Đề án “Thực trạng và định hướng phát triển du lịch trên lãnh thổ dải ven biển Việt Nam đến năm 2020” đã coi Bà Rịa - Vũng Tàu và Cần Giờ (TP. Hồ Chí Minh) là khu du lịch chuyên đề quốc gia. “Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng Nam Trung Bộ - Nam Bộ đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020” đã xác định Bà Rịa – Vũng Tàu nằm trong tiểu vùng du lịch Đông Nam Bộ, có sức hút kinh tế và du lịch lớn nhất trong toàn vùng và cả nước.
Hầu hết các nghiên cứu trước đây đều xác định Bà Rịa – Vũng Tàu là một địa bàn trọng điểm phát triển du lịch của cả nước. Một số nghiên cứu xác định một số điểm du lịch của tỉnh có tầm quốc tế (như khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu - Phước Bửu; Nhà tù Côn Đảo; Nghĩa trang Hàng Dương…). Tuy nhiên, các mục tiêu phát triển du lịch của tỉnh đưa ra cho các năm 2020 và 2030 cũng chỉ đạt ngang với một số địa phương khác và cao hơn trung bình cả nước không nhiều. Do vậy, nếu thực hiện được cũng chưa thể đưa Du lịch Bà Rịa - Vũng Tàu đạt tới một tầm cao mới, chưa thể trở thành một địa chỉ du lịch có tầm khu vực và quốc tế tương xứng với tiềm năng và vị thế của du lịch Tỉnh.
Kinh nghiệm phát triển khu du lịch quốc tế ở Bali và Phuket
Qua khảo sát về thực trạng phát triển du lịch ở Bali và Phuket, có thể rút ra một số kinh nghiệm sau:
Thứ nhất, khi đã xác định du lịch là mũi nhọn thì phải đặt vị thế của nó đúng tầm, mục tiêu phải đột phá, mạnh dạn có sự đột phá trong ưu tiên về đầu tư, ưu đãi về chính sách cho việc thực hiện mục tiêu đó. Chính phủ Thái Lan và Indonesia đều có những chính sách phát triển du lịch đúng đắn, chọn những địa điểm có tiềm năng du lịch độc đáo và phong phú để phát triển du lịch. Sau đó, tập trung đầu tư mạnh và liên tục vào các điểm du lịch đó với những tính toán táo bạo về doanh thu du lịch mà các khu, điểm du lịch đó sẽ mang lại.
Thứ hai, quy mô khu du lịch phải đủ lớn để có không gian cho phát triển và đảm bảo các liên kết mang lại hiệu quả cao. Quy mô khu du lịch có ý nghĩa rất quan trọng trong việc tiếp nhận lượng khách du lịch đến mỗi năm đồng thời cũng là lời giải cho bài toán liên kết du lịch có hiệu quả hay không. Vì khi tăng cường liên kết và đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến du lịch, lượng khách đổ về nhiều nhưng khu du lịch không có sức chứa cũng mang lại những kết quả tiêu cực.
Thứ ba, ở các khu du lịch không chỉ có hoạt động du lịch mà còn phát triển nhiều ngành kinh tế khác để khai thác tổng hợp hết các tiềm năng của khu, của địa phương, đồng thời đóng vai trò hỗ trợ, phục vụ tốt hơn cho hoạt động du lịch của toàn khu. Cũng có nhiều ngành kinh tế được hưởng lợi từ hoạt động du lịch, đóng góp tích cực vào GDP địa phương. Trong các khu này, du lịch đóng vai trò chủ đạo, thường chiếm khoảng 30 - 50% tổng giá trị gia tăng được tạo ra (ở Bali là 30%, còn ở Phuket là 37%).
Thứ tư, ở những khu du lịch mang tầm quốc tế như Bali và Phuket, cơ sở hạ tầng, vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch cũng như các dịch vụ khác đều rất cao cấp, đạt chuẩn quốc tế. Phuket có sân bay quốc tế và hàng loạt khách sạn 5 sao, khu nghỉ dưỡng sang trọng, sân goft đạt tiêu chuẩn quốc tế. Các dịch vụ ở Bali cũng được khách quốc tế đánh giá rất cao. Ngoài hệ thống nhà hàng, khách sạn sang trọng, hòn đảo này còn gây ấn tượng bởi số lượng các quán bar trên bờ biển thuộc hàng đẹp nhất hành tinh.
