|
Những chiếc cối đá trong đình Lâm Động - Hải Phòng |
Đó là nhạc sĩ Đàm Hường, giáo viên dạy tiếng Đức tại Trung tâm ngoại ngữ Hải Phòng. Qua nhiều lần tiếp xúc với khách du lịch nước ngoài, ông hiểu thực ra người nước ngoài thích sự giản dị, mộc mạc và đi sâu tìm hiểu văn hoá, bản sắc địa phương qua những sinh hoạt đời thường. Do vậy, ông đã sưu tầm những chiếc cối đá đủ các kích cỡ. Lúc đầu, ông để tại nhà mình. Người bạn Đức đến chơi đã thật sự ngạc nhiên, thích thú vần thử chiếc cối đá nặng đến “toát mồ hôi”. Anh ta càng thích thú hơn khi biết rằng những khối đá vô tri kia gắn bó rất mật thiết với đời sống hàng ngày của người nông dân Việt Nam. Cối lành thì để giã cốm, giã cáy giã cua, thậm chí là hạt tiêu, hạt đỗ. Cối lớn mà thủng thì để đập lúa. Những cái néo nhấc lên, quật xuống nhịp nhàng gợi nhớ cảnh người nông dân thu hoạch mùa màng thời chưa có máy tuốt lúa. Rồi cối để nén cà pháo, muối dưa chua, kê đồ, chống mối chống mọt… và chiếc cối đá rất hữu hiệu trong sinh hoạt người nông dân. Dưới góc nhìn của những nghệ sĩ tạo hình, cối đá lại là nguồn nguyên liệu quý hiếm để tạo ra những tác phẩm nghệ thuật.
Khi chúng tôi đến thăm đình Lâm Động, hơn 100 trục đá và trên 400 chiếc cối đá của ông Hường đã được tập kết tại đây. Còn ngôi đình đang tiếp tục được tu bổ với những hàng cột làm bằng đá kích thước lớn, những chiếc phản cũng bằng đá. Ông Đàm Hường cho biết chính những chiếc cột đá, phản đá ấy đã làm nên sự độc đáo của đình Lâm Động. Hơn thế, đình Lâm Động ở vị trí rất đẹp, hài hòa với cảnh quan. Để bổ sung vào nét đẹp của công trình, sắp tới nhóm các nhà điêu khắc thành phố cùng ông sắp đặt kiến tạo một “Tháp đời” từ những chiếc cối đá đang có. Ông hy vọng đây sẽ là tác phẩm nghệ thuật thú hút sự chú ý của khách du lịch khi dừng chân tại đình Lâm Động.
ANH THƠ