Tại Việt Nam, dịch bệnh đã xuất hiện ở một số tỉnh, thành phố.
Nhằm chủ động phòng ngừa và ngăn chặn có hiệu quả dịch bệnh chân - tay - miệng, bảo vệ sức khỏe và tính mạng của nhân dân, Văn phòng Chính phủ đã có Công văn số 2811/VPCP-KGVX ngày 6/5/2008 truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng giao cho Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các Bộ, Ngành liên quan khẩn trương chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan và địa phương tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ các biện pháp để chủ động phòng, chống dịch bệnh chân - tay - miệng do vi rút EV-71 gây ra.
Các địa phương theo dõi sát diễn biến của dịch, sớm phát hiện các trường hợp bị nhiễm bệnh, nhất là trẻ em để kịp thời điều trị; tổ chức huy động các lực lượng tại chỗ thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch, nhằm giảm tới mức thấp nhất tác hại của dịch bệnh, định kỳ có báo cáo về tình hình kết quả thực hiện công tác phòng, chống dịch gửi về Bộ Y tế để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có Công văn số 1677/BVHTTDL-VP ngày 9/5/2008 chỉ đạo các cơ quan báo chí trực thuộc Bộ về việc tăng cường công tác tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh chân - tay - miệng. Theo đó, các cơ quan báo chí thường xuyên cập nhật tin tức, theo dõi sát diễn biến của dịch bệnh, kịp thời có tin, bài phản ánh mức độ nguy hiểm của dịch, tình hình dịch bệnh trong nước và quốc tế; tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động nhân dân, các trường học, nhà trẻ và trường mẫu giáo, nhà hàng, khách sạn, khu du lịch… chủ động, tự giác thực hiện tốt các biện pháp vệ sinh phòng, chống dịch theo hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn; đặc biệt, giữ vệ sinh cá nhân, ăn chín, uống sôi, sử dụng thực phẩm an toàn, nhằm giảm tới mức thấp nhất của dịch bệnh./.
PV