Cuối cùng là đầu tư vào các khu du lịch. Mặc dù thực hiện xã hội hóa nhưng đầu tư của Nhà nước cho các khu du lịch rất lớn và thường xuyên. Đối với các khu du lịch được quy hoạch mang tầm quốc tế, đầu tư của Nhà nước đóng vai trò cực kỳ quan trọng, đặc biệt là trong các lĩnh vực tôn tạo di tích văn hóa lịch sử, tuyên truyền quảng cáo, xúc tiến du lịch, nâng cấp cơ sở hạ tầng, tôn tạo cảnh quan môi trường hỗ trợ cho du lịch phát triển. Ở Bali và Phuket, đầu tư của Nhà nước chiếm tỷ trọng tương đối lớn trong tổng vốn đầu tư vào khu du lịch. Riêng cơ sở hạ tầng, Nhà nước đầu tư khoảng 300 triệu USD mỗi năm.
Điều kiện để Bà Rịa – Vũng Tàu trở thành địa danh du lịch mang tầm quốc tế
Bà Rịa - Vũng Tàu có tài nguyên du lịch đa dạng, phong phú, nhiều tài nguyên mang tầm quốc gia, quốc tế. Bên cạnh đó, bối cảnh trong nước và quốc tế đang rất thuận lợi, nếu có cơ chế, chính sách đột phá thì việc thu hút các nguồn lực toàn cầu vào khai thác các tài nguyên trên nhằm tạo ra sự phát triển vượt trội cho du lịch tỉnh là hoàn toàn hiện thực. Bà Rịa - Vũng Tàu được sự đồng thuận rất cao của xã hội xác định là một trọng điểm phát triển du lịch của cả nước.
Vị trí địa lý nằm trong vùng trọng điểm gần các địa phương có các thế mạnh du lịch riêng nên có thể liên kết để tạo ra một tập hợp các sản phẩm đủ sức thu hút khách quốc tế. Các tuyến du lịch liên tỉnh có thể phát huy là Vũng Tàu – Biên Hòa – TP. Hồ Chí Minh – Đà Lạt và Vũng Tàu với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.
Bà Rịa – Vũng Tàu đã có sẵn một cơ sở vật chất, kỹ thuật, cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch khá tốt làm tiền đề ban đầu cho phát triển. Đặc biệt, đã mở chuyến bay TP. Hồ chí Minh – Côn Đảo thu hút khá đông du khách. Bên cạnh đó, thương hiệu Du lịch Vũng Tàu cũng đã khá nổi tiếng là cơ sở quan trọng để có thể xâm nhập vào thị trường du lịch thế giới.
Lãnh đạo Đảng, chính quyền Tỉnh đồng thuận trong việc thực hiện tái cấu trúc nền kinh tế - xã hội, trong đó có du lịch. Đây là điều kiện vô cùng thuận lợi để đưa ngành Du lịch Tỉnh phát triển đột phá lên một đỉnh cao mới.
Tuy nhiên, để Bà Rịa – Vũng Tàu trở thành địa danh du lịch mang tầm quốc tế cần tạo ra những đột phá mạnh cho du lịch, cần thiết phải có những đề xuất mới về cơ chế, chính sách. Việc này sẽ gặp nhiều khó khăn, đòi hỏi mất nhiều thời gian, công sức để thuyết phục, tháo gỡ.
Mặt khác, để có thể có những đột phá trong phát triển du lịch tỉnh cần phải tiến hành tổ chức lại, trong đó có việc bố trí lại không gian phát triển du lịch liên quan đến các dự án đã được cấp phép. Việc này sẽ gặp rất nhiều khó khăn về nhiều mặt (ví dụ như sẽ rất khó khăn khi phải quyhoạch lại gần 150 dự án manh mún, xé lẻ suốt chiều dài bãi biển Vũng Tàu).
Đồng thời, vốn đầu tư cho phát triển và hoạt động du lịch để thực hiện mục tiêu tiêu sẽ tương đối lớn, thậm chí lớn hơn nhiều so với tổng vốn đầu tư cho phát triển du lịch đã được quy hoạch trước đây. Do vậy, Tỉnh sẽ phải đối mặt với bài toán huy động các nguồn vốn đầu tư và sử dụng một cách hiệu quả, tập trung. Mặt khác, đầu tư của Nhà nước vào khu du lịch dự kiến cũng không nhỏ và phải liên tục.
Cuối cùng, vấn đề xây dựng hình ảnh nổi trội và thương hiệu du lịch độc đáo, mang nét đặc trưng riêng của Bà Rịa – Vũng Tàu trên thị trường khu vực và quốc tế cũng là một thách thức mà Tỉnh phải đối mặt. Việc này cũng đồng nghĩa với việc cạnh tranh với các thương hiệu nổi tiếng khác trong khu vực trong đó có Bali và Phuket.
