịch đã từ mức bình quân 251,5 ngàn lượt người/tháng trong 5 tháng đầu năm, tăng 16,2% so với cùng kỳ năm 2007, đến tháng 6 đã xuống chỉ còn 175 ngàn lượt người, giảm 28% so với tháng trước và giảm 17,8% so với cùng kỳ năm trước; đến tháng 7 xuống còn gần 170 ngàn, giảm 2,9% so với tháng trước và giảm 16,4% so cùng kỳ năm trước; tháng 8, tuy lại tăng lên đạt gần 205 ngàn lượt người, tăng 35 ngàn so tháng 7, nhưng vẫn giảm 6,4% so với cùng kỳ; đến tháng 9 xuống chỉ còn 167 ngàn lượt người, giảm 18,5% so với tháng 8, giảm 24,4% so với cùng kỳ và tháng 10 gần 187 ngàn, tuy có nhích lên so tháng 9 nhưng vẫn giảm 4,6% so cùng kỳ năm 2007.
Tổng số khách quốc tế đến Việt Nam thuần túy mục đích du lịch nghỉ ngơi trong 10 tháng đầu năm đạt hơn 2,16 triệu lượt người, chỉ tăng 1% so cùng kỳ, đây là tốc độ tăng trưởng thấp nhất từ năm 2004 đến nay (10 tháng năm 2004 đã tăng 39,7%, năm 2005 tăng 32,2%, năm 2006 tăng 3,6% và 10 tháng 2007 tăng 27,4% so với cùng năm trước).
Về du khách đến Việt Nam với mục đích chính là thăm bạn bè, người thân kết hợp du lịch từ mức bình quân 66 ngàn lượt người/tháng trong 4 tháng đầu năm, tăng 12,0% so với cùng kỳ năm 2007, đã xuống chỉ còn 45 ngàn lượt người/tháng từ tháng 5 đến tháng 8, giảm 31,3% so với 4 tháng đầu năm, giảm 2,8% so với cùng kỳ; đến tháng 9 & 10 chỉ còn 30 ngàn lượt người/tháng, giảm tiếp 32,6% so với bình quân 4 trước, giảm 37,2% so với cùng kỳ năm năm trước.
Tổng số khách quốc tế đến Việt Nam với mục đích chính là thăm người thân 10 tháng đầu năm đạt gần 507 ngàn lượt người, giảm 2,5% so với cùng kỳ năm 2007, là năm duy nhất đã có tốc độ tăng trưởng giảm từ năm 2004 đến nay (10 tháng năm 2004 tăng 23,7%, năm 2005 tăng 10,6%, năm 2006 tăng 13,7% và 10 tháng 2007 tăng 6,8% so với cùng năm trước). Như vậy là số du khách quốc tế đến thăm thân, mà chủ yếu là Việt Kiều ở nước ngoài về nước thăm người thân kết hợp du lịch đã bị tác động ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng tài chính thế giới mạnh nhất và đã giảm xuống so với cùng kỳ năm 2007 trong 10 tháng đầu năm nay.
Đối với số du khách quốc tế đến Việt Nam với mục đích tiến hành các công việc tìm kiếm thị trường, tìm cơ hội đầu tư kinh doanh, tham gia hội nghị, hội thảo, học tập ngắn ngày kết hợp du lịch trong 10 tháng đầu năm nay vẫn tiếp tục tăng cao với độ 41,4% so với cùng kỳ năm 2007 và là tốc độ tăng cao nhất từ năm 2004 đến nay (10 tháng năm 2004 tốc độ tăng này là 14,2%, năm 2005 giảm 6,4%, năm 2006 tăng 17,5% và 10 tháng năm 2007 chỉ tăng 11,9% so với cùng kỳ). Tuy nhiên, số du khách đến với mục đích chính là công việc này cũng đã không thể tránh khỏi sự tác động nhất định của cuộc khoảng hoảng tài chính mang tính toàn cầu và cũng đã có xu hướng giảm tốc độ từ giữa năm, nhất là trong những tháng gần đây, cụ thể số khách đến với mục đích chính là công việc đã từ mức bình quân đạt gần 79 ngàn lượt người/tháng trong 4 tháng đầu năm, tăng 59,7% so với cùng kỳ năm 2007; nhưng từ tháng 5 đến tháng 8 đã xuống chỉ còn hơn 72 ngàn lượt người/tháng, giảm 8,2% so với 4 tháng đầu năm và chỉ còn tăng 39,3% so với cùng kỳ; đến tháng 9 và tháng 10 chỉ còn gần 69 ngàn lượt người/tháng, giảm 5,3% so với 4 tháng trước và chỉ còn tăng 18,3% so với cùng kỳ. Mặc dù đã có xu hướng giảm tốc trong những tháng gần đây, nhưng nhìn chung số khách quốc tế đến Việt Nam với mục đích chính là công việc năm nay vẫn tăng trưởng với tốc độ rất cao so với nhiều năm trước. Sở dĩ có kết quả nàylà do thị trường nước ta đến nay vẫn được các đầu tư nước ngoài đánh giá là thị trường có nhiều tiềm năng và hấp dẫn. Và trên thực tế thì số dự án và vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký vào nước ta trong 10 tháng đầu năm nay đã tăng lên rất cao, số vốn đăng ký đã đạt tới 58,3 tỷ USD, tăng gần 3 lần so với con số 20,3 tỷ USD của cả năm 2007 và là mức cao kỷ lục nhiều năm trước đó.
