Cơ hội và thách thức của Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam
Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam là lễ hội cấp quốc gia lớn nhất Nam Bộ, mang đậm nét dân gian và giá trị văn hóa. Lễ hội phản ánh những khát vọng và lòng thành kính đối với người mẹ xứ sở của người dân Châu Đốc (An Giang) nói riêng và Nam Bộ nói chung. Do đó, lễ hội ngày càng thu hút du khách về tham dự nhằm thỏa mãn nhu cầu tâm linh tín ngưỡng.
Hơn nữa, Việt Nam đang trong thời kỳ hội nhập văn hóa, là điều kiện tốt để mở rộng giao lưu văn hóa trong xu thế toàn cầu hóa cũng như quảng bá Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam ra nước ngoài và tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại. Chính vì thế, kế hoạch tổ chức cũng như chương trình hoạt động của Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam ngày càng được hoàn thiện và đa dạng hóa với nhiều hoạt động kết hợp.
Bên cạnh cơ hội thì việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa trong Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam là một thách thức vô cùng to lớn. Các hoạt động của lễ hội phải phù hợp với bản sắc văn hóa dân tộc, đồng thời bài trừ các tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan… vẫn còn nhen nhóm trong mùa lễ hội là vấn đề cấp bách hiện nay.
Việc trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử - văn hóa trong quần thể Khu di tích danh thắng núi Sam cũng như nâng cấp cơ sở hạ tầng, các loại hình dịch vụ,… phục vụ lễ hội và du khách cũng là vấn đề đáng quan tâm.
Hiện nay, khu vực Nam Bộ đang có nhiều lễ hội diễn ra rất quy mô và có ảnh hưởng lớn đến người dân như: Lễ hội Vía Bà Thiên Hậu (thành phố Hồ Chí Minh), Lễ hội Núi Bà Đen (Tây Ninh), Lễ hội Gò Tháp (Đồng Tháp), Lễ hội Nguyễn Trung Trực (Kiên Giang)… là sự cạnh tranh không kém đối với Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam.
Giải pháp bảo đảm nguyên tắc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống
Quy hoạch và hệ thống hóa các loại hình dịch vụ bằng xã hội hóa
Xã hội hóa hoạt động lễ hội nhằm đảm bảo lợi ích cho nhân dân; giải quyết được vấn đề trật tự trị an cũng như thể hiện được nét văn hóa, văn minh của lễ hội. Bên cạnh đó, quy hoạch và hệ thống hóa các loại hình dịch vụ du lịch bằng cách xã hội hóa là vấn đề cấp thiết để đạt được mục tiêu “Văn hóa Du lịch”; củng cố và phát triển các loại hình dịch vụ du lịch trên sông, mời gọi đối tác tham gia đầu tư các dự án trung tâm thương mại, khu vui chơi giải trí, mở rộng các loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng kết hợp du lịch văn hóa tâm linh. Ngoài ra, công tác tuyên truyền, huấn luyện và đào tạo nguồn nhân lực tham gia vào các loại hình dịch vụ cũng là điều kiện thiết yếu trong việc xã hôi hóa. Từ đó, tạo chuyển biến tích cực về thái độ, chất lượng dịch vụ, phục vụ khách hàng.
Để khai thác tối đa lợi thế phát triển các ngành kinh tế của địa phương, nhất là kinh tế du lịch, trong giai đoạn tiếp theo Châu Đốc tập trung phát triển các ngành dịch vụ theo hướng hiện đại, xã hội hóa - đa dạng hóa các loại hình dịch vụ và các thành phần tham gia, không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ truyền thống, khuyến khích phát triển các ngành dịch vụ mới để kích thích sản xuất và phục vụ khách du lịch.
Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền và nâng cao nhận thức về việc giữ gìn nét văn hóa truyền thống
Để quảng bá hình ảnh văn hóa của Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam, cần tuyên truyền, vận động thông qua việc thiết lập hệ thống báo chí, truyền thông, thông tin cổ động… để đưa đến tận người đọc.
Nâng cao ý thức giữ gìn, trùng tu, tôn tạo Miếu Bà Chúa Xứ; đồng thời giáo dục, động viên lớp trẻ về ý thức bảo tồn di sản văn hóa tại Miếu Bà để họ tự nguyện học tập và truyền bá văn hóa của Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam.
Nâng cấp các cơ sở hạ tầng và thu hút đầu tư
Tiếp tục điều chỉnh, bổ sung quy hoạch tổng thể phát triển đô thị, quy hoạch mở rộng quần thể du lịch núi Sam; quy hoạch mở rộng không gian đô thị theo hướng dọc sông Hậu, kênh Vĩnh Tế đến tuyến N1; quy hoạch một số trục đường trở thành đường đi bộ ở nội ô thành phố phục vụ phát triển du lịch.
Các khu định hướng trong quy hoạch kêu gọi các thành phần kinh tế tham gia. Trước mắt cần tập trung kêu gọi đầu tư vào các dự án có thể mang lại hiệu quả như: phát triển mới và đa dạng các hoạt động dịch vụ; khai thác tốt lợi thế du lịch núi Sam, tổ chức các lễ hội gắn với các họat động văn hóa phong phú và đa dạng; tăng cường quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị các di tích, danh thắng, vẻ đẹp truyền thống… để thu hút khách du lịch; đầu tư nâng cấp các mặt hàng đặc sản truyền thống của địa phương phục vụ du lịch; quy hoạch chi tiết Khu du lịch Núi Sam tạo cảnh quan môi trường cho phát triển du lịch; khảo sát và lập đề cương quản lý đất công khu khai thác đá cũ, tạo quỹ đất cho phát triển du lịch, công nghiệp, thương mại dịch vụ, dân cư, giao thông, các khu vui chơi giải trí, ẩm thực, khách sạn...; tập trung tạo quỹ đất để kêu gọi đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, xây dựng khu đô thị mới; đào tạo đội ngũ cán bộ hướng dẫn viên du lịch, văn hóa, ẩm thực... để phát triển du lịch một cách bền vững.
Tài liệu tham khảo
1. Sơn Nam (2004), Đình miếu và lễ hội dân gian miền Nam, NXB Trẻ
2. Nguyễn Phương Thảo (1997), Văn hóa dân gian Nam Bộ - những phác thảo, NXB Giáo dục Hà Nội
3. Thái Thị Bích Liên (1998), Lễ hội Bà Chúa Xứ núi Sam Châu Đốc, NXB Văn hóa Dân tộc…
ThS. Trần Thanh Thảo Uyên