THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN DU LỊCH TẠI BUÔN ĐÔN
Năm 2002, UBND tỉnh Đăk Lăk đã có quyết định số 176/2002/QĐ UB về phê duyệt Dự án quy hoạch phát triển du lịch Buôn Đôn giai đoạn 2007 - 2010.
Trong những năm qua, Khu du lịch Buôn Đôn được đầu tư từ 4 nguồn vốn: ngân sách Tỉnh, Tổng cục Du lịch, Công ty TNHH MTV Du lịch & Khách sạn Biệt Điện và nguồn vốn vay ưu đãi với tổng cộng 2727 triệu đồng. Như vậy, vốn đầu tư cho Khu du lịch Buôn Đôn còn thấp, cơ sở vật chất phục vụ du lịch nghèo nàn…
Tuy nhiên, sản phẩm du lịch tại Buôn Đôn rất phong phú như: tham quan cầu treo, tham quan nhà sàn cổ, khu văn hóa nhà mồ, chèo thuyền độc mộc trên hồ Ea Rông, thưởng thức các món ăn đặc sản dân gian của địa phương, giao lưu văn hóa cồng chiêng, tổ chức các tour trekking xuyên rừng Buôn Đôn, du khách nghe thuyết trình về tập quán săn bắt voi rừng…
Hiện nay, khu du lịch Buôn Đôn có 36 CBCVN thường xuyên làm việc và trên 30 lao động thời vụ, trong đó lao động trình độ đại học chiếm 14,4%, trình độ trung cấp và các chuyên ngành khác chiếm 21,6%, còn lại là lao động phổ thông chưa qua đào tạo. Ngoài ra, còn khoảng 500 lao động là người dân địa phương tham gia hoạt động du lịch. Chất lượng lao động phục vụ tại Khu du lịch Buôn Đôn ở mức độ thấp, tính chuyên nghiệp chưa cao.
Du khách đến Khu du lịch Buôn Đôn hằng năm tập trung vào tháng 1, 2, 4, 5, 6, 7, 8 với tỷ lệ khách nội địa chiếm 93,48%, khách nước ngoài chiếm 6,52%. Thời gian lưu khách ở khu du lịch rất thấp, cao nhất là 3 ngày, ít nhất là 01 ngày.
Chi tiêu bình quân một khách du lịch đến Buôn Đôn thấp: năm 2005 là 42.000đồng/ngày, năm 2006 là 47.300 đồng/ngày, năm 2007 là 53.250 đồng/ngày. Điều này cho thấy dịch vụ vui chơi giải trí ở khu du lịch còn quá nghèo nàn…
Qua các số liệu nghiên cứu khảo sát, Khu du lịch Buôn Đôn có sức chứa 3200 khách/ngày, 672.000 lượt khách/năm (tính bình quân mùa du lịch khoảng 7 tháng/năm). Rõ ràng sức chứa của khu du lịch chỉ đáp ứng 60% lượng khách du lịch trong lúc cao điểm.
GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN DU LỊCH BỀN VỮNG
Để phát triển du lịch bền vững tại Buôn Đôn cần thực hiện các giải pháp cơ bản như sau:
Một là, hoàn thiện công tác quy hoạch, quản lý và tổ chức thực hiện tốt quy hoạch phát triển du lịch.
Năm 2006, được sự chấp thuận của UBND tỉnh Đăk Lăk Công ty TNHH MTV Du lịch và Khách sạn Biệt Điện triển khai lập dự án đầu tư Khu du lịch Buôn Đôn với tổng vốn đầu tư là 33 tỷ đồng, đến nay dự án đã hoàn thành, đang ở giai đoạn thẩm định và phê duyệt dự án đầu tư.
Hai là, tăng cường đầu tư và huy động vốn đầu tư cho phát triển du lịch. Thực hiện cơ chế và chính sách đầu tư cho du lịch từ nguồn vốn ngân sách của Tỉnh (với mức 0,5% trên tổng chi ngân sách hàng năm của Tỉnh đã được HĐND tỉnh Đăk Lăk thông qua). Dự kiến tổng vốn đầu tư cho hoạt động phát triển du lịch của tỉnh Đăk Lăk giai đoạn 2007 – 2010 là 569,730 tỷ đồng.