Du khách đến chia theo phương tiện biến động mạnh theo xu hướng khác nhau
Nếu như số du khách quốc tế đến bằng phương tiên hàng không trong các năm trước đây luôn tăng trưởng ở mức rất cao, thường từ trên 20% trở lên, còn số khách đến bằng đường bộ một số năm gần đây giảm khá mạnh thì năm nay xu hướng này hoàn toàn đảo ngược. Cụ thể số khách quốc tế đến bằng đường hàng không 10 tháng năm nay đạt gần 2,8 triệu lượt người, chỉ tăng 2% so với cùng kỳ năm 2007, là tốc độ tăng trưởng thấp nhất từ năm 2004 đến nay (tốc độ tăng này của 10 tháng năm 2004 là 35,5%, năm 2005 tăng 29,4%, năm 2006 tăng 15,1% và năm 2007 tăng 25,9%). Trong khi đó du khách quốc tế đến bằng đường bộ 10 tháng đạt hơn 734 ngàn lượt người, tăng 25,5% so với cùng kỳ năm 2007, lại là một tốc độ tăng cao nhất từ năm 2004 đến nay (tốc độ tăng này trong 10 tháng năm 2004 là 22%, năm 2005 là 15,4%, năm 2006 giảm 26,5% và 10 tháng năm 2007 là 0%).
Còn số du khách quốc tế đến bằng đường biển nhiều năm nay không ổn định và đến nay cũng đang có xu hướng giảm mạnh, 10 tháng đầu năm nay đạt gần 129 ngàn lượt người, giảm 32,8% so với cùng kỳ năm 2007, cũng là tốc độ giảm nhiều nhất từ năm 2004 đến nay (10 tháng đầu năm 2004 tăng 16,9%, năm 2005 giảm 24,7%, năm 2006 lại tăng 22,6% và 10 tháng đầu năm 2007 lại giảm 5,5%).
Khách đến từ nhiều thị trường giảm và tăng thấp trong 10 tháng
Cho đến nay đã có 30 thị trường có số du khách đến Việt Nam tương đối lớn và ngày một tăng cao, tuy nhiên trong 10 tháng đầu năm nay nhiều thị trường đang giảm hoặc chỉ tăng rất thấp, số thị trường vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng cao và tương đối cao không nhiều, cụ thể:
- Đã có 13 trên tổng số 30 thi trường, chiếm 43,3% số du khách đến trong 10 tháng năm nay giảm so với cùng kỳ năm 2007. Đó là du khách đến từ Nhật Bản giảm 2,5% với hơn 333 ngàn lượt người; du khách đến từ Hàn Quốc 392 ngàn, giảm 0,4%; Campuchia 110 ngàn, giảm 12,7%; Pháp gần 149 ngàn, giảm 2,9%; Canada gần 73 ngàn, giảm 0,6%; Hà Lan gần 30 ngàn, giảm 2,6%; Tây Ban Nha 21 ngàn, giảm 9,4%; Italia gần 17 ngàn, giảm 8,5%; Thụy Sỹ 16 ngàn, giảm 7,4%; Đan Mạch hơn 17 ngàn, giảm 2,5%; Bỉ gần 14 ngàn, giảm 12,6%.
- Có 5/30 thị trường, chiếm 16,7% du khách đến trong 10 tháng năm nay tuy vẫn tăng so với cùng kỳ, nhưng tốc độ rất thấp, chỉ dưới 5%. Đó là thị trường Anh có hơn 88 ngàn lượt khách, chỉ tăng 0,1%; Đức hơn 81 ngàn, tăng 2,2%; Mỹ hơn 357 ngàn, tăng 4,6%; Đài Loan gần 267 ngàn, chỉ tăng 1%; Hồng Kông hơn 5 ngàn, tăng 4%.
- Có 4/30 thị trường, chiếm 13,3% số khách đến trong 10 tháng tăng từ 5% đến dưới 10% so với cùng kỳ. Đó là Nga đạt hơn 39 ngàn lượt khách, tăng 9,6%; Úc 199 ngàn lượt, tăng 7,5%; Niudilân gần 18 ngàn, tăng 7,2% và Lào hơn 28 ngàn, tăng 5,8%.
- Có 8/30 thị trường, chiếm 26,7% vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng cao và khá cao từ trên 10% trở lên so với cùng kỳ năm 2007, các thị trường này chủ yếu tập trung trong khu vực và một số nước từ Châu Âu. Dẫn đầu thị trường có số khách đến tăng cao nhất là Philippines đạt gần 127 ngàn lượt người, tăng 46,1%; thứ hai là Phần Lan, một thị trường thuộc Châu Âu tăng 39,7% với số du khách khiêm tốn gần 7 ngàn; tiếp đến là Na Uy tăng 34% với số du khách gần 13 ngàn người; Thụy Điển hơn 23 ngàn, tăng 28,4%; Singapore gần 127 ngàn, tăng 19,3%; Malaisia gần 142 ngàn, tăng 16,5%; Trung Quốc là thị trường đông khách nhất, đạt gần 539 ngàn, tăng 14,7% và Indonesia hơn 21,3 ngàn, tăng 11,4%
Xu hướng 2 tháng cuối năm và dự báo cả năm 2008
Theo qui luật thời vụ về du khách quốc tế Việt Nam nhiều năm qua cho thấy, số du khách đến trong 2 tháng cuối năm thường tăng cao hơn tháng 10, trong đó tháng 11 tăng hơn khoảng 3% và tháng 12 cao hơn khoảng 6%. Dựa vào qui luật thời vụ này và tình hình thực tế của năm nay có thể dự báo tổng số du khách quốc tế đến Việt Nam năm 2008 có khả năng chỉ đạt từ 4,25 – 4,3 triệu lượt khách và chỉ tăng từ 0,7 – 1,7% so với cùng kỳ năm 2007.
TS. LÝ MINH KHẢI