Ngày 8/01/2009, tại Hà Nội đã diễn ra Phiên họp lần thứ 12 Bộ trưởng Du lịch ASEAN (12th M-ATM) trong khuôn khổ Diễn đàn Du lịch ASEAN 2009 (ATF 2009). Phiên họp do Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Việt Nam Trần Chiến Thắng và Bộ trưởng Bộ Công nghiệp và Tài nguyên, Brunei Darussalam Pehin Dato Yahya đồng chủ trì.
|
Lễ ký Bản ghi nhớ về thị trường du lịch ASEAN Ảnh: Nguyễn Vũ |
Tại phiên họp, các Bộ trưởng đã đánh giá lại tình hình hoạt động du lịch trong khối ASEAN năm 2008. Mặc dù gặp nhiều thách thức do khủng hoảng tài chính toàn cầu và tình hình chính trị tại một số nước thành viên ASEAN nhưng tổng số khách du lịch quốc tế của khu vực năm 2008 vẫn tăng trưởng đáng khích lệ với hơn 58 triệu lượt, cao hơn 7% so với năm trước.
Từ tình hình hoạt động thực tế của năm 2008 và lường trước cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu năm 2009, các Bộ trưởng đã nhất trí tập trung khai thác thị trường du lịch nội khối ASEAN. Các Bộ trưởng giao các quan chức du lịch ASEAN hợp tác chặt chẽ với khu vực tư nhân để xây dựng chương trình chi tiết và thực tiễn nhằm thiết kế các tour du lịch trọn gói với giá thành cạnh tranh cho khách du lịch trong ASEAN và các thị trường nguồn của ASEAN. Các Bộ trưởng cũng nhất trí du lịch thanh niên tiếp tục là thị phần quan trọng cần hướng tới trong năm 2009 và 2010.
Cũng tại Phiên họp, các Bộ trưởng hài lòng với tiến độ triển khai Lộ trình Hội nhập lĩnh vực du lịch (RITS) giai đoạn 2004 - 2010 với hơn 90% các hạng mục trong lĩnh vực du lịch đã được hoàn thành. Các Bộ trưởng tái khẳng định cam kết thúc đẩy tiến độ hội nhập và thông qua sáng kiến của Người đứng đầu cơ quan Du lịch quốc gia ASEAN về việc xây dựng Kế hoạch Chiến lược Du lịch ASEAN giai đoạn 2011 - 2015. Đây được coi là hành động tương ứng của Lộ trình Hội nhập lĩnh vực du lịch nhằm tăng cường hội nhập hơn nữa lĩnh vực du lịch hướng tới mục tiêu thành lập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) vào năm 2015; khuyến khích hội nhập và xúc tiến du lịch chung, tạo điều kiện đi lại thuận lợi và kết nối trong khuôn khổ ASEAN. Do Thái Lan sẽ là nước chủ nhà của Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 13 tổ chức vào tháng 2/2009, các Bộ trưởng đề nghị Bộ trưởng Bộ Du lịch và Thể thao Thái Lan đệ trình những cam kết này lên các nhà Lãnh đạo ASEAN. Các Bộ trưởng yêu cầu các quan chức cao cấp báo cáo tiến độ của hoạt động này tại M-ATM lần thứ 13.
Nhằm tăng cường hơn nữa năng lực cạnh tranh và hội nhập lĩnh vực du lịch ASEAN, các Bộ trưởng cảm ơn Chính phủ Mỹ về hỗ trợ kỹ thuật cho du lịch thông qua Dự án Tăng cường năng lực cạnh tranh ASEAN (ACE) và hoan nghênh việc ký kết Bản Ghi nhớ giữa ACE và ASEANTA. Việc ký kết giữa các bên thể hiện mong muốn hợp tác nhằm xây dựng chiến lược marketing hiệu quả hơn. Các Bộ trưởng cũng đề nghị các nhóm công tác du lịch liên quan hướng dẫn và hỗ trợ cần thiết cho ACE nhằm đảm bảo dự án triển khai thành công.
