Khai thác yếu tố “làng trong phố” để phát triển du lịch
Yếu tố kiến trúc cảnh quan
Trước đây, khi chưa được đô thị hóa, hầu hết các ngôi làng đều được cấu thành bởi hình ảnh không gian cảnh quan đặc thù với cây đa - giếng nước - sân đình. Hình ảnh này có giá trị văn hóa không thể tách rời với văn hóa truyền thống của các làng xã ở khắp mọi miền đất nước, đặc biệt là khu vực phía Bắc. Các yếu tố kiến trúc và không gian cảnh quan chung của những ngôi làng thời xa xưa vẫn còn tồn tại đan xen trong cảnh quan đô thị mới đã tạo nên những đặc thù riêng, có thể nghiên cứu để khai thác phát triển các sản phẩm du lịch văn hóa tại các đô thị ở Việt Nam hiện nay.
Thực tế, nhiều không gian kiến trúc được bảo tồn, lưu giữ trong quá trình phát triển và đô thị hóa hiện nay, nổi bật là những yếu tố không gian đặc thù: cây đa - giếng nước - sân đình, nhiều loại hình kiến trúc cổng làng, đình làng, chùa, đền, miếu, phủ cổ kính vẫn còn tồn tại và phát huy vai trò quan trọng trong đời sống sinh hoạt của người dân. Yếu tố này đã tô điểm cho cảnh quan không gian đô thị một nét chấm phá, trở thành yếu tố tài nguyên rất có giá trị để khai thác phát triển các sản phẩm du lịch mang tính đặc thù.
Yếu tố văn hóa truyền thống
Các hoạt động lễ hội cùng với các trò chơi dân gian là những hoạt động cơ bản trong sinh hoạt văn hóa truyền thống của cộng đồng cư dân các đô thị. Những lễ hội truyền thống này có nguồn gốc từ các ngôi làng trước đây, hiện nay vẫn được duy trì, bảo tồn và phát huy giá trị tinh thần, tâm linh đối với cộng đồng dân cư sở tại.
Bên cạnh đó, còn có nhiều yếu tố có giá trị đặc sắc, gắn bó chặt chẽ với cuộc sống sinh hoạt cộng đồng của cư dân như không gian sinh hoạt, các mối quan hệ, hành vi ứng xử mang đậm nét truyền thống; không gian văn hóa chợ quê; không gian sản xuất và chế tác các sản phẩm của các làng nghề truyền thống; các hoạt động sinh hoạt văn hóa, văn nghệ dân gian như các câu lạc bộ ca trù, đờn ca tài tử… đang được lưu giữ và phát triển khu dân cư tại các đô thị trong giai đoạn hiện nay.
Sự đan xen hòa quyện giữa các yếu tố hiện đại và những yếu tố truyền thống trong một đô thị ở Việt Nam đã tạo nên những nét đặc thù, khác biệt so với nhiều đô thị trên thế giới, làm nên những tài nguyên du lịch có nhiều tiềm năng để khai thác và phát triển thành những sản phẩm du lịch văn hóa nói chung, du lịch đô thị nói riêng mang tính chuyên đề, đặc thù, có khả năng thu hút nhiều đối tượng khách, đặc biệt là khách du lịch quốc tế đến với Việt Nam.
Định hướng để phát triển sản phẩm du lịch
Nâng cao nhận thức về các giá trị đặc thù của các yếu tố làng trong phố đối với văn hóa truyền thống và phát triển du lịch
Trong bối cảnh đô thị hóa, cuộc sống của người dân sẽ có xu hướng thay đổi để thích ứng, sự biến đổi của các giá trị trong cảm nhận của mỗi người dẫn đến việc các giá trị cốt lõi có nguy cơ mai một và biến mất, thay vào đó là những yếu tố mới. Cụ thể, hiện nay, rất nhiều yếu tố làng trong phố như các ngôi đình làng, các đền thờ tổ nghề… trong các khu đô thị hiện nay đang bị lấn chiếm, xâm hại cảnh quan hoặc sử dụng không đúng mục đích. Những giá trị đã mất đi, đặc biệt là các giá trị văn hóa truyền thống khó có thể tái tạo lại được, do đó, nâng cao nhận thức của người dân và cộng đồng trong việc bảo tồn là giải pháp cơ bản của việc bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống quý giá trong đó có những yếu tố làng trong phố.
