![](/FileManager/mypicture/O-Ngo-Hoa-PCT-TT-H.jpg) |
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế - Ngô Hòa |
*Thưa ông, chỉ còn hơn 01 tháng nữa là đến Festival Huế 2008, ông có thể cho biết về công tác chuẩn bị cho Festival lần này?
Festival Huế 2008 sẽ tiếp tục phát huy thành quả của các kỳ Festival Huế trước đây theo hướng nâng cao chất lượng nghệ thuật và tính chuyên nghiệp để xứng đáng với vị thế của một trung tâm văn hóa du lịch, một thành phố Festival của Việt Nam.
Đến nay, công tác chuẩn bị cho Festival Huế đã được các ngành, các cấp triển khai một cách khẩn trương, tích cực. Ban Tổ chức đã làm việc với các địa phương, các đại sứ quán, các bộ ngành trung ương để xây dựng chương trình nghệ thuật, đẩy mạnh tuyên truyền quảng bá, kêu gọi tài trợ… Về cơ bản đã xác định được các đoàn nghệ thuật trong nước của Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, khu vực Bình Trị Thiên, Tây Nguyên, duyên hải miền Trung… và 24 đoàn nghệ thuật đến từ các nước Pháp, Trung Quốc, Anh, Italia, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Bỉ, Australia, Thái Lan, Canada, Nhật Bản, Campuchia, Indonesia, Thụy Sỹ, Rumani, Nga, Ixaren… sẽ tham dự Festival Huế 2008.
Về tuyên truyền, ngoài việc hợp đồng tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng của Việt Nam, chúng tôi đã nâng cấp trang website về Festival Huế, mở chuyên mục Festival Huế 2008 trên cổng giao tiếp điện tử của Tỉnh. Ngoài ra, thông qua các kênh ngoại giao, các hội nghị quốc tế được tổ chức trong và ngoài nước, các tổ chức người Việt yêu Huế… để đẩy mạnh tuyên truyền về Huế, về Festival Huế với mục đích làm cho mọi người trên khắp thế giới nắm bắt kịp thời các thông tin liên quan đến mảnh đất, con người xứ Huế và Festival Huế.
Bên cạnh đó, Tỉnh đang triển khai một cách khẩn trương các công trình phục vụ cho Festival Huế 2008 như phục hồi thích nghi thuyền cung đình Huế, chỉnh trang bờ sông Hương (đoạn từ cầu Gia Hội đến đường Nguyễn Bỉnh Khiêm), xây dựng khu tưởng niệm anh hùng dân tộc Quang Trung tại núi Bân, hoàn tất trùng tu các di tích chùa Thiên Mụ, Trường Lang - Đại Nội, Hổ Quyền -Voi Ré, mặt Nam Thượng Thành… Song song với việc chuẩn bị nội dung cho Festival, Tỉnh đã kiện toàn công tác tổ chức (thành lập Trung tâm Festival Huế, Ban Tổ chức Festival Huế 2008, Hội đồng nghệ thuật, thành lập các tiểu ban...), cử cán bộ tham gia các lớp đào tạo về công nghệ tổ chức Festival do Đại sứ quán Pháp hỗ trợ…
*Festival Huế 2008 sẽ có nội dung gì mới, hấp dẫn thưa ông?
Festival Huế 2008 sẽ có những chương trình mới như tái hiện các lễ hội cung đình độc đáo của cố đô Huế với quy mô, chất lượng và hình thức thể hiện hấp dẫn (lễ hội Nguyễn Huệ lên ngôi lấy niên hiệu Quang Trung tại Phú Xuân nhân kỷ niệm 220 năm sự kiện lịch sử này, lễ hội thi tiến sĩ võ); nhiều hoạt động văn hóa, lễ hội cộng đồng và cung đình đặc sắc lần đầu tiên được tổ chức tại khu di tích Hổ Quyền - Voi Ré; chương trình Khám phá huyền thoại sông Hương… Ban Tổ chức cũng yêu cầu các đoàn nghệ thuật đến tham dự Festival Huế 2008 phải xây dựng chương trình mới, không sử dụng những tiết mục đã biểu diễn tại các kỳ Festival Huế trước đây.
