Thực trạng nguồn nhân lực du lịch Quảng Bình
Trong những năm qua, Sở Du lịch Quảng Bình đã tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn cho đội ngũ cán bộ quản lý, nhân viên phục vụ các cơ sở lưu trú, nhà hàng, khu điểm du lịch, hướng dẫn viên du lịch; nâng cao nhận thức của cộng đồng địa phương và đã đạt được những kết quả khả quan. Hiện nay, toàn tỉnh có nhiều cơ sở đào tạo nguồn nhân lực du lịch, trong đó, Đại học Quảng Bình và Trường Trung cấp Du lịch Quảng Bình là hai cơ sở đào tạo phần lớn nguồn nhân lực cho ngành Du lịch của toàn tỉnh.
Tuy nhiên, với sự phát triển mạnh mẽ của ngành Du lịch, nguồn nhân lực hiện có đang đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết, nhất là việc đào tạo nhân lực du lịch chất lượng cao một cách đồng bộ và hiệu quả. Khả năng đáp ứng nguồn nhân lực địa phương chưa bảo đảm, các cơ sở đào tạo địa phương chưa thể cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao, buộc ngành Du lịch Quảng Bình cần liên kết với các cơ sở đào tạo chuyên nghiệp ở các thành phố lớn khác, nơi có nhiều năm kinh nghiệm đào tạo nguồn nhân lực cho ngành du lịch. Đội ngũ nhân lực du lịch Quảng Bình có chuyên môn, tay nghề cao còn thiếu; tỷ lệ lao động được đào tạo chuyên ngành Du lịch còn thấp.
Chất lượng đội ngũ lao động du lịch ở một số nơi trong tỉnh Quảng Bình còn thấp, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, ngoại ngữ chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của công việc. Các ngành, địa phương mới chỉ quan tâm đến đào tạo, nâng cao chất lượng lao động trực tiếp, trong khi đó việc đào tạo lao động gián tiếp còn bỏ ngỏ. Tình trạng “nhảy việc” của nhân viên lành nghề giữa các cơ sở du lịch trong tỉnh, giữa tỉnh ta và tỉnh bạn cũng gây khó khăn cho việc phát triển ổn định của doanh nghiệp...
Nguyên nhân là do những người có trình độ, được đào tạo bài bản sau khi tốt nghiệp đã ở lại làm việc tại các thành phố lớn hoặc những nơi có du lịch phát triển và môi trường công tác tốt hơn. Số lao động trở về làm việc tại quê hương thường có trình độ ở mức trung bình và khi được tuyển chọn để làm việc tại các doanh nghiệp du lịch lại phải mất công đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ từ đầu.
Bên cạnh đó, tâm lý tự ti của người lao động ít nhiều còn chịu sự phân biệt của xã hội đối với những người làm việc trong khách sạn là một nghề “ít lành mạnh” cũng là một rào cản; ngoài ra một số nhà hàng, khách sạn, doanh nghiệp du lịch đánh giá chưa đúng mức sự đóng góp của đội ngũ cán bộ quản lý, nhân viên phục vụ dẫn đến việc đào tạo chuyên môn nghiệp vụ, chế độ lương, thưởng và các quyền lợi khác của người lao động chưa được quan tâm đúng mức, khiến đội ngũ này làm việc với năng suất và chất lượng chưa cao, thiếu nhiệt huyết và thường không ổn định.
Một số giải pháp nhằm phát triển nguồn nhân lực du lịch Quảng Bình
Trong bối cảnh khách du lịch trong nước và quốc tế đến với Quảng Bình ngày càng đông, nghỉ dưỡng dài ngày, ngoài việc đầu tư phát triển hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật, phát triển các loại hình và sản phẩm du lịch đặc thù, chất lượng cao để thu hút khách thì việc đào tạo, phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch là nhân tố có ý nghĩa hàng đầu. Vì vậy, Quảng Bình cần tập trung làm tốt các biện pháp sau:
Một là, tăng cường các hoạt động tuyên truyền giáo dục để nâng cao nhận thức mỗi người dân về đặc điểm của ngành nghề du lịch, nhấn mạnh các ưu thế (có cơ hội giao tiếp rộng, tiếp cận được văn hóa của nhiều nước, công việc không đơn điệu...); chỉ rõ những khó khăn, thử thách của nghề nghiệp (làm việc vào các ngày, giờ nghỉ, cường độ làm việc...); đồng thời, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng và các ngành, các cấp về vai trò vị trí du lịch trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh để mọi người cùng hưởng ứng và tham gia có trách nhiệm vào các hoạt động du lịch tại địa phương.