Các Bộ trưởng hoan nghênh sự hợp tác chặt chẽ giữa Cơ quan Du lịch quốc gia ASEAN (NTOs) và Phiên họp Quan chức cao cấp giao thông vận tải (STOM) về việc tạo điều kiện thuận lợi cho du lịch đường bộ và đường biển trong khu vực. Các Bộ trưởng ghi nhận sự phối hợp chặt chẽ trong liên kết đường bộ thông qua các sáng kiến như tạo điều kiện đi lại đường bộ qua biên giới cho xe buýt du lịch, xây dựng biển báo giao thông du lịch chung ASEAN. Các Bộ trưởng cũng ghi nhận tham vấn thường xuyên giữa các quan chức của hai nhóm công tác du lịch tàu biển và giao thông đường biển cũng như việc tham gia của Hiệp hội tàu biển châu Á trong quá trình phát triển ngành tàu biển tại ASEAN.
Các Bộ trưởng cũng hoan nghênh việc ký kết Hiệp định đa phương ASEAN về Dịch vụ Hàng không. Hiệp định này sẽ tạo môi trường cạnh tranh để mở rộng và tạo điều kiện cho giao thông đường không trong khu vực ASEAN khai thác nhiều điểm đến, nâng cao tần suất và hạ giá thành. Để tập trung khai thác du lịch nội khối ASEAN trong năm 2009 và 2010, các Bộ trưởng đề nghị các Bộ trưởng Giao thông vận tải nhanh chóng triển khai Hiệp định này và các nghị định thư liên quan.
Thảo luận về vấn đề đào tạo nguồn nhân lực du lịch, Các Bộ trưởng nhất trí thông qua Thỏa thuận Thừa nhận lẫn nhau về nghề du lịch (MRA). Thoả thuận này sẽ nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch và tạo điều kiện dịch chuyển lao động du lịch lành nghề trong khu vực. Các Bộ trưởng giao nhiệm vụ cho Cơ quan Du lịch quốc gia ASEAN chuẩn bị và xây dựng các yêu cầu tiếp theo của MRA gồm nâng cao năng lực cho các thành viên của các tổ chức liên quan trong khuôn khổ MRA ở cấp độ khu vực và quốc gia. Các Bộ trưởng nhất trí xây dựng nguồn thông tin và tài liệu tham khảo để hỗ trợ việc đánh giá và đào tạo tại cơ sở làm việc và cơ sở đào tạo.
Các Bộ trưởng ghi nhận thành công của khóa đào tạo Di sản Du lịch diễn ra từ ngày 14 - 16/10/2008 tại Yogyakarta, Indonesia cũng như khoá đào tạo về Du lịch tại Nhà dân diễn ra tại Kampung Seri Tanjung, Melaka, Malaysia từ ngày 2 - 6/11/2008.
Thành lập Hiệp hội Hướng dẫn viên ASEAN (SEATGA) cũng được hoan nghênh bởi các Bộ trưởng cho rằng việc thành lập Hiệp hội này sẽ nâng cao hơn nữa năng lực, khả năng cũng như xúc tiến và bảo vệ quyền lợi của hướng dẫn viên trong khu vực.
Các Bộ trưởng đánh giá cao Thái Lan, với tư cách là Chủ tịch ASEAN, về việc tổ chức Chương trình Đại sứ thanh niên Du lịch ASEAN từ ngày 15 - 24/01/2009, Cuộc thi Gia đình ASEAN diễn ra từ ngày 01 - 3/3/2009 và ngày 8 - 10/3/2009, giải bóng đá Thanh niên ASEAN diễn ra vào tháng 6/2009. Các Bộ trưởng cũng hy vọng Hội nghị Thượng đỉnh sinh viên du lịch ASEAN + 3 sẽ được diễn ra tại Bali, Indonesia vào tháng 6/2009.
Các Bộ trưởng vui mừng thông báo, năm 2009 - 2010 được gọi là Năm Du lịch thanh niên đối với các nước ASEAN. Tiếp tục phát huy những hoạt động liên quan đến thanh niên trong thời gian qua, Cơ quan Du lịch quốc gia ASEAN NTOs sẽ hợp tác chặt chẽ với Hiệp hội Du lịch ASEAN (ASEANTA) và Dự án ACE để xây dựng chiến dịch Thanh niên chi tiết trong khuôn khổ Chiến dịch Du lịch ASEAN. Các Bộ trưởng giao Nhóm công tác Marketing xây dựng đề xuất để các Bộ trưởng xem xét trước Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 14.
