Ở Việt Nam, trà là cách nói của người miền Nam, còn miền Bắc gọi là chè. Khách đến nhà, việc đầu tiên của một chủ nhà hiếu khách là pha một ấm chè. Bây giờ, đời sống đã khấm khá, nên có hàng chục loại chè khác nhau, tuỳ theo ý thích của mỗi người. Người thích hương thơm thì uống chè sen, chè nhài, chè hoa ngâu, hoa sói, người thích chè mộc (nghĩa là không ướp một thứ hoa nào) thì uống chè móc câu, mà nổi tiếng nhất là chè của Thái Nguyên hoặc Phú Thọ. Đó là chưa kể chè tươi, chè vối hoặc nụ vối, rất phổ biến không chỉ ở nông thôn mà cả ở thành phố. Lại có chè mướp đắng (miền Nam gọi là trà khổ qua), mới uống thì đắng ngắt nhưng sau đó lại thấy ngòn ngọt ở cổ họng. Rồi cách uống cũng hết sức đa dạng: uống nóng, uống nguội, hoặc bỏ ít cục đá vào cốc để làm “trà đá”! Ngày nay, lại có thêm chè dây, chè đắng, chè hoa tam thất, chè gừng, và loại chè có thân cây như cổ thụ là chè san, hoặc tuyết san ở miền núi phía Bắc. Lại còn loại “trà trảm mã” được đồn đại có ở bên Trung Quốc: cho một con ngựa nhịn đói, rồi cho ra nương để ăn no lá chè. Sau đó, giết con ngựa (trảm nghĩa là chém đầu) để lấy những lá chè đã được ủ trong dạ dày con ngựa đó đem sao sấy! Có chăng thì cũng là chuyện các vua chúa phong kiến ngày xưa, muốn chứng tỏ quyền uy và xa hoa một cách... kệch cỡm.
Thời buổi công nghiệp, người ta còn sản xuất chè bột đựng trong túi. Thanh niên Việt Nam bây giờ quá quen thuộc với các loại “chè giật” với đủ loại nhãn hiệu như Lipton, Dilmah...
Những năm đi công tác và du lịch ở nước ngoài, tôi gặp (và uống thử) nhiều loại chè khác với ta.
Ở Ấn Độ, hơn 01 tỷ dân chỉ uống chè đen. Chè được đun sôi, có pha đường và sữa tươi (sữa trâu Murah chứ không có sữa bò, vì hơn 80% dân Ấn Độ theo đạo Hindu, coi bò là vật thiêng, và sữa bò chỉ được dùng để tắm cho các tượng thần). Trong chén chè, có thêm một lát gừng tươi thơm phức. Cái chén uống chè của người Ấn Độ to gần bằng... cái bát ăn cơm ở ta, và dù trời nóng như vậy, nhưng chén chè pha sữa đó bao giờ cũng được uống nóng, nghi ngút khói. Người Ấn Độ rất hiếu khách, luôn chăm chút cho khách. Nếu như bạn đến liên hệ một cơ quan, vào ngồi ở phòng (hoặc cục, vụ...) thứ nhất, được mời một chén chè sữa, đến khi sang làm việc ở phòng thứ hai, các bạn Ấn lại bưng lên mời bạn một chén chè sữa tương tự. Nước bạn có những loại chè nổi tiếng trên thế giới như thương hiệu Dajerling ở bang Tây Bengal, xuất khẩu sang nhiều nước.
Các nước A Rập ở vùng Trung Đông thì uống cà phê nhiều hơn. Người A Rập tự hào là cà phê có xuất xứ ở đây, nên mới có chủng loại nổi tiếng là Arabica (có gốc là từ Arab chăng?). Tuy nhiên, các nước này cũng uống chè, nhưng là chè đen, có một chút đường. Ở Syria, ly chè nóng còn được cho thêm một cánh lá húng (ở ta gọi là lá dổi). Các quán bán nước chè cũng bày ra ở vỉa hè, nhưng có ghế cao như chiếc ghế đẩu, chứ không có loại ghế con như ở ta. Các cụ già ra gọi một cốc nước chè và ngồi trầm ngâm với một mồi shisan (giống như chiếc điếu ống ở các nhà giàu hồi xưa), nạp một mồi thuốc có một hòn than đỏ kèm... Khi qua Algeria và Morocco, trong những bữa chiêu đãi, người phục vụ cho hẳn một nắm to lá húng vào bình, rồi lấy một ấm chè đen đun sôi rót vào bình đó, sau mới rót ra mời khách. Ai muốn uống ngọt thì cho thêm một thìa đường, còn không thì cứ thế mà uống (nếu chưa quen, cảm thấy mùi hăng hắc, hơi khó uống).
Tết đến, chắc chắn nhà nào cũng đã chuẩn bị một ít chè ngon để đón khách, có nhà đã chuẩn bị tới năm, bảy loại chè khác nhau. Âu đó cũng là một phong tục tốt đẹp trong những ngày đón xuân về. Còn khi đi du lịch ra nước ngoài, xin hãy thử làm quen với cách uống của người nước sở tại, dù có thể chưa quen, để được thưởng thức và khám phá.
NGUYỄN LÊ BÁCH