Tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng dựa vào làng dệt cổ truyền của người Khmer ở Văn Giáo
Làng dệt thổ cẩm Văn Giáo là làng nghề điển hình cho nghề dệt truyền thống của người Khmer ở Nam Bộ hiện còn được duy trì, bảo tồn và giữ gìn. Làng dệt Khmer Văn Giáo chỉ sử dụng một loại sợi duy nhất để dệt là sợi tơ tằm, sản phẩm thổ cẩm chủ yếu là xà rông, khăn choàng, vải trang trí trong chùa, trong gia đình hoặc cho các nghi lễ tôn giáo.
Để tạo ra được một sản phẩm dệt cần phải qua nhiều công đoạn, những người thợ thường phải mất thời gian khoảng 10 - 15 ngày, thậm chí vài tháng nếu hoa văn cầu kỳ, cần có sự kiên trì, tỉ mỉ và khéo léo.
Thuận lợi, khó khăn, thách thức, cơ hội trong phát triển du lịch cộng đồng ở làng dệt Văn Giáo
Điểm mạnh
Nghề dệt thổ cẩm Văn Giáo có truyền thống lâu đời với bề dày lịch sử hơn 100 năm. Nghề có các công đoạn sản xuất hoàn toàn bằng thủ công, sản phẩm làm ra có thương hiệu nổi tiếng trong và ngoài nước, đây là yếu tố tiềm năng, là thế mạnh trong khai thác nghề truyền thống vào phát triển du lịch cộng đồng.
Sản phẩm dệt thổ cẩm đóng vai trò quan trọng trong văn hóa của người Khmer, phụ nữ Khmer dùng thổ cẩm để may áo cưới, mặc đi chùa, trang trí và làm khăn đội đầu.
Bản sắc văn hóa địa phương độc đáo cũng là một điểm mạnh của làng nghề trong việc phát triển du lịch cộng đồng.
Làng nghề dệt thổ cẩm Văn Giáo có vị trí gần với khu du lịch sinh thái Trà Sư, là một địa điểm nằm trên tuyến đường có thể kết hợp với các điểm du lịch khác một cách dễ dàng và thuận tiện, tạo điều kiện thuận lợi để kết nối điểm trong chương trình du lịch cộng đồng.
Điểm yếu
Nhận thức của người dân về phát triển du lịch trong cộng đồng còn thấp, chưa có kiến thức cũng như kỹ năng và kinh nghiệm làm du lịch.
Sản phẩm ở làng nghề dệt thổ cẩm Văn Giáo còn thiếu đa dạng, chủ yếu là xà rông và khăn choàng, giá thành khá cao nên du khách khó mua làm quà lưu niệm.
Cơ sở hạ tầng - vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch chưa được đầu tư và nâng cao, gây nên nhiều khó khăn khi phát triển du lịch cộng đồng tại địa phương.
Thiếu nguồn nhân lực phục vụ du lịch (hướng dẫn viên, thuyết minh viên tại điểm). Tại đây, các nghệ nhân tại làng nghề rất ít khi tham gia làm hướng dẫn du lịch hay thuyết minh tại điểm.
Công tác xúc tiến, quảng bá du lịch còn yếu kém, không thu hút được du khách đến du lịch ở các làng nghề.
Vệ sinh môi trường tại làng nghề chưa đạt yêu cầu, ảnh hưởng đến việc tham quan của du khách tại hộ sản xuất, đặc biệt vấn đề vệ sinh môi trường là điều rất e ngại đối với khách du lịch quốc tế.
Cơ hội
Trên thế giới cũng như ở Việt Nam hiện nay, nhu cầu du lịch của khách nội địa và quốc tế đến du lịch và trải nghiệm ở các làng nghề truyền thống có xu hướng tăng cao với nguyên nhân chủ yếu là muốn tìm hiểu phong tục tập quán, đời sống văn hóa bản địa cũng như tìm hiểu và trải nghiệm quá trình sản xuất ra sản phẩm thủ công truyền thống. Nắm bắt được nhu cầu tìm hiểu đời sống văn hóa người dân địa phương của du khách là một cơ hội để phát triển du lịch tại làng nghề truyền thống.