Hai là, cơ quan quản lý nhà nước về du lịch cần tổ chức rà soát, khảo sát điều tra chất lượng nguồn nhân lực du lịch của tỉnh để làm cơ sở cho việc thống kê, xây dựng kế hoạch đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nhân lực du lịch dài hạn, theo lộ trình từng thời kỳ, giai đoạn phát triển của ngành, trong đó cần ưu tiên bồi dưỡng các kỹ năng về chuyên môn, văn hóa ứng xử và ngoại ngữ.
Mặt khác, cần chú trọng đổi mới hơn nữa nội dung giáo trình giảng dạy, phương thức đào tạo phù hợp với đối tượng và nhu cầu hiện tại; liên kết với các trường, mời giảng viên có uy tín chuyên ngành du lịch truyền đạt, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm trong hoạt động du lịch để các học viên dễ tiếp cận và tiếp thu tốt hơn.
Ba là, thường xuyên tổ chức các lớp bồi dưỡng nâng cao chuyên môn cho nguồn nhân lực du lịch; tăng cường đầu tư và huy động mọi nguồn lực tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn để nâng cao nhận thức về phát triển du lịch bền vững, du lịch có trách nhiệm, khả năng ngoại ngữ, trình độ chuyên môn và tính chuyên nghiệp của đội ngũ cán bộ quản lý Nhà nước, các cơ sở kinh doanh du lịch và cộng đồng dân cư; cử cán bộ, chuyên viên tham gia các khóa học về quản lý du lịch trong và ngoài nước; tổ chức thường xuyên các lớp bồi dưỡng kiến thức về quản lý và văn hóa kinh doanh du lịch cho tất cả đội ngũ lao động du lịch trên địa bàn...
Bốn là, tăng cường hợp tác quốc tế về đào tạo nguồn nhân lực du lịch nhằm góp phần từng bước chuyên nghiệp hóa nhân lực trong ngành du lịch, nâng cao chất lượng dịch vụ, xây dựng hình ảnh điểm đến Quảng Bình an toàn, thân thiện, mến khách.
Quảng Bình có nhiều lợi thế để phát triển du lịch, là điểm đến du lịch nổi tiếng không chỉ đối với du khách trong nước mà còn với cả khách nước ngoài. Ngành Du lịch Quảng Bình trong những năm qua đã có sự tăng trưởng đáng kể, nâng cao vai trò, vị thế của du lịch trong phát triển kinh tế - xã hội của toàn tỉnh. Để hướng tới sự phát triển du lịch nhanh và bền vững trong tương lai thì phát triển nguồn nhân lực chính là yếu tố quyết định.
Tài liệu tham khảo:
1. Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Bình (2016), Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động số 06-CTr/TU ngày 13/7/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển du lịch, giai đoạn 2016 – 2020, truy lục từ https://www.quangbinh.gov.vn/3cms/ke-hoach-thuc-hien-chuong-trinh-hanh-dong-so-06-ctr-tu-ngay-13-7-2016-cua-ban-thuong-vu-tinh-uy.htm.
2. Tinh ủy Quảng Bình (2011), Báo cáo tổng thể Quy hoạch phát triển du lịch tỉnh Quảng Bình đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2025, ngày 12/01/2011, truy lục từ https://www.quangbinh.gov.vn/3cms/quy-hoach-tong-the-phat-trien-du-lich-tinh-quang-binh-den-nam-2020-va-tam-nhin-den-nam-2025.htm.
ThS. Lê Đức Thọ