Về vấn đề xúc tiến du lịch chung ASEAN, các Bộ trưởng hài lòng ghi nhận tiến độ của chương trình xúc tiến du lịch chung ASEAN, đặc biệt là các hoạt động do Chi hội xúc tiến du lịch ASEAN (APCT) tại Sydney, Seoul và Thượng Hải năm 2008 triển khai thông qua sản xuất ấn phẩm quảng bá và tham gia các sự kiện du lịch quốc tế tại các thị trường nguồn.
Các Bộ trưởng đánh giá cao Hàn Quốc về việc thành lập Trung tâm ASEAN – Hàn Quốc tại Seoul để tăng cường hơn nữa hợp tác du lịch giữa các nước thành viên ASEAN và Hàn Quốc. Các Bộ trưởng cũng cảm ơn Trung tâm ASEAN - Nhật Bản về những hỗ trợ trong việc xúc tiến du lịch ASEAN, đặc biệt là xúc tiến các hoạt động trong Chiến dịch Du lịch ASEAN tại Nhật Bản, chương trình đào tạo cho doanh nghiệp lữ hành ASEAN được thực hiện năm 2008 và việc sản xuất các ấn phẩm quảng bá.
Các Bộ trưởng hoanh nghênh kết quả Hội thảo ASEAN - Ấn Độ về phát triển du lịch hành hương đạo Phật tổ chức ngày 24 - 28/8/2008 tại Yangon, Bagan và Mandalay, Myanmar và cảm ơn Chính phủ Ấn Độ về hỗ trợ kỹ thuật cho thành công của sự kiện.
Các Bộ trưởng hoan nghênh việc tổ chức thành công Diễn đàn Đầu tư du lịch ASEAN lần thứ 3 (ATIF) diễn ra tại Manila từ ngày 6 - 9/7/2008 và nhất trí với những kiến nghị của Cơ quan Du lịch quốc gia ASEAN về sự cần thiết tiếp tục tổ chức sự kiện này vào năm 2010 nhằm thúc đẩy việc thành lập Hành lang Đầu tư du lịch ASEAN.
Thảo luận về chất lượng dịch vụ, các Bộ trưởng đánh giá cao nỗ lực của Cơ quan Du lịch quốc gia NTOs trong việc nâng cao tiêu chuẩn chất lượng du lịch và trao giải cho các đơn vị du lịch đáp ứng được các tiêu chí và yêu cầu của Tiêu chuẩn Du lịch ASEAN.
Các Bộ trưởng hài lòng với kết quả của hội thảo huấn luyện Đào tạo viên về Thông tin khủng hoảng diễn ra từ ngày 18-19/6/2008 tại Bangkok và kiến nghị các nước thành viên ASEAN tiến hành các khoá đào tạo tương tự ở trong nước nhằm nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của trao đổi thông tin trong ASEAN và vai trò của Nhóm công tác về thông tin du lịch (ACCT) trong việc cung cấp thông tin khi diễn ra khủng hoảng tại khu vực.
Danh sách các Bộ trưởng
tham dự Phiên họp lần thứ 12 Bộ trưởng Du lịch ASEAN
1. Ngài Pehin Dato Yahya, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp và Tài nguyên, Brunei Darussalam; 2. Ngài Thong Khon, Bộ trưởng Bộ Du lịch, Cambodia; 3. Ngài Jero Wacik, Bộ trưởng Bộ Văn hoá và Du lịch, Indonesia; 4. Ngài Somphong Mongkhonvilay, Bộ trưởng, Chủ tịch Cơ quan Du lịch quốc gia Lào, Lao PDR; 5. Ngài Dato’ Sri Azalina Dato’ Othman Said, Bộ trưởng Bộ Du lịch, Malaysia; 6. Ngài Brig. Gen. Aye Myint Kyu, Thứ trưởng Bộ Khách sạn và Du lịch, Myanmar; 7. Ngài Oscar P. Palabyab, Thứ trưởng Bộ Du lịch, Philippines; 8. Ngài S. Iswaran, Bộ trưởng cao cấp Bộ Công thương, Singapore; 9. Ngài Chumpol Silapa-archa, Bộ trưởng Bộ Du lịch và Thể thao, Thái Lan; 10. Ngài Trần Chiến Thắng, Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Việt Nam; và 11. Ngài Surin Pitsuwan, Tổng thư ký ASEAN.
|
PV