Thực trạng số lượng, cơ cấu của các cơ sở kinh doanh lưu trú tại Việt Nam
Ngành kinh doanh khách sạn và lưu trú ở Việt Nam chỉ bắt đầu phát triển mạnh từ đầu thập kỷ 90 khi Việt Nam mở cửa, mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế đa phương và bước vào nền kinh tế thị trường. Nếu như 20 năm trước, Việt Nam mới chỉ có vài trăm cơ sở kinh doanh lưu trú du lịch (CSLTDL) với khoảng 20 nghìn phòng, chủ yếu phục vụ nhu cầu nghỉ dưỡng hàng năm của công đoàn các ngành, một số ít chuyên gia nước ngoài và khách du lịch quốc tế, thì cùng với sự phát triển kinh tế mạnh mẽ và hội nhập sâu của ngành Du lịch, tổng số cơ sở lưu trú được xếp hạng và số lượng phòng tính đến tháng 3/2008 đã lên tới 4.712 khách sạn với 94.974 phòng đạt tiêu chuẩn.
Đáng chú ý là nhiều dự án kinh doanh khách sạn cao cấp thuộc các thương hiệu lớn như Hilton, Accor (Sofitel), Intercontinental, Sol Melia, Hyatt, Sheraton... đã triển khai tại Việt Nam theo hình thức đầu tư trực tiếp, liên doanh hoặc nhượng quyền thương hiệu, hợp đồng quản lý tại các điểm du lịch nổi tiếng của Việt Nam. Tại các tỉnh, thành phố lớn như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Vũng Tàu, Nha Trang, Hội An... đã có hàng chục khách sạn đạt tiêu chuẩn 5 sao hoạt động kinh doanh tốt.
Ngoài ra, các loại hình lưu trú khác như khách sạn nghỉ dưỡng, biệt thự cho thuê, căn hộ du lịch, nhà nghỉ, bungalow, resort, phòng trọ cũng phát triển mạnh mẽ tại các điểm du lịch trọng điểm.
Hiện nay, ở Việt Nam có khoảng 67 làng du lịch (Làng Du lịch tự phong - Kết quả điều tra của Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch) với 4.656 buồng, chiếm 0,79% tổng số CSLTDL và 2,73% tổng số phòng trong cả nước, tập trung chủ yếu tại các địa phương, địa điểm có tài nguyên du lịch hấp dẫn về mặt sinh thái, môi trường.
Biệt thự du lịch: Theo thống kê chưa đầy đủ, cả nước có khoảng 64 biệt thự du lịch với 1.080 buồng, chiếm 0,75% tổng số CSLTDL và 0,63% tổng số phòng trong cả nước, tập trung tại một số địa phương như Bà Rịa - Vũng Tàu, Lâm Đồng và Hải Phòng.
Căn hộ du lịch: có 59 căn hộ du lịch với 566 phòng, chiếm 0,69% tổng số CSLTDL và 0,33% tổng số phòng trong cả nước. Quy mô của căn hộ du lịch rất đa dạng từ vài phòng đến hàng trăm phòng. Các căn hộ du lịch trước đây chỉ cho thuê dài hạn nhưng hiện nay do nhu cầu lưu trú của khách tăng cao nên các loại CSLTDL này phục vụ cả đối tượng khách lưu trú ngắn ngày gồm khách du lịch, khách thương gia và người nước ngoài có nhu cầu lưu trú dài hạn tại Việt Nam.
Nhà nghỉ du lịch: có 3.350 CSLTDL với 56.345 phòng, chiếm 39,41% tổng số CSLTDL và 33,05% tổng số phòng trong cả nước. Xét về số lượng, nhà nghỉ là loại CSLTDL có số lượng lớn thứ hai sau khách sạn nhưng hầu hết đều có quy mô nhỏ, phân bố rải rác ở khắp các địa phương trong cả nước, chất lượng yếu, không có khả năng hoặc khả năng rất yếu để phục vụ khách du lịch.
Bãi cắm trại du lịch: có 48 CSLTDL được xem là bãi cắm trại với 567 phòng lưu trú xen kẽ trong bãi cắm trại, chiếm 0,56% tổng số CSLTDL và 0,33% tổng số phòng. Bãi cắm trại là loại CSLTDL còn mới, khách có khả năng chi trả không cao, do đó chất lượng bãi cắm trại vẫn còn hạn chế và chưa phổ biến ở Việt Nam.