Nghiên cứu khảo sát, đánh giá, hệ thống hóa và bảo tồn các yếu tố làng trong phố
Nhiều yếu tố có giá trị bị bỏ hoang và dần trở thành phế tích, đặc biệt trong bối cảnh đô thị hóa và tâm lý chuộng cái mới, đang thịnh hành hiện nay. Trong tương lai, giữa những yêu cầu của cuộc sống hiện đại, các yếu tố truyền thống sẽ chịu áp lực lớn hơn trong vấn đề tồn tại và duy trì, vì vậy, đòi hỏi cần có sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương, các hiệp hội nghề nghiệp và các tổ chức xã hội của địa phương trong vấn đề bảo tồn các giá trị quý giá. Đặc biệt, cần có sự tham gia của cộng đồng dân cư hay nói cách khác là cần xã hội hóa trong vấn đề bảo tồn thông qua các hoạt động sinh hoạt quần chúng. Có như vậy, ngành Du lịch mới có điều kiện và cơ sở để khai thác và phát triển các sản phẩm du lịch mới, thu hút khách du lịch.
Chính vì vậy, việc chính quyền địa phương cần có chủ trương, cơ quan quản lý nhà nước về du lịch chủ trì, có sự phối hợp của các nhà nghiên cứu văn hóa, du lịch, kiến trúc và các doanh nghiệp du lịch có kế hoạch tổ chức chương trình khảo sát nghiên cứu, xác định các giá trị cốt lõi; xác định hiện trạng và đánh giá các giá trị để từ đó có định hướng khai thác phát triển các sản phẩm đặc thù một cách hiệu quả. Trên cơ sở hệ thống hóa các yếu tố có giá trị, xác định niên đại, hiện trạng và các yếu tố liên quan khác, cần xây dựng kế hoạch bảo tồn và duy trì các yếu tố kiến trúc, không gian văn hóa, sản phẩm thủ công truyền thống đặc thù, giá trị văn hóa ẩm thực làm cơ sở cho việc khai thác phát triển sản phẩm du lịch.
Nghiên cứu và xây dựng các sản phẩm du lịch chuyên đề, mang tính đặc thù
Hiện nay, nhiều sản phẩm du lịch đô thị vẫn chưa khai thác được đầy đủ những yếu tố tiềm năng để phục vụ nhu cầu của du khách. Thông thường các doanh nghiệp chỉ quan tâm đến các yếu tố mang tính chất đặc trưng, nổi bật, ít quan tâm đến những yếu tố mang tính nhỏ lẻ, mặc dù các yếu tố này lại có giá trị rất lớn nếu được xâu chuỗi, khai thác để phát triển sản phẩm du lịch mang tính đặc thù. Do vậy, các doanh nghiệp du lịch cần quan tâm triểnkhai việc nghiên cứu, khảo sát và tiếp cận, xây dựng sản phẩm phục vụ khách du lịch.
Tăng cường xúc tiến quảng bá giá trị của yếu tố làng trong phố
Hoạt động quảng bá sẽ góp phần nâng cao nhận thức của người dân, cộng đồng trong việc bảo tồn, bên cạnh đó, kích thích nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm du lịch liên quan đến các yếu tố làng trong phố hiện nay.
Các yếu tố làng trong phố ở các đô thị ở Việt Nam chứa đựng các giá trị tài nguyên du lịch to lớn, tuy nhiên, hiện nay chưa được quan tâm khai thác một cách phù hợp để phục vụ cho việc xây dựng và phát triển, đa dạng hóa sản phẩm du lịch tại đô thị và phục vụ nhu cầu của khách du lịch. Như vậy, việc nghiên cứu, khảo sát, hệ thống hóa và có kế hoạch đưa các yếu tố có giá trị vào xây dựng sản phẩm du lịch chuyên biệt, mang tính đặc thù và tăng cường xúc tiến quảng bá sẽ góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch tại các đô thị ở Việt Nam trong thời gian tới, góp phần thu hút nhiều hơn khách du lịch trong và ngoài nước.
Tài liệu tham khảo:
1. Lê Hiếu (2013), Hồn làng trong phố ở Hà Nội, news.zing.vn/Hon-lang-trong-pho-o-Ha-Noi-post343673.html
2. Nguyễn Hữu (2013), Đình làng kỳ bí - Kỳ 5: Hội làng trong phố thị, www.thanhnien.com.vn/pages/20130405/dinh-lang-ky-bi-ky-5-hoi-lang-trong-pho-thi.aspx
3. Tình Lê (2013) Xót xa đình cổ biến thành nhà nghỉ, cửa hàng nội y, daibieunhandan.vn/ONA_BDT/NewsPrint.aspx?newsId=293413
4. Nguyễn Quang Thân (2006), Làng trong phố Hà Nội, vietbao.vn/Van-hoa/Lang-trong-pho-Ha-Noi/70038049/181
|
PGS.TS. Lê Anh Tuấn
(Nguồn: Tạp chí Du lịch)