Sự phát triển du lịch về lâu dài phụ thuộc rất nhiều vào chất lượng môi trường và giá trị nguyên vẹn của các tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên nhân văn. Đặc điểm của môi trường, bản sắc đặc trưng độc đáo về văn hóa và các yếu tố tự nhiên là các yếu tố thu hút chủ yếu đối với du khách. Trở ngại lớn nhất đối với sự phát triển của Ngành chính là môi trường và vẻ đẹp thiên nhiên, di tích lịch sử bị xâm hại do tác động của những hành động thiếu hiểu biết về bảo vệ môi trường. Ngày nay, khách du lịch đang trở nên nhạy cảm hơn với tình trạng thoái hóa hay ô nhiễm môi trường tại các điểm du lịch mà họ đến thăm. Do đó, tại một số nơi trên thế giới, du lịch đang suy giảm vì lý do khai thác không hợp lý, khai thác quá mức tài nguyên tự nhiên, tài nguyên nhân văn hoặc do môi trường bị nhiễm phóng xạ, ô nhiễm chất thải sinh hoạt, ô nhiễm không khí hay những trận mưa a xít. Có thể nói, sự suy giảm du lịch không phải lúc nào cũng là hậu quả do chính du lịch gây ra và trách nhiệm bảo vệ môi trường cũng là trách nhiệm của toàn xã hội.
CỐ ĐÔ HUẾ – THÀNH PHỐ FESTIVAL
Là địa phương nằm trong vùng kinh tế trọng điểm của miền Trung, Thừa Thiên - Huế từ lâu là một trung tâm văn hóa du lịch nổi tiếng của Việt Nam nhờ những lợi thế về tài nguyên du lịch phong phú đa dạng, trong đó có nhiều tài nguyên du lịch đặc biệt hấp dẫn và có giá trị cao. Từng là thủ phủ của xứ Đàng trong, là kinh đô của Việt Nam dưới triều Nguyễn, cố đô Huế là nơi duy nhất còn giữ được gần như nguyên vẹn một tổng thể kinh đô của triều đại phong kiến cuối cùng ở Việt Nam với các công trình kiến trúc độc đáo, thực sự là kiệt tác nghệ thuật, tinh hoa văn hóa dân tộc được UNESCO công nhận Huế là “Di sản văn hóa thế giới”, một bộ phận hợp thành những tài sản vô giá của nhân loại. Trải qua những thăng trầm và biến động của lịch sử dân tộc, văn hóa Huế đã có sự giao lưu, kế thừa và phát triển một cách có chọn lọc những nét văn hóa truyền thống đặc sắc của dân tộc thông qua các lễ hội dân gian, các loại hình âm nhạc truyền thống, phong tục tập quán... mà trong mỗi loại hình đều có sự gắn bó hài hòa giữa văn hóa cung đình và văn hóa dân gian, đặc biệt là Nhã nhạc Cung đình - Kiệt tác di sản văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại. Bên cạnh đó, Huế còn là thành phố nổi tiếng với nét ẩm thực, những ngôi nhà vườn độc đáo có lối kiến trúc cảnh vật hóa, bố cục đăng đối, những ngôi chùa cổ kính, uy nghi trong một không gian tĩnh lặng, đẹp... Tất cả đã làm cho Huế trở thành đô thị có một không hai ở Việt Nam, Đông Dương và khu vực.
Nhờ có nguồn tài nguyên văn hóa vật thể và phi vật thể có giá trị bậc nhất của quốc gia nên từ năm 1998, Chính phủ và các Bộ Ngành Trung ương ủng hộ xây dựng Huế trở thành một thành phố Festival của Việt Nam. Từ đây, các kỳ Festival Huế được tổ chức đều đặn, định kỳ vào các năm chẵn bắt đầu bằng Festival Huế 2000, trở thành chương trình văn hóa du lịch trọng điểm của Việt Nam, thực sự là lễ hội văn hóa du lịch lớn của quốc gia và có tầm vóc quốc tế đồng thời có ý nghĩa to lớn thúc đẩy tăng cường quan hệ đối ngoại về văn hóa thông qua việc giới thiệu các nét văn hóa đặc sắc của Việt Nam nói chung và văn hóa đặc trưng của Thừa Thiên - Huế nói riêng với văn hóa của các quốc gia tham gia lễ hội. Năm 2008, năm thứ 5 và là năm định kỳ tổ chức Festival Huế cũng là năm kỷ niệm 15 năm quần thể di tích Huế được UNESCO công nhận Di sản Văn hóa thế giới, 5 năm nhã nhạc cung đình Huế được công nhận Di sản Văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại, Festival Huế 2008 diễn ra trong thời gian 9 ngày từ 03 - 11/6/2008, hội tụ đông đảo các đoàn nghệ thuật truyền thống và đương đại đến từ 27 quốc gia của 4 châu lục trên thế giới đang hứa hẹn một Festival đầy màu sắc và hấp dẫn.
