Việt Nam nằm gọn trong nội chí tuyến Bắc bán cầu – ở Đông Nam Á, có những điều kiện hành tinh (bức xạ cao, tín phong...) cho sự hình thành khí hậu, giống điều kiện hành tinh ở các nước nhiệt đới khác.
Tuy nhiên khách du lịch tới Việt Nam, đặc biệt là khu vực phía Bắc Việt Nam sẽ có dịp nhận biết được những nét đặc thù khác do cơ chế hoàn lưu gió mùa và những nhiễu động nhiệt đới trong khu vực, cũng như vị trí địa lý và điều kiện địa hình của lãnh thổ chi phối như:
Gió mùa: Nằm giữa các hệ thống gió mùa châu Á, chế độ gió mùa ở phía Bắc Việt Nam rất phức tạp: nhìn chung hoàn lưu gió mùa ở đây lấn át hoàn lưu tín phong (vào giữa đông), nhưng trong từng thời gian nhất định hoàn lưu cũng có thể luân phiên nhau chiếm ưu thế (vào đầu và cuối đông). Điều đó tạo ra những dao động đáng kể trong chế độ nhiệt ẩm về mùa đông.
Địa lý và địa hình: Những dãy núi hướng vuông góc với hoàn lưu gió mùa với nhiều nhánh núi kéo ra tận bờ biển (Hoành Sơn, Bạch Mã,...) gây ra những hiệu ứng “Fơn” rất đáng kể trong chế độ nhiệt – ẩm ở Trung bộ và Bắc bộ. Ngoài ra, ở vịnh Bắc bộ còn có dòng biển lạnh (còn được gọi “dòng biển mát”) chảy dọc theo bờ biển cũng mang lại những hệ quả nhiệt – ẩm rõ rệt (tăng – giảm nhiệt, tăng ẩm, sương mù dày đặc...) cho các vùng ven biển.
Nền nhiệt độ ở Bắc Việt Nam, do sự xâm nhập sâu theo hướng Nam của không khí cực đới về mùa đông, thấp hơn nhiều so với các vùng đất liền nhiệt đới khác, có một mùa lạnh (dựa vào khả năng thích nghi của người địa phương): 1-5 tháng ở vùng đồng bằng và trung du, 7-12 tháng ở vùng núi cao, phù hợp với khách đến từ các nước có mùa đông lạnh ở châu Âu, Bắc Mỹ, Bắc Á, Australia.
Những chênh lệch khí hậu ở Việt Nam (nhất là chênh lệch nhiệt độ) so với chuẩn vĩ tuyến có thể xem là một dị thường trong chế độ khí hậu nhiệt đới. Toàn bộ miền Bắc Việt Nam nằm ở rìa nam của trung tâm lạnh mùa đông (40 – 70oB, ở bờ Đông lục địa châu Á) với chuẩn sai âm 4-6oC, nhiệt độ trung bình mùa đông ở Bắc Việt Nam (đến tận 16oB) chỉ dưới 20oC, nhiệt độ mà không có vùng đất liền nhiệt đới nào (cùng vĩ độ) có được.
Nhiệt độ mùa đông ở miền Bắc, đặc biệt các vùng chịu ảnh hưởng mạnh của khối không khí lạnh, dao động gấp 2-2,5 lần so với mùa hè, và gấp 1,5 – 2,5 lần so với mùa đông ở miền Nam (qua độ lệch tiêu chuẩn trung bình tháng 1 và tháng 7):
Mùa mưa – mùa khô:
Việt Nam có 2 dạng mùa mưa (theo biến trình năm của lượng mưa), đó là: mùa mưa do ảnh hưởng của gió mùa mùa hè ở Bắc bộ, Nam bộ và Tây Nguyên và mùa “mưa trái mùa” do những quá trình chuyển động thăng của tín phong Đông Bắc do địa hình dốc về phía biển và những nhiễu động nhiệt đới (áp thấp nhiệt đới, bão, trục hội tụ nhiệt đới...) ở vùng duyên hải Trung bộ.
Việt Nam có một “mùa khô thực sự” ở Nam bộ và Tây Nguyên, một “mùa khô kéo dài” ở vùng duyên hải Trung bộ (do các hiệu ứng “fơn” của gió Lào) và một “mùa ít mưa” ở Bắc bộ (do độ ẩm ở đây khá cao).
Lượng mưa trong mùa khô dao động mạnh hơn trong mùa mưa: ở Hà Nội 3 lần, Huế 2,8 lần và TP. Hồ Chí Minh 8,6 lần, nhưng tổng cộng lại (tổng năm) lượng mưa ở Trung bộ dao động mạnh hơn ở Bắc bộ và Nam bộ.
Việt Nam có một mùa mưa bão từ tháng 6 đến tháng 11. Trong các tháng 8,9,10 bão khá mạnh và nguy hiểm (chậm dần về phía Nam lãnh thổ). Nhiều trường hợp đo được lượng mưa đến 1000mm/cơn bão đổ bộ gây ra ngập lụt, vì vậy khi xây dựng chương trình du lịch các doanh nghiệp lữ hành thường rất chú ý trong thời điểm này, đặc biệt ở các vùng ven biển Trung bộ. Yếu tố này ảnh hưởng nhiều đến các hoạt động, đặc biệt là du lịch biển và du lịch tàu biển.
Như vậy, từ Bắc vào Nam xu thế của các chuỗi số liệu nhiệt và mưa (giá trị năm) cho thấy: ở miền Bắc nhiệt độ chuyển từ không đổi đến xu thế giảm và ở miền Nam xu thế tăng lên, trong khi đó lượng mưa lại có xu thế ngược lại: ở miền Bắc lượng mưa tăng dần, còn ở miền Nam lượng mưa lại giảm dần. Điều đó chứng tỏ rằng ở miền Bắc có xu thế chung lạnh – ẩm hơn, còn ở miền Nam lại nóng – khô hơn.