Sự quan tâm, khuyến khích cùng với các chính sách về bảo tồn và phát triển làng nghề của cơ quan chính quyền địa phương cũng tạo cơ hội cho phát triển du lịch tại đây.
Thách thức
Nghề dệt thổ cẩm Văn Giáo thường không đem lại lợi nhuận cao, cần người tỉ mỉ, chịu khó, có tay nghề cao nên chủ yếu là người già tham gia và khó tìm người kế thừa. Làng nghề hiện tại đang trong giai đoạn phát triển cầm chừng, nếu không có biện pháp thúc đẩy, phát triển phù hợp sẽ dần bị mai một.
Do quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa, các sản phẩm sản xuất bằng thủ công dần bị thay thế bởi các sản phẩm sản xuất theo dây chuyền công nghiệp với giá thành rẻ hơn và chất lượng hơn. Giá thành sản phẩm dệt ở làng dệt Văn Giáo cao hơn so với sản phẩm may mặc công nghiệp, đồng thời mẫu mã sản phẩm cũng hạn chế hơn.
Loại hình du lịch cộng đồng, du lịch làng nghề còn mới mẻ đối với chính quyền và người dân địa phương.
Giải pháp phát triển
Thứ nhất, đẩy mạnh chính sách quảng bá sản phẩm để người tiêu dùng trong cả nước biết đến sản phẩm Khmer Silk cùng những giá trị văn hóa gắn liền với sản phẩm, nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước; tiếp tục duy trì và phát triển hơn nữa thị trường tiêu thụ sản phẩm ở nước ngoài như Campuchia, Thái Lan.
Thứ hai, đa dạng hóa các loại hình sản phẩm bằng cách sản xuất thêm các loại hình sản phẩm khác như ví, túi xách, khăn tay… để thu hút nhiều đối tượng khách hơn, mở rộng thị trường tiêu thụ.
Thứ ba, huy động sự tham gia của thế hệ trẻ vào các hoạt động sản xuất của làng dệt như khâu quảng bá, giới thiệu sản phẩm kích thích lòng đam mê với nghề dệt thổ cẩm truyền thống của gia đình cũng như của cả cộng đồng Khmer nói chung, nhằm nuôi dưỡng và rèn luyện thế hệ kế thừa về sau.
Thứ tư, quy hoạch một số hộ dệt tại làng dệt Văn Giáo tạo thành làng du lịch để đón khách đến tham quan, trải nghiệm đời sống văn hóa, tham gia hoạt động dệt, lưu trú. Từ làng dệt làm điểm khởi đầu để kết nối với các điểm du lịch lân cận như núi Cấm, rừng tràm Trà Sư, chợ Tịnh Biên… để tạo thành chương trình du lịch cộng đồng cho du khách trong và ngoài nước đến tham quan, tìm hiểu đời sống văn hóa truyền thống của cộng đồng Khmer tại địa phương.
Thứ năm, đầu tư cơ sở vật chất hạ tầng để phát triển du lịch cộng đồng tại làng nghề nhằm tạo điều kiện thuận lợi khi đưa khách đến tham quan; bố trí các gian hàng lưu niệm để khách có cơ hội tham quan, mua sắm; khôi phục lại hoạt động trồng dâu, nuôi tằm, và tạo quy trình dệt khép kín cho du khách trải nghiệm…
Tài liệu tham khảo
1. Phạm Thị Phương Hạnh (Chủ biên), Lương Minh Hinh, Vũ Thống Nhất và Huỳnh Công Tín, 2013. Văn Hóa Khmer Nam Bộ - Nét đẹp trong bản sắc văn hóa Việt Nam. NXB Chính trị Quốc gia – Sự Thật. Hà Nội, 336 trang.
2. Mai Thị Thanh Xuân, Đặng Thị Thu Hiền: Phát triển kinh tế hộ gia đình ở Việt Nam, Tạp chí Khoa học ĐHQGHN, Kinh tế và Kinh doanh, Tập 29, Số 3 (2013), tr 1-9
|
ThS. Lý Mỷ Tiên