Ba là, đẩy mạnh quản lý, khai thác tài nguyên du lịch và đầu tư phát triển cơ sở vật chất phục vụ du lịch. Cần thực hiện một số giải pháp cụ thể như: đẩy mạnh nghiên cứu khoa học đánh giá một cách toàn diện tài nguyên du lịch của Buôn Đôn; xây dựng hệ thống quản lý tài nguyên du lịch, quản lý môi trường, xử lý chất thải một cách có hiệu quả; vận động phát triển mạnh chính sách tiêu thụ xanh; khuyến khích thực hiện các loại hình du lịch thân thiện với môi trường; khuyến khích các dự án đầu tư phát triển du lịch với những cam kết về bảo vệ tài nguyên rừng, tôn tạo và phát triển các tài nguyên du lịch.
Bốn là, cần thực hiện giải pháp tình thế mở rộng sức chứa của khu du lịch
Năm là, củng cố và hoàn thiện các sản phẩm du lịch và chương trình du lịch, tại Khu du lịch Buôn Đôn có thể phát triển các sản phẩm du lịch văn hóa, du lịch sinh thái, tham quan các di tích văn hóa lịch sử, tham quan các buôn làng của đồng bào dân tộc; du lịch kết hợp với các lễ hội truyền thống (lễ hội không gian văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên, lễ hội voi, lễ hội đâm trâu...); du lịch mạo hiểm; du lịch MICE... Các tuyến du lịch liên kết trong khu vực: tuyến du lịch “Con đường xanh Tây Nguyên”, tuyến du lịch “Khám phá con đường di sản Miền Trung Tây Nguyên”.
Sáu là, tăng cường đào tạo phát triển nguồn nhân lực phục vụ du lịch, tổ chức bộ máy, hoàn thiện và nâng cao năng lực cán bộ để quản lý du lịch. Xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực phù hợp với nhu cầu phát triển du lịch cho khu du lịch; có kế hoạch tuyển dụng mới, đào tạo, đa dạng hóa các hình thức đào tạo tại chỗ, cử cán bộ đi học, tổ chức các hội thi nghiệp vụ trong ngành Du lịch...
Bảy là, hoàn thiện các chính sách quản lý du lịch và thực hiện quản lý nhà nước về du lịch; xây dựng hệ thống tiêu chuẩn môi trường; sử dụng tài nguyên du lịch một cách bền vững; xây dựng quy chế quản lý môi trường dựa vào cộng đồng với sự cam kết của cộng đồng dân cư; thu hút vốn đầu tư từ các thành phần kinh tế đầu tư cho du lịch; sử dụng các loại năng lượng sạch, hạn chế tác động đến môi trường sinh thái.
Tám là, đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến khích cộng đồng dân cư tham gia hoạt động du lịch, quảng bá du lịch và mở rộng thị trường du lịch.
Chín là, tăng cường liên kết với một số công ty lữ hành trong và ngoài nước để mở rộng dịch vụ lữ hành quốc tế; tạo sự liên kết với cộng đồng dân cư trong khu du lịch nhằm thực hiện việc đa dạng hóa các sản phẩm du lịch…
Triển khai tích cực và đồng bộ những giải pháp trên, hy vọng du lịch Buôn Đôn sẽ phát triển bền vững, góp phần thực hiện chiến lược, kế hoạch đề ra: năm 2010 đón 300.000 – 500.000 lượt khách (10% khách quốc tế), đạt tổng doanh thu du lịch 10 - 15 tỷ đồng, thời gian lưu trú trung bình của khách đạt 1,5ngày/lượt khách./.
Ths. NGUYỄN ANH PHƯƠNG
Giám đốc
Công ty TNHHMTV Du lịch & Khách sạn Biệt Điện
TS. NGUYỄN PHÚC THỌ
Khoa Kinh tế & PTNT – Đại học Nông nghiệp I