Có thể nói, trong Festival Huế 2008, thông qua tổ chức các chương trình lễ hội, du khách sẽ được khám phá nghệ thuật sống đa dạng của cố đô Huế, các tuyến du lịch sinh thái, du lịch đầm phá, hành hương về những ngôi chùa Huế nổi tiếng, được đắm mình trong các lễ hội truyền thống, lễ hội dân gian, thăm lăng mộ huyền bí của các đời vua, những địa điểm thơ mộng, thưởng thức những món ăn đậm đà xứ Huế…
Theo ông, vai trò của người dân TP. Huế đối với Festival và những lợi ích từ Festival mang lại cho họ?
Xác định chủ thể của Festival Huế là người dân Huế nên trong các kỳ Festival, vai trò của người dân đã được khẳng định. Ban Tổ chức tạo điều kiện bố trí địa điểm và hỗ trợ kinh phí để người dân tham gia Festival. Tất cả các hoạt động đó đều do người dân xây dựng nội dung và tự chịu kinh phí tổ chức thực hiện. Ban Tổ chức kiểm tra và thống nhất nội dung thực hiện; sẵn sàng tạo thuận lợi cho những cá nhân và tổ chức có đủ điều kiện về mọi mặt tham gia vào lễ hội. Còn về các hoạt động dịch vụ, du lịch nhân dân, người dân đã sẵn sàng, Festival là một cơ hội dành cho người dân TP. Huế. Trong các kỳ Festival trước đây, Ban Tổ chức đã khuyến khích, mở cơ chế, cho phép nhà dân đủ điều kiện được đón khách du lịch trong thời gian diễn ra Festival, vừa giải quyết chỗ nghỉ cho du khách, vừa tạo thu nhập cho nhân dân, được người dân đồng tình, tham gia tích cực.
Người dân được hưởng lợi từ Festival, từ các di sản văn hóa mà ông cha ta đã mất rất nhiều công sức, tâm huyết và trí tuệ để có nó, bảo vệ nó sẽ có trách nhiệm hơn trong việc gìn giữ di sản đó. Tôi tin rằng người dân TP. Huế - chủ nhân của thành phố Festival, thành phố du lịch sẽ tự xây dựng cho mình một phong cách rất Huế: văn hóa, văn minh, lịch thiệp, cởi mở, thân thiện; tạo ra một môi trường văn hóa du lịch hấp dẫn.
*Vậy Thừa Thiên - Huế định hướng đưa hoạt động Festival vào cuộc sống như thế nào để phát triển, hội nhập và tôn vinh địa phương?
Trước khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án xây dựng TP. Huế trở thành TP. Festival của Việt Nam, Tỉnh đã phát động nhân dân, các nhà nghiên cứu khoa học, những người yêu Huế trong và ngoài nước… hiến kế để Festival được tổ chức có nội dung phong phú và hấp dẫn.
Hiện nay, ngoài Festival được tổ chức định kỳ 2 năm/lần vào các năm chẵn, festival nghề truyền thống Huế được tổ chức vào các năm lẻ và nhiều lễ hội diễn ra trong năm như Lăng Cô huyền thoại biển (Phú Lộc), Hương xưa làng cổ (Phong Điền), Thuận An biển gọi (Phú Vang), Chợ quê ngày hội (Hương Thủy), lễ hội Điện Hòn chén (Hương Trà), ngày hội văn hóa thể thao các dân tộc thiểu số (A Lưới, Nam Đông), vật làng Sình (Phú Vang), vật thủ Lễ (Quảng Điền)… Như vậy, có thể nói rằng, tỉnh Thừa Thiên - Huế năm nào cũng tổ chức Festival, tháng nào cũng diễn ra lễ hội, địa phương nào cũng có lễ hội. Mỗi lễ hội mang một sắc thái khác nhau và tùy vào từng thời điểm cụ thể để có sự kết hợp hài hòa giữa văn hóa Việt Nam, văn hóa Huế với văn hóa của các nước tham dự Festival, tạo thành một chuỗi thống nhất, thể hiện rõ chủ đề xuyên suốt của Festival là “Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển”. Ðây là những lễ hội văn hóa - du lịch, một diễn đàn sinh hoạt văn hóa nghệ thuật tiêu biểu của Việt Nam và khu vực, mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam, văn hóa Huế. Tất cả những lễ hội đó được tổ chức sẽ giúp cho Tỉnh khẳng định vị thế, mở rộng giao lưu hội nhập quốc tế, phát triển kinh tế, nâng cao mức hưởng thụ văn hóa tinh thần của người dân, góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa mà ông cha ta đã tạo nên.
MINH HẠNH