Loại hình du lịch MICE có tốc độ tăng trưởng nhanh hơn so với các loại du lịch thông thường. Theo bà Malinee Kitapanich, chuyên gia của PATA (người thường tổ chức các hội nghị, hội thảo trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương) thì doanh thu từ du lịch MICE trên toàn thế giới năm 2000 là 410 tỷ USD, năm 2010 sẽ là 747 tỷ USD. Trong bối cảnh toàn cầu hóa thì không một nhà doanh nghiệp tầm cỡ nào không từng tham dự một cuộc hội nghị, hội thảo, triển lãm hay khuyến mại. Ngay trong các chuyến công du nước ngoài của các nguyên thủ quốc gia, thành phần các nhà kinh doanh thường chiếm một lượng không nhỏ trong đoàn. Họ đi tìm cơ hội đầu tư, kinh doanh ở mọi quốc gia có thể. Từ các hoạt động MICE, các hợp đồng kinh tế được ký kết, mang lại lợi nhuận cho mọi đối tác. Theo ước tính của UNWTO thì lợi ích từ MICE đã mang lại hàng năm khoảng 6.000 - 10.000 tỷ USD, chiếm trên 10% GDP của toàn thế giới. Tốc độ tăng trưởng trung bình năm doanh thu từ khách du lịch MICE trên toàn thế giới sẽ khoảng 8,2% trong giai đoạn từ năm 2000 - 2010, cao hơn so với tốc độ tăng trưởng chung của ngành du lịch thế giới (dự kiến khoảng 7,27%/năm trong cùng giai đoạn trên).
Ở Việt Nam, du lịch MICE mới phát triển khoảng 10 năm trở lại đây, chủ yếu tập trung ở các đô thị lớn như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Huế, Hội An, Nha Trang… Năm 2007 là năm bội thu từ du lịch MICE ở 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, nhưng doanh thu từ MICE cũng chỉ chiếm dưới 10% so với tổng doanh thu du lịch của 2 thành phố này. Bà Rịa - Vũng Tàu cũng là nơi hay được chọn làm nơi tổ chức MICE, nhưng quy mô nhỏ, nội địa và mang lại doanh thu không lớn cho du lịch địa phương.
TIÊU CHUẨN LỰA CHỌN ĐỊA ĐIỂM TỔ CHỨC MICE
Loại hình du lịch MICE khá cao cấp, yêu cầu nơi tổ chức phải hội tụ đủ các điều kiện hết sức khắt khe về cơ sở vật chất kỹ thuật cũng như nguồn nhân lực chất lượng cao. Đó là:
1- Uy tín và danh tiếng của điểm tổ chức, của đơn vị đăng cai tổ chức
2- Vị trí, khoảng cách so với điểm xuất phát
3- Thuận tiện giao thông
4- Cơ sở hạ tầng, vật chất kỹ thuật phục vụ MICE tốt (phòng họp, thiết bị phục vụ tổ chức MICE, cơ sở lưu trú, ăn uống, tham quan, giải trí, đội ngũ nhân viên phục vụ tốt, cảnh quan thiên nhiên và văn hóa giàu bản sắc, hấp dẫn…)
5- An ninh và an toàn cao
6- Tổng chi phí cho chuyến đi và chi phí tại địa phương (nơi tổ chức MICE) ít tốn kém hoặc có thể chấp nhận được.
7- Môi trường du lịch sạch đẹp, trong lành
8- Các tuyến, điểm tham quan giải trí cho khách trong và sau khi tổ chức MICE thuận lợi, hấp dẫn hoặc mới lạ.
Sự cần thiết phát triển loại hình du lịch MICE ở BR-VT
Theo “Báo cáo tổng kết điều tra hoạt động du lịch và chi tiêu của khách du lịch trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu năm 2005” thì thời gian lưu trú bình quân của khách tại địa phương quá ngắn (bình quân từ 1-3 ngày/lượt khách chiếm tới 75,8%). Chi tiêu của khách trên địa bàn chủ yếu cho ăn ở, còn chi cho các dịch vụ khác quá ít.
CHI PHÍ CỦA DU KHÁCH CHO MỘT SỐ DỊCH VỤ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÀ RỊA – VŨNG TÀU
(Tỷ lệ % so với tổng chi phí của chuyến đi)
Số tiền chi cho các dịch vụ (%) |
Khách quốc tế |
Khách nội địa |
Ăn, lưu trú |
19-25 |
25 |
Tham quan, giải trí |
1,63-1,7 |
2,3 |
Mua sắm hàng hóa |
12 |
12,25 |
Văn hóa, thể thao |
9,8 |
6,2 |
Cũng theo báo cáo trên, mục đích chủ yếu khách tới BR - VT là để tắm biển (58,82%), nghỉ dưỡng (32,35%); du lịch hội nghị hội thảo chỉ chiếm 5,88%; du lịch tham quan tìm hiểu lịch sử văn hóa chỉ chiếm 2,94%; du lịch thể thao, mạo hiểm cũng chỉ chiếm 2,94%. Đặc biệt đáng lưu ý là có tới khoảng 750.000 lượt khách (trên tổng số khoảng 5.000.000 lượt khách hàng năm của BR-VT) tới du lịch bằng xe gắn máy; số khách quốc tế tới hàng năm chưa đến 200.000 lượt khách (chỉ bằng 1/15 so với khách quốc tế hàng năm tới TP. Hồ Chí Minh). Đã từ lâu, Bà Rịa - Vũng Tàu thường chỉ là nơi có các hoạt động du lịch nhộn nhịp vào những ngày cuối tuần. Hậu quả tất yếu của loại hình du lịch cuối tuần là ngày thường thì quá vắng khách, ngày nghỉ, lễ tết thì quá đông, đôi khi quá tải, không đủ phòng cho khách. Điều này có thể gây ra một số hậu quả bất lợi là: sự quá tải có thể dẫn đến việc một số người kinh doanh nâng giá phòng ở và giá các dịch vụ du lịch một cách tùy tiện (có khi gấp 2 - 3 lần giá ngày thường). Giá cả tăng nhưng chất lượng dịch vụ không tăng, thậm chí giảm đi sẽ làm mất uy tín của ngành du lịch địa phương và khách không dám tới nữa.
