Du lịch văn hóa chợ nổi Cái Bè
Đến với vùng đồng bằng sông Cửu Long, một trong các sản phẩm du lịch chủ đạo là tham quan chợ nổi. Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, chợ nổi là nguồn tài nguyên quý giá, đặc sản du lịch của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Ngoài ra, du lịch chợ nổi cũng góp phần làm đa dạng hóa các loại hình du lịch cho vùng.
Chính những nét sinh hoạt độc đáo, chợ nổi Cái Bè là một trong những địa điểm du lịch Tiền Giang hấp dẫn được đông đảo du khách trong nước và quốc tế ghé thăm. Có thời điểm, lượng khách tham quan chợ nổi Cái Bè chiếm khoảng 80% trong tổng số khách du lịch đến huyện Cái Bè. Và đây cũng là điểm du lịch được các công ty lữ hành khai thác mạnh.
Thông thường, các công ty lữ hành sẽ bố trí những chiếc đò nhỏ đưa khách qua những dòng kênh, rạch nhỏ đến thăm nhà cổ Ba Đức, đi chợ nổi Cái Bè, tham quan cảnh họp chợ trên sông; theo các món hàng treo trên cây bẹo ở đầu ghe, du khách sẽ trải nghiệm mua bán với các thương lái, để tìm hiểu nét văn hóa mua bán trên sông rất đặc trưng của người dân Nam Bộ; rồi ghé lại các lò bún, bánh tráng, cốm ven sông để tìm hiểu làng nghề thủ công, truyền thống ở nông thôn.
Tuy nhiên hiện nay, các hoạt động tại chợ nổi Cái Bè đang bộc lộ nhiều bất cập: các hộ dân trên bờ và tại chợ nổi Cái Bè mua bán sinh hoạt trên sông có thói quen vứt rác gây ô nhiễm môi trường nước; sản phẩm mua bán trên chợ nổi, các dịch vụ khác giá cả đôi khi còn đắt hơn so với trên bờ; một vài thương lái chưa ứng xử thân thiện, văn minh với khách, vệ sinh an toàn thực phẩm chưa đảm bảo; công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông đường thủy, an toàn phòng chống cháy nổ và cứu nạn cứu hộ vẫn còn chưa tốt... làm ảnh hưởng đến chất lượng du lịch chợ nổi và công tác bảo tồn chợ nổi. Chính vì vậy, trong số 100 du khách nước ngoài được hỏi thì có đến 65% trả lời không chắc chắn quay lại chợ nổi; con số này ở khách nội địa là 35%.
Chợ nổi Cái Bè ngày nay đã không còn sung túc, ngày càng mất đi sự hấp dẫn vốn có của nó và dần bị mai một, khi không có nhiều ghe buôn bán tấp nập như trước. Điều này làm cho sức hút của chợ nổi đối với du khách cũng dần mất đi. Nếu không bảo tồn và phát huy được chợ nổi Cái Bè, Tiền Giang sẽ mất đi một sản phẩm du lịch đặc thù có tính cạnh tranh cao.
Một số giải pháp bảo tồn và phát triển chợ nổi Cái Bè
Thứ nhất, cần làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân địa phương, các hộ tiểu thương mua bán trên chợ nổi Cái Bè về việc bảo vệ môi trường trên sông và phát triển du lịch.
Thứ hai, thành lập Ban quản lý chợ nổi Cái Bè nhằm thường xuyên theo dõi, nhắc nhở các hộ tiểu thương và thực hiện tốt công tác đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, an toàn giao thông đường thủy nội địa, phòng chống cháy nổ và các biện pháp cứu nạn, cứu hộ khi cần thiết.
Thứ ba, tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng về du lịch và việc đảm bảo an ninh, an toàn giao thông đường thủy nội địa, an toàn phòng chống cháy nổ và cứu nạn cứu hộ cho các chủ phương tiện vận chuyển khách du lịch, tiểu thương và người dân địa phương, để họ có thể trở thành những hướng dẫn viên du lịch tại chỗ, theo phương châm “mỗi người dân là một hướng dẫn viên du lịch”;
Thứ tư, xây dựng kế hoạch hỗ trợ các hộ tiểu thương, nhà vườn có điều kiện mua bán hàng hóa, nông sản trên sông.
Thứ năm, các công ty du lịch tích cực tham gia xây dựng và quảng bá sản phẩm du lịch chợ nổi; chủ động thiết kế và cung cấp các tour cho du khách tham quan chợ nổi; liên kết chặt chẽ với người dân mua bán trực tiếp trên sông và cư dân dân địa phương; đầu tư xây dựng các cơ sở dịch vụ: hàng lưu niệm, khu ăn uống, nơi lưu trú, khu vui chơi giải trí và mua sắm... ngay cả trên sông và trên bờ để tạo không khí vui nhộn và kéo dài thời gian tham quan, lưu trú của du khách và kích thích tối đa sự chi tiêu; đóng góp một phần kinh phí để xử lý môi trường thu gom rác bảo vệ môi trường và tuyên truyền, quảng bá về chợ nổi cho du khách trong và ngoài nước.
Thứ sáu, hướng dẫn viên du lịch phải là “sứ giả”của các công ty du lịch với du khách và người dân địa phương; giới thiệu những kiến thức về chợ nổi và văn hóa địa phương; tuyên truyền cho mọi người có ý thức bảo vệ môi trường, xử lý thu gom rác thải đúng nơi quy định, không vứt rác bừa bãi xuống sông.
Thứ bảy, người dân địa phương và giới thương hồ cần giữ gìn nét đẹp văn hóa kinh doanh; cung cấp đầy đủ và chu đáo các dịch vụ lưu trú, vận chuyển, ăn uống và mua sắm cho du khách; niêm yết giá cả dịch vụ theo quy định; đảm bảo an ninh, trật tự và an toàn cho du khách và có trách nhiệm bảo vệ môi trường...; thực hiện nếp sống văn minh, văn hóa, thân thiện với khách du lịch và thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường.
Thứ tám, khách du lịch cần tuân thủ nghiêm các quy định của cơ quan chủ quản tại các chợ nổi; tôn trọng văn hóa mua bán của cư dân chợ nổi và có ý thức bảo vệ môi trường sông nước, cảnh quan chợ nổi.
Tài liệu tham khảo
1. Huỳnh Ngọc Thu (2015), Chợ nổi ở đồng bằng sông Cửu Long hiện nay, Tạp chí Khoa học Trường Đại học Khoa học và Xã hội Nhân văn, số 18, tr.65
2. Võ Văn Sơn (2017), “Chợ nổi ở Tây Nam Bộ nhìn từ góc độ văn hóa học”, Tạp chí khoa học Trường Đại học An Giang, số 03, tr.35
3. Tư liệu khảo sát mức độ hài lòng của du khách với chợ nổi Cái Bè tháng 7/2018…
Võ Văn Sơn