Một số đề xuất
Để Bà Rịa – Vũng Tàu trở thành địa danh du lịch mang tầm quốc tế cần lập một khu du lịch tổng hợp với tổng diện tích là 908,8km2, bao gồm toàn bộ huyện Long Đất (266,6km2) và Xuyên Mộc (642,2km2). Khu này có diện tích tương đương Phuket (Phuket có diện tích là 930km2, trong đó 70% diện tích là rừng và đồi thấp, chỉ có phía Nam và trung tâm là địa hình đồng bằng), quy mô diện tích và không gian đủ lớn cho phát triển khu du lịch mang tầm quốc tế.
Với tinh thần như vậy, khu vực lựa chọn có thể được phát triển thành nhiều khu với các công trình kiến trúc lớn, ấn tượng, các dịch vụ hoàn hảo, chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn quốc tế. Dự kiến một số hạng mục cơ bản của mỗi khu gồm có: khu khách sạn 5 sao, biệt thự, các khu nghỉ dưỡng sang trọng; sân golf tiêu chuẩn quốc tế; các tổ hợp vui chơi giải trí cao cấp, hiện đại với nhiều dịch vụ độc đáo và trí tuệ; trung tâm phục hồi sức khỏe, khám chữa bệnh; trung tâm thể thao giải trí; các phương tiện tham quan đặc sắc (cáp treo, xe điện, xe thô sơ...); sân bay (có thể là sân bay taxi); cảng du lịch; hệ thống, nhà hàng, quán bar cao cấp ven biển...
Với mục đích tạo lập sự đột phá về du lịch tạo nên sự chuyển dịch căn bản cơ cấu kinh tế của Tỉnh, việc xây dựng và phát triển khu du lịch tổng hợp mang tầm quốc tế Bà Rịa – Vũng Tàu phải được tiến hành dựa trên các nguyên tắc cơ bản sau đây:
- Những công trình xây dựng kiến trúc, văn hóa phục vụ, ẩm thực... trong khu phải mang đậm bản sắc văn hóa của Bà Rịa – Vũng Tàu nhằm tạo sự khác biệt và so với các khu du lịch tầm cỡ quốc tế khác, đặc biệt là các khu du lịch trong cùng khu vực châu Á.
- Bà Rịa – Vũng Tàu phát triển sau cũng là một lợi thế, có thể tham khảo những công trình trước với các kinh nghiệm thành bại của họ, do vậy phải xây dựng một công trình lớn hơn, hoành tráng và đẳng cấp hơn các khu du lịch quốc tế trước đó để tạo ấn tượng trên thị trường trong nước và quốc tế, thu hút khách du lịch.
- Chính quyền địa phương cần có những đột phá trong chính sách đầu tư, đặc biệt: đầu tư mạnh, trường kỳ vào những lĩnh vực chủ chốt (như xúc tiến, quảng bá du lịch, hỗ trợ nâng cấp hạ tầng, tôn tạo cảnh quan môi trường …); tạo sự thông thoáng về cơ chế, chính sách để thu hút các nhà đầu tư lớn về du lịch; tạo một sân chơi bình đẳng, công bằng, cạnh tranh lành mạnh cho người chơi; đồng thời cần xây dựng một chiến lược riêng về văn hóa phục vụ tại khu du lịch để đạt được các mục tiêu đề ra.
- Việc xây dựng một chiến lược sạch và các chương trình hành động xung quanh chủ đề này như “Thực phẩm sạch”, Bãi biển sạch”, hay “Khu du lịch xanh, sạch, đẹp”… là rất cần thiết để gây ấn tượng tốt trong lòng khách du lịch gần, xa, tạo đột phá lớn cho du lịch Tỉnh.
- Phát triển du lịch phải đi liền với phát triển các ngành kinh tế khác nhằm khai thác tổng hợp các tiềm năng sẵn có của Tỉnh từ các ngành nông nghiệp, công nghiệp, ngư nghiệp phục vụ cho các hoạt động du lịch và nhu cầu mua sắm của khách.
Như vậy, những ý tưởng hết sức khái quát nhưng đầy đột phá ở trên sẽ là một lựa chọn, một hướng đi mới cho Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu theo đúng tinh thần chiến dịch tái cơ cấu kinh tế Tỉnh. Tuy nhiên, để thực hiện ý tưởng táo bạo đó, cần nhiều nỗ lực hơn nữa từ trong và ngoài tỉnh trong đó quyết tâm của chính quyền Tỉnh đóng vai trò chủ đạo.
Mai Hương
(Nguồn: Tạp chí Du lịch)