Những con số thống kê trên cho thấy: BR - VT chưa phải là nơi hấp dẫn khách quốc tế; thời gian lưu trú của khách quá ngắn; chủ yếu là nơi du lịch cuối tuần (Weekend); một lượng lớn khách là thanh niên (đi xe máy) tới BR - VT pícníc, vui chơi theo nhóm nên khả năng thanh toán thường không cao; du lịch hội nghị, hội thảo quá ít, rất nhỏ bé so với tổng doanh thu của ngành Du lịch Tỉnh; phân bố chi tiêu của khách cho thấy sản phẩm du lịch còn nghèo nàn, đơn điệu, ít dịch vụ vui chơi, giải trí, mua sắm, yếu mảng du lịch văn hóa…
Những thuận lợi và khó khăn khi phát triển loại hình du lịch MICE ở Bà Rịa - Vũng Tàu
1. Thuận lợi
a-Có vị trí địa lý và hệ thống giao thông thuận tiện. Vũng Tàu và các khu du lịch của Tỉnh chỉ cách TP. Hồ Chí Minh khoảng 100km, hệ thống giao thông đến Vũng Tàu đi bằng cả hàng không, đường bộ và đường thủy đều rất thuận lợi.
b-Có khí hậu ấm áp, cảnh quan thiên nhiên đa dạng, hấp dẫn (có cả núi, rừng, biển, đảo) cùng với nhiều di sản văn hóa lâu đời, hấp dẫn và đủ điều kiện cho khách MICE thư giãn, tham quan, giải trí, nghỉ dưỡng.
c-Có một hệ thống cơ sở lưu trú, cơ sở hạ tầng, vật chất kỹ thuật phục vụ du khách MICE tương đối tốt. Một vài năm nữa, khi hệ thống khách sạn khu resort 4-5 sao cùng với các siêu thị lớn hoàn thiện thì có thể đáp ứng được cho cả các đoàn khách MICE quốc tế 300 - 500 khách.
d-Là một tỉnh có tiềm lực kinh tế vững mạnh, nằm trong vùng kinh tế động lực phía Nam – khu vực đầy tiềm năng cho việc phát triển loại hình du lịch MICE.
2-Hạn chế
a-Chưa phải là trung tâm tổ chức MICE có uy tín trong nước và quốc tế.
b-Chưa có kinh nghiệm nhiều trong việc kinh doanh, khai thác loại hình du lịch MICE
c-Nguồn nhân lực phục vụ khách MICE còn mỏng, yếu và thiếu.
d-Rất thiếu cơ sở lưu trú cao cấp (các khách sạn, khu du lịch 4 - 5 sao).
e-Thiếu và yếu về mảng trang thiết bị kỹ thuật phục vụ hội nghị, hội thảo quốc tế, loại hình MICE cao cấp.
f-Rất thiếu các trung tâm hội nghị, hội thảo quy mô lớn. Mạng lưới siêu thị mua sắm quá ít. Sản phẩm du lịch còn ít, đơn điệu, mảng du lịch văn hóa còn thiếu và yếu.
g-Chưa mạnh dạn liên kết với TP. Hồ Chí Minh và các thành phố lớn khác trong và ngoài nước trong việc khai thác loại hình du lịch MICE (dưới hình thức tổ chức MICE tại Bà Rịa – Vũng Tàu hay kinh doanh dịch vụ du lịch sau khi MICE đã tổ chức tại các địa phương khác).
Phát triển du lịch MICE là một quá trình gian khổ, lâu dài, đòi hỏi đầu tư rất nhiều về cả trí tuệ lẫn kinh phí, nhưng bù lại, doanh thu từ kinh doanh du lịch MICE cao gấp 5 - 8 lần so với các loại hình du lịch thông thường, đồng thời nó góp phần nâng cao uy tín, chất lượng dịch vụ của du lịch địa phương lên một tầm cao mới. Phát triển loại hình du lịch MICE sẽ là một hướng đi đúng và mang tầm chiến lược lâu dài cho du lịch của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
TS. PHÙNG ĐỨC VINH
Trường Du lịch Vũng Tàu