QUAN ĐIỂM VỀ GIẢI PHÁP BẢO TỒN, PHÁT HUY GIÁ TRỊ TÀI NGUYÊN DU LỊCH THỪA THIÊN – HUẾ
Bên cạnh những lợi thế to lớn trong việc phát triển du lịch, công tác bảo tồn, giữ gìn các di sản phát huy các giá trị văn hóa, phát triển du lịch bền vững đem lại lợi ích thiết thực cho kinh tế - xã hội và đời sống dân sinh cũng đặt ra những khó khăn thách thức không nhỏ. Trong những năm qua, các Bộ, Ngành từ Trung ương đến địa phương đã không ngừng nỗ lực hợp tác và đem lại những kết quả khả quan mà bằng chứng là nhiều di tích văn hóa lịch sử được bảo tồn, các giá trị văn hóa dân gian truyền thống đã được phát huy và đóng góp tích cực cho sự phát triển của ngành Du lịch. Nhưng bên cạnh những mặt tích cực thì mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển ở Thừa Thiên - Huế cũng nảy sinh những bất cập như có khi do đặt quá nặng bảo tồn mà quên phát huy để phát triển và ngược lại vì lợi ích kinh tế không phải không có lúc chúng ta chỉ hướng đến việc phát triển mà quên đi công tác bảo tồn. Do vậy, muốn bảo tồn và phát huy giá trị nguồn tài nguyên phục vụ phát triển du lịch bền vững ở Thừa Thiên - Huế cần làm tốt một số giải pháp cơ bản, theo các quan điểm thống nhất.
Bảo tồn các di sản văn hóa và tài nguyên du lịch với phát triển bền vững luôn là mối quan hệ hữu cơ, thúc đẩy các hoạt động dịch vụ, du lịch và nền kinh tế xã hội, là nhiệm vụ của các ngành, các cấp và toàn xã hội. Chúng ta bảo tồn để không ngừng nâng cao giá trị của nguồn tài nguyên du lịch, tạo sức hấp dẫn cho "điểm dến du lịch" đồng thời qua đó mang lại những cơ hội để nguồn tài nguyên được bảo vệ một cách triệt để hơn. Vậy nên, nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý khai thác tài nguyên đặc biệt là tài nguyên nhân văn phục vụ phát triển du lịch bền vững ở Thừa Thiên - Huế đã và đang xây dựng chiến lược phát triển văn hóa, du lịch bền vững hướng tới đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của các đối tượng khách du lịch không chỉ trong thời gian trước mắt mà cả trong tương lai theo hướng chú trọng chất lượng hơn là số lượng.
Phát triển du lịch phải phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội chung; trong đó, phải tính đến mối quan hệ giữa phát triển du lịch với việc bảo vệ môi trường và phát triển văn hóa - xã hội của địa phương. Vì vậy, cần đẩy mạnh công tác hợp tác liên kết giữa các ngành, các vùng, miền, các địa phương trong vùng và giữa các quốc gia trong đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao chất lượng; đồng thời tạo ra những sản phẩm độc đáo, hấp dẫn và mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc.
Nâng cao ý thức toàn dân, nhất là đối với những người dân đang là chủ sở hữu các công trình văn hóa hoặc các tác phẩm văn hóa có giá trị, về tầm quan trọng của công tác bảo tồn di tích phục vụ phát triển du lịch thông qua các chương trình giáo dục trong nhà trường phổ thông, phổ biến Luật Di sản văn hóa, Luật Du lịch...
Đẩy mạnh công tác xã hội hóa theo hướng tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích sự tham gia của cộng đồng địa phương vào các hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch đi đôi với bảo tồn di tích, di sản văn hóa và phát triển đa dạng các loại hình du lịch, đồng thời quan tâm đến việc phát triển du lịch gắn với xóa đói giảm nghèo.
Chú trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực, tranh thủ sự hợp tác quốc tế, tạo điều kiện cho các cán bộ quản lý ngành Du lịch và Văn hóa được học tập kinh nghiệm quản lý và khai thác các tài nguyên tại các nước, các vùng có danh thắng quốc gia, di sản văn hóa thế giới, thường xuyên giáo dục, nâng cao nhận thức của cộng đồng dân cư; xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích sự tham gia của cộng đồng đối với công tác bảo tồn và phát huy giá trị nguồn tài nguyên du lịch nhằm bảo tồn và phát huy giá trị nguồn tài nguyên du lịch phục vụ phát triển cho địa phương, vùng và quốc gia
Dù còn nhiều khó khăn về nguồn vốn đầu tư nhưng trong những năm qua Thừa Thiên - Huế đã tập trung nguồn lực và sử dụng một cách có hiệu quả nguồn vốn từ Chương trình Hành động quốc gia về Du lịch từng bước đầu tư hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng các vùng trọng điểm phát triển du lịch đã được xác định trong quy hoạch của Ngành tại TP. Huế và phụ cận, khu vực Cảnh Dương, Bạch Mã. Lăng cô và A Lưới.
Có thể nói Thừa Thiên - Huế đã thực hiện tốt công tác bảo tồn và phát huy giá trị tài nguyên du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch bền vững. TP. Huế xứng đáng là thành phố Festival của Việt Nam và là Trung tâm du lịch lớn của quốc gia. Thừa Thiên - Huế đã, đang và sẽ là điểm đến hấp dẫn của du lịch miền Trung nói riêng và Du lịch Việt Nam nói chung./.
NGUYỄN QUỐC THÀNH
Phó Giám đốc
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thừa Thiên – Huế