Theo số liệu thống kê, trong 10 tháng miễn thị thực nhập cảnh (đến hết tháng 4/2016), tổng lượng khách du lịch từ 05 nước Tây Âu đã đạt gần 629.000 lượt, tổng thu trực tiếp ước đạt gần 828 triệu USD, tăng gần 15% so với 10 tháng cùng kỳ tương ứng năm 2014 và 2015, gần bằng tổng lượng khách của 05 nước năm 2014 (635.489 lượt) và 2015 (658,736 lượt). Những số liệu nói trên đã minh chứng cho hiệu quả từ việc đơn giản hóa thị thực nhập cảnh đối với Du lịch Việt Nam; đồng thời cho thấy nghiên cứu của UNWTO và WTTC đối với trường hợp Việt Nam là có cơ sở và tính thực tiễn.
Trên thế giới, xu hướng đơn giản hóa thủ tục nhập cảnh đang gia tăng nhanh chóng. Theo Báo cáo về mức độ mở cửa liên quan đến thị thực nhập cảnh năm 2015 của UNWTO, tỷ lệ khách du lịch quốc tế cần thị thực nhập cảnh vào điểm đến quy mô toàn thế giới đã giảm từ 77% năm 2008 xuống còn 61% năm 2015; đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương, năm 2015, khoảng 20% dân số toàn cầu không cần thị thực, 23% có thể được cấp thị thực tại cửa khẩu, 11% có thể được cấp thị thực điện tử (E-Visa).
Khách du lịch quốc tế tham quan Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội)
Theo các chuyên gia du lịch, Việt Nam cần tiếp tục tháo gỡ những vướng mắc liên quan đến thị thực để tăng năng lực cạnh tranh về du lịch. Theo Báo cáo Năng lực cạnh tranh ngành Du lịch của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) năm 2015, Du lịch Việt Nam xếp hạng 75 trong tổng số ngành du lịch của 141 nền kinh tế nhưng về mức độ mở cửa với quốc tế, Việt Nam xếp hạng 89, trong đó yêu cầu về thị thực xếp hạng 119, chỉ hơn Myanmar (hạng 132).
Trong khu vực, các nước là điểm đến cạnh tranh với Du lịch Việt Nam có chính sách thị thực nhập cảnh rất thông thoáng. Thái Lan miễn thị thực cho công dân 61 nước và vùng lãnh thổ, con số này ở Malaysia là 155, Singapore là 158, Indonesia là 169… Ngoài ra, các nước đều có chính sách cấp thị thực tại cửa khẩu và E-Visa rất thuận lợi. Chính sách thị thực càng đơn giản, khả năng thu hút khách du lịch càng cao. Năm 2014, Malaysia đón hơn 27,4 triệu lượt khách, Thái Lan đón hơn 24,7 triệu lượt, Singapore đón hơn 11,8 triệu lượt, Indonesia đón hơn 9,5 triệu lượt… Trong khi đó, Việt Nam đến nay mới chỉ miễn thị thực nhập cảnh cho 22 nước (trong đó có 9 nước ASEAN); cấp thị thực tại cửa khẩu thực chất chỉ là nhận thị thực tại cửa khẩu (phải làm thủ tục từ trước); thời gian lưu trú không quá 15 ngày; chưa áp dụng E-Visa.
Tổng cục Du lịch đánh giá, nếu không cải thiện được chỉ số về yêu cầu thị thực nhập cảnh thì năng lực cạnh tranh ngành Du lịch Việt Nam khó có thể được nâng cao so với các nước trong khu vực. Đặc biệt, đối với các thị trường xa như châu Âu, Bắc Mỹ, khách du lịch thường đi du lịch kết hợp nhiều điểm đến quốc gia. Nếu không đơn giản hóa thủ tục nhập cảnh thì Du lịch Việt Nam khó có thể kết nối với các điểm đến trong khu vực, hạn chế khả năng hội nhập kinh tế quốc tế.
Được biết, Nghị quyết về miễn thị thực nhập cảnh cho 5 nước Tây Âu sẽ hết hiệu lực vào ngày 30/6/2016 tới. Tổng cục Du lịch, Bộ VHTTDL đã kiến nghị Chính phủ tăng thời gian miễn visa từ 15 lên 30 ngày và gia hạn miễn visa từ 1 năm lên 5 năm đối với 5 thị trường Tây Âu.
HN