Đây là những đặc điểm đáng chú ý trong việc tạo nên yếu tố mùa vụ của du lịch Hà Nội đối với khách du lịch trong nước (tháng 1 - tháng 8) và quốc tế (tháng 9 đến tháng 4 năm sau) và cũng là vấn đề cần lưu ý khách khi tổ chức các chương trình du lịch.
SỰ THAY ĐỔI KHÍ HẬU CỦA VIỆT NAM VÀ ẢNH HƯỞNG CỦA NÓ ĐẾN HOẠT ĐỘNG DU LỊCH
Việt Nam đang nóng lên
Cục Bảo vệ môi trường cho biết, tổng lượng phát thải khí nhà kính của Việt Nam mỗi năm khoảng 120,8 triệu tấn. Khí nhà kính của Việt Nam gồm 6 loại chủ yếu: CO2, mê tan CH4 , NO2- NO Nitro Oxit; HFC hydroflorua cacbon, PFC pơflorua cacbon, Sunfua hedaflorid SF6 và phát thải chủ yếu do các hoạt động trong các lĩnh vực năng lượng, công nghiệp, giao thông. Trong đó, giao thông chiếm tới 85% khí CO; công nghiệp chiếm 95% khí NO2... Với đà phát triển như hiện nay, lượng phát thải khí nhà kính của Việt Nam sẽ còn tăng mạnh. Theo đó, hiện tượng nóng lên của khí hậu sẽ đến sớm hơn cả dự báo. Tại TP. Hồ Chí Minh và Cần Thơ, số liệu đo đạc cho thấy nhiệt độ đang tăng lên: từ năm 1960 đến 2005 tăng khoảng 0,020C; từ năm 1991 đến 2005 tăng lên khoảng 0,0330C. Riêng tại TP. Vũng Tàu, từ năm 1960 đến nay đã tăng lên 20C. Điều đó không chỉ thể hiện sự ấm lên về nhiệt độ mà sẽ kéo theo nhiều thứ như nước biển dâng, hiện tượng khí hậu cực đoan và thiên tai bão, lụt, hạn hán tăng nhanh... Theo đà tăng nhiệt độ trên toàn thế giới, từ năm 1920 đến nay nhiệt độ tại VN cũng tăng lên từ 0,20C đến 10C nhưng tăng nhanh chủ yếu là từ năm 1980 đến nay. Trong 40 năm qua nhiệt độ trung bình ở Việt Nam đã tăng thêm 0,60C; Do ảnh hưởng của El Nino, trong năm 1997 ở TP. Hồ Chí Minh nhiệt độ đạt kỷ lục cao nhất đến 40,60C.
Nhưng điều mà nhiều nhà khoa học thế giới như ông John Hendra nhận định là “Việt Nam chịu nhiều tác động khí hậu hơn so với lượng CO2 thải ra”.
Sự tăng nhiệt độ khiến mùa nóng kéo dài hơn. Hà Nội và khu vực phía Bắc Việt Nam có đủ 4 mùa xuân hạ thu đông. Thời gian tốt nhất dành cho khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam thường là mùa thu, mùa đông và mùa xuân từ tháng 9 đến tháng 4 sang năm, thời tiết lý tưởng là độ ẩm thấp, không mưa, nhiệt độ từ 15 đến 220C.
Tuy nhiên, gần đây tháng 9, thậm chí tháng 10 vẫn còn những ngày nóng, nhiệt độ có những ngày trên 300C, gây mệt mỏi cho khách. Do đó các công ty du lịch cũng phải thay đổi chương trình, giảm những hoạt động ngoài trời vào buổi trưa, tăng cường hoạt động vào buổi sáng sớm và buổi chiều tối. Điều này cũng gây bất lợi cho hoạt động du lịch vì du khách đặc biệt là những khách đến từ thị trường Âu, Mỹ, Australia (những thị trường trọng điểm của Du lịch Hà Nội) thường ngại dậy sớm. Còn các hoạt động buổi tối lại bị giới hạn vì phải dừng mọi hoạt động giải trí sau 24 giờ đêm.
Khi nhiệt độ toàn cầu ấm lên sẽ tạo điều kiện cho dịch bệnh cũ và dịch bệnh mới phát triển mà con người khó kiểm soát được. Trong báo cáo gần đây của Ủy ban Liên Chính phủ về biến đổi khí hậu (IPPC) đã khẳng định dưới tác động của nhiệt các căn bệnh đã gia tăng như sốt rét, sốt xuất huyết, viêm não (truyền qua muỗi), các bệnh đường ruột (truyền qua môi trường nước), các bệnh suy dinh dưỡng, viêm phổi… Theo nghiên cứu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), biến đổi khí hậu đã làm tăng tỷ lệ bệnh sốt rét, tiêu chảy và suy dinh dưỡng. Dự báo mỗi năm biến đổi khí hậu sẽ làm khoảng 150.000 người chết và 5,5 triệu người ốm.
Cùng với nhiệt độ trung bình nóng lên, khí hậu cũng khắc nghiệt hơn với mùa đông lạnh giá hơn. Hai tháng đầu năm 2008, Hà Nội và khu vực phía Bắc Việt Nam đã có đợt rét kỷ lục về độ dài và độ lạnh, chưa từng có trong khoảng 100 năm gần đây khiến nhiều vật nuôi cây trồng bị chết, người mắc bệnh và tử vong do giá rét gia tăng. Điều đó đã gây ảnh hưởng lớn đến các hoạt động du lịch.
Ths. NGUYỄN THANH BÌNH
Sở Du lịch Hà Nội