Cơ sở lưu trú du lịch khác: có 642 CSLTDL với 9.456 phòng, chiếm 7,44% tổng số CSLTDL và 5,55% số phòng trong cả nước.
Thực trạng cơ sở vật chất kỹ thuật và năng lực quản lý của các khách sạn Việt Nam
Số cơ sở kinh doanh lưu trú (CSKDLT) có quy mô dưới 50 phòng chiếm tới 93% phản ánh phần nào chất lượng và năng lực cạnh tranh thấp của doanh nghiệp kinh doanh lưu trú (KDLT) của Việt Nam. Hầu hết các khách sạn dưới 50 phòng là các khách sạn đạt tiêu chuẩn xếp hạng 1 - 2 sao, cơ sở vật chất kỹ thuật chưa đáp ứng được nhu cầu đa dạng đi du lịch của khách, hệ thống sản phẩm mới chỉ cung cấp các sản phẩm dịch vụ cơ bản liên quan đến chuyến đi của khách. Các cơ sở này tập trung chủ yếu vào thị trường khách du lịch nội địa với khả năng thanh toán thấp và dễ tính. Đội ngũ nhân viên và cán bộ quản lý của các cơ sở kinh doanh này hầu hết chưa được đào tạo bài bản chuyên nghiệp; trang thiết bị, kỹ năng phục vụ và khả năng giao tiếp ngoại ngữ của nhân viên còn yếu và thiếu, đặc biệt là các khách sạn tại các vùng, miền không phải là các trọng điểm du lịch. Có thể nói, việc đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật và đào tạo nhân lực của các khách sạn quy mô nhỏ nhà nghỉ du lịch nội địa chưa được chú trọng. Các khách sạn này thường gặp khó khăn trong việc phục vụ các đoàn khách lớn, trong quảng bá, xúc tiến, thu hút khách, trong đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực và thực hiện các chương trình hành động của Ngành. Các khách sạn có quy mô nhỏ chưa chú ý đến công tác xúc tiến quảng bá tiếp thị, ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động bán toàn cầu (các mạng phân phối và đặt chỗ toàn cầu – GDS) nên khả năng thu hút khách du lịch quốc tế còn hạn chế.
Các CSKDLT thứ hạng cao (4 - 5 sao) do các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư đều có cơ sở vật chất, trang thiết bị tiện nghi hiện đại, dịch vụ phong phú hơn. Đặc biệt, các khách sạn 4 - 5 sao thường do các nhà quản lý nước ngoài quản lý nên tính chuyên nghiệp cao, chú trọng đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực về chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng nghề, ngoại ngữ và giao tiếp nên đạt được chuẩn mực quốc tế. Các cơ sở kinh doanh này thường được các tập đoàn khách sạn lớn quản lý nên phong cách phục vụ, chiến lược kinh doanh và công tác quảng bá marketing đạt trình độ quốc tế. Nhìn chung, công tác huấn luyện đào tạo nhân viên, nâng cao chất lượng dịch vụ còn hạn chế. Đặc biệt, ngày càng có nhiều dự án đầu tư khách sạn và cơ sở kinh doanh lưu trú vào Việt Nam nên các cơ sở này đang gặp phải vấn đề trong thu hút lao động có kỹ năng cao vào làm việc.
Những CSLT quy mô nhỏ gặp nhiều hạn chế trong đầu tư đổi mới trang thiết bị, áp dụng công nghệ quản lý hiện đại, nghiên cứu thị trường và quảng bá sản phẩm. Bên cạnh đó, thị trường vốn ở nước ta chưa phát triển, lãi suất tiền cho vay cao và cơ chế để tiếp cận các nguồn tín dụng ngân hàng hạn chế đã khiến nhiều khách sạn gặp khó khăn khi muốn mở rộng quy mô xây dựng, nâng cấp tiện nghi, mở mang dịch vụ. Các doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn trong kinh doanh như: thiếu đất và mặt bằng để mở rộng quy mô phòng ngủ, phòng hội nghị và các dịch vụ hỗ trợ; khó tiếp cận các nguồn thông tin thị trường đáng tin cậy để phục vụ việc đề ra các chiến lược kinh doanh sát với tình hình thực tế; hạn chế về kinh nghiệm, kỹ năng quản lý và các mối quan hệ làm ăn trên thương trường. Chi phí đầu vào: điện, nước, viễn thông, thực phẩm còn cao và thiếu ổn định, ảnh hưởng không nhỏ đến lợi thế cạnh tranh. Nguồn nhân lực làm việc trong lĩnh vực quản lý và phục vụ ở các khách sạn còn yếu về nghiệp vụ, năng suất không cao; thiếu kỹ năng quản lý, ngoại ngữ và khả năng sử dụng cũng như kiến thức, hiểu biết về máy tính, internet, thương mại điện tử. Nhiều khách sạn cũng chưa thật chú trọng công tác tiếp thị, dẫn đến hiệu quả kinh doanh thấp.
Thực trạng về đội ngũ lao động trong khách sạn
Nhìn chung, chất lượng nguồn nhân lực trong ngành kinh doanh khách sạn, đặc biệt là lao động trực tiếp tại các khách sạn Việt Nam hiện nay đều chưa đáp ứng được nhu cầu và hoàn toàn chưa đạt chuẩn mực quốc tế. Theo nguồn điều tra về số lượng lao động trong ngành khách sạn gần đây nhất của Viện nghiên cứu Phát triển Du lịch (năm 2005) về cơ sở lưu trú du lịch, cả nước có 99.631 lao động làm việc trong cơ sở lưu trú du lịch, trong đó số lao động thường xuyên chiếm tỷ lệ 88,81% và cơ cấu trình độ như sau: lao động có trình độ trên đại học chiếm tỷ lệ 1,35%, trình độ đại học và cao đẳng chiếm tỷ lệ 17,89%, trình độ trung cấp 21,36%, trình độ sơ cấp 20,11%, lao động phổ thông chiếm tỷ lệ 39,28%.
Trong đó, lao động được đào tạo chính quy chuyên ngành du lịch làm việc trực tiếp trong các cơ sở lưu trú du lịch còn rất thấp, chỉ chiếm tỷ lệ 21,82% trong tổng số lao động đang làm việc trong các cơ sở lưu trú, cụ thể: trên đại học chiếm 0,12%, đại học và cao đẳng chiếm 3,60%, trung cấp là 8,31%, sơ cấp chiếm tỷ lệ 9,79%.
So với các nước có du lịch phát triển trong khu vực, lao động trong CSLTDL ở Việt Nam yếu về trình độ chuyên môn, giao tiếp và ngoại ngữ (nhất là các CSLTDL quy mô nhỏ, chất lượng thấp, ở vùng sâu, vùng xa). Hiện nay, một số dự án đào tạo và phát triển nguồn nhân lực như Dự án EU, Dự án Luxembour đang tập trung đào tạo đội ngũ giảng viên (train of trainers) và nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật cho các trường nghề du lịch nhằm chuẩn hóa năng lực nghề nghiệp cho học viên các dự án này, đang bước đầu cung cấp đội ngũ lao động có năng lực nghề nghiệp cho ngành kinh doanh khách sạn. Tuy nhiên, do tốc độ phát triển nhanh của các cơ sở kinh doanh lưu trú, một bộ phận xã hội vẫn còn định kiến với lao động nghề trong khách sạn đã ảnh hưởng đến việc thu hút các lao động giỏi và tâm huyết gắn bó với nghề lâu dài. Trong khi các khách sạn quy mô lớn (3 - 4 sao) tại các thành phố lớn, các trung tâm du lịch tập trung nâng cao chất lượng lao động cho đội ngũ lao động của mình như là một yếu tố cạnh tranh, thì tại các khách sạn hạng thấp hơn, do quy mô hạn chế, lượng khách không nhiều, chưa được chủ đầu tư chú trọng nên việc tuyển dụng và đào tạo lao động gặp nhiều khó khăn, tay nghề yếu. Đối với loại hình cơ sở lưu trú du lịch khác (ngoài khách sạn), nguồn nhân lực đang là vấn đề thách thức. Cụ thể, đối với nhà nghỉ du lịch, nhà dân có phòng cho khách du lịch thuê, biệt thự du lịch, bãi cắm trại du lịch... đang rất cần thu hút nhiều lao động được đào tạo chuyên ngành để ngành Du lịch thực hiện đồng bộ hóa về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.
Ths. HÀ THANH HẢI
Phó Tổng Giám đốc
Khách sạn Sofitel Metropole Hà Nội